Ông Tây cứu người
Tối ngày 13/2, một vụ tại nạn giao thông ngay trước quán cà phê Thời Trang- số 87 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại hiện trường, bên cạnh chiếc xe máy bị đổ, một người đàn ông nằm bất động, máu chảy lênh láng trên đầu. Phía trước đó là chiếc xe taxi của hãng Sasco bị thủng một nửa phần đuôi, toàn bộ kính sau xe vỡ nát vụn.
Nạn nhân đã nhanh chóng được ông Tây đưa vào viện cấp cứu.
Ngay trong lúc đó, có một ông Tây người to lớn rẽ đám đông chạy ra đường đỡ người đàn ông bị nạn dậy.
Thấy nạn nhân nằm bất tỉnh, ông Tây một tay vòng qua đầu, một tay dùng khăn bịt chặt vết thương. Cứ vài phút ông lại ghé xuống nghe nhịp thở của nạn nhân. Thấy vậy, nhiều du khách nước ngoài khác cũng chạy ra, người mang thêm khăn lau cho nạn nhân, người tham gia điều tiết giao thông tránh ùn tắc.
Phải đến gần 10 phút sau khi tai nạn xảy ra mới có một chiếc xe taxi dừng lại nhận chở nạn nhân đi cấp cứu. Vẫn là ông Tây, một mình bế nạn nhân lên xe, một mình theo nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc cấp cứu.
Trước đó từng có vụ tại nạn xảy ra tại đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vào tháng 11/2012.
Hai xe gắn máy lao vào nhau khiến một phụ nữ ngoài 25 tuổi nằm bất tỉnh giữa đường. Rất nhiều người Việt đứng nhìn, bàn tán xôn xao nhưng người ra tay giúp đỡ nạn nhân là hai người khách nước ngoài, một nam, một nữ. Họ đã không ngại sơ cứu nạn nhân ngay tại hiện trường và cùng người đi đường gọi taxi đưa người không may vào bệnh viện.
Khách nước ngoài tận tình cứu người bị nạn.
Tuy nhiên, ngay sau đó xe cứu thương của bệnh viện tới và nạn nhân được chuyển sang chiếc xe này. Theo những người kể lại, hai người khách nước ngoài này đã lo lắng và chăm sóc người bị nạn như chính những người thân của mình.
Người Việt đứng nhìn đồng loại bị nạn
Trái ngược hoàn toàn với động tác khẩn trương, rẽ đám đông lao vào sơ cứu cho người bị nạn thì người Việt phần lớn chỉ hiếu kỳ đứng nhìn, bỏ mặc nạn nhân nằm trong vũng máu.
Vụ tai nạn tối 12/2 (mùng 3 Tết), trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành - Tiền Giang) làm 2 người bị thương nặng.
Theo người dân chứng kiến vụ tai nạn, vào thời điểm trên, một người đàn ông chạy xe máy BKS 63H4-7061 chở một phụ nữ và cháu bé khoảng 4-5 tuổi đến điểm mở của con lươn (đoạn qua ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa) chuẩn bị qua đường thì bị một người đàn ông điều khiển xe máy chạy với tốc độ cao, tông trực diện vào.
Vụ tai nạn làm cho 2 người cầm lái bị thương nặng, một người bị chảy máu tai. Xe máy bị vỡ tan phần đầu, phuộc xe gãy ngang.
Cũng như bất kỳ một vụ tai nạn giao thông nào khác, người dân ở đây hiếu kỳ đứng xem rất đông hai bên đường, nhưng không ai kịp có một hành động nào cứu giúp.
Nạn nhân bị bỏ mặc do chảy quá nhiều máu.
Do người bị nạn ra quá nhiều máu nên nhiều ô tô đang lưu thông trên đường cũng không dám dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu. Phải mất thời gian khá lâu, nạn nhân mới được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm huyện Châu Thành trong tình trạng nguy kịch.
Trong một vụ tai nạn khác, những con người đứng thản nhiên nhìn đồng loại gặp nạn. Khi phóng viên có mặt và chặn xe để xin đưa nhờ người bị nạn đi cấp cứu thì không một xe nào chịu chở. Chỉ đến khi bắt được xe taxi thì người bị nạn mới được đưa đi cấp cứu.
Người đi đường đứng xung quanh... nhìn.
Hẳn mọi người con nhớ hình ảnh đáng thương của cụ già nằm đói lả trên cầu Thanh Trì được chia sẻ trên cộng đồng mạng. Dù cho hàng nghìn lượt người qua lại mà chả có mấy người dừng lại giúp đỡ ông cụ. Sau khi được cộng đồng mạng chia sẻ, người nhà đã tìm được ông nhưng cụ vẫn không thể qua khỏi.
Cụ già nằm chơ vơ trên cầu Thanh Trì.
Người Việt đang vô cảm?
Chuyện Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách những nước vô cảm nhất thế giới có lẽ ai cũng biết. Rất nhiều bức xúc, phát ngôn… được đưa ra để luận tội những hành động vô cảm. Tuy nhiên, xã hội hình như đang “đưa đẩy” con người đến với cách suy nghĩ và hành động theo kiểu: Đành phải vô cảm để tự bảo vệ mình!
Trước hết, phải khẳng định một điều: Người Việt nói chung không vô cảm. Hãy thử nhìn lại, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, khi một khu vực nào đó của Tổ Quốc bị lũ lụt, thiên tai, đã có hàng ngàn, hàng vạn người sẵn sàng đóng góp từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ. Hay cứ đến mùa đông, những đội tình nguyện lại được lập ra để gom áo len, chăn ấm cho người vô gia cư... sẽ thấy rằng người Việt không hề vô cảm.
Những bạn trẻ tặng quần áo và giày mới cho một em bé vô gia cư.
Nhưng dù nói thế nào, thì trên thực tế, trong nhiều tình huống, người Việt cũng lại đang có thái độ ứng xử một cách vô cảm. Vì sao vậy?
Chị Vân Hằng chia sẻ trên một diễn đàn rằng chị sẵn sàng trích tiền lương, quyên góp áo ấm cho những người nghèo nhưng gặp người bị nạn cũng chỉ dám... đứng nhìn. "Thứ ba tuần trước mình cũng thấy một anh Tây giúp người tai nạn trên đường Giải Phóng, nhưng nếu mình gặp thì không dám. Vì mình không có kiến thức về kỹ thuật cấp cứu, sơ cứu, không cẩn thận lại làm hại họ", chị nói.
Những hành động "hiệp nghĩa" cũng thường không được ủng hộ. Chị Minh Trang thì kể rằng khi nhìn thấy 2 tên cướp đang lượn lờ định cướp túi xách của một cô gái, chị đã ngay lập tức tìm cách đánh động cho cô gái kia. Kết cục là 2 tên cướp đành phóng xe bỏ đi. Điều đáng nói là, ngay lập tức, mấy người bán hàng cạnh đó bảo chị: "Ngu thế. Nó cướp thì kệ nó. Mày làm chị lo thót cả tim. Lần sau đừng làm thế nhé, có ngày nó đánh chết!"
Lý do "sợ bị vạ lây" cũng khiến mọi người e ngại. Anh Dũng từng đi trên đường thấy một em học sinh đi xe đạp bị xe máy va quẹt đâm rồi chạy mất. Anh vội vàng đưa em bé vào bệnh viện cấp cứu và tìm cách liên lạc với người thân của em.
Tiếc thay, khi người nhà của em đến thì một mực "vu" cho anh chính là thủ phạm đâm em học sinh, túm cổ áo đòi tiền đòi đánh. Anh phải nhờ đến cả công an và người dân xung quanh mới "giải oan" được. Thuật lại vụ việc, anh Dũng nói: "Lần sau chắc không dám giúp ai nữa, giữ nguyên hiện trường gọi cấp cứu thôi".
Bức biếm họa này có đúng không?
Dù những lý lẽ biện minh cho hành động vô cảm của nhiều người có thể vẫn chỉ là… ngụy biện, nhưng cũng thật khó để trách ai đó, nếu họ vì sự an toàn của bản thân mà đành phải quay đi.
Ngoài ra, người nước ngoài được học những khóa sơ cứu cấp cứu như một điều bắt buộc nên họ rất tỉnh táo trong việc sơ cứu những người bị tai nạn. Duy Sơn (Nguyễn Du, Hà Nội) chia sẻ một trải nghiệm của mình: "Một lần đi trên đường Láng gặp một ca tự lao vào vỉa hè ngã bất tỉnh. Mình và con gái dừng xe và lột áo mưa của người bị nạn rồi gối lên đầu, liên lạc với người thân, hô hào mọi người chặn xe để đưa đi cấp cứu...
Lúc ấy một cậu Tây cũng vô tình đi qua và ra dấu chờ một lát, lúc sau cậu ấy quay lại với túi cấp cứu (chắc mua ngay ở hiệu thuốc cạnh đấy) và đeo găng tay vào thăm khám sơ cứu. May sao thân nhân người bị nạn đến cũng nhanh. Mình bàn giao hết tiền nong giấy tờ và điện thoại, lúc ấy người bị nạn cũng tỉnh. Mình bảo họ nên ra cảm ơn bạn Tây trẻ vì họ cấp cứu rất có trách nhiệm và bài bản".
Theo TTVN