“Là người Việt Nam, tôi có nghĩa vụ bảo vệ đất nước”

Thứ ba, 19/02/2013, 13:53
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc như nước này tuyên bố, mà thuộc về Việt Nam.

Trần Đình Thắng sưu tập được 150 bản đồ cổ và 3 tập bản đồ cổ của Trung Quốc, trong đó chỉ ra rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc như nước này tuyên bố, mà thuộc về Việt Nam.

Theo bài viết trên tờ Chistian Science Monitor của Mỹ Trần Đình Thắng tới Mỹ từ năm 1991, hiện sống cùng bố mẹ tại West Harford, Connecticut, và làm việc tại hãng sản xuất linh kiện hàng không Pratt & Whitney.

Giáo sư Trần Văn Khê từng nói: “Thắng đã cống hiến cho nhiều chương trình có ích cho Việt Nam theo nhiều cách khác nhau” và giờ đây, tình yêu của Trần Đình Thắng đối với Việt Nam còn kết hợp với một đam mê khác: sưu tầm bản đồ cổ.

Truong sa

 Trần Đình Thắng: “Tôi thấy mình có nghĩa vụ làm việc vì đất nước. Đó là nhiệm vụ của cuộc đời tôi”.

Các chuyên gia về Biển Đông cho rằng, nếu những bất đồng về biển đảo được đưa ra Tòa án công lý quốc tế, thì bộ sưu tập bản đồ của Trần Đình Thắng có thể được sử dụng như một bằng chứng lịch sử để bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc. “Là một người Việt Nam, tôi có nghĩa vụ phải bảo vệ đất nước mình”, Trần Đình Thắng khẳng định và nói thêm rằng anh luôn tìm cách để biến những suy nghĩ của mình thành hành động “bất kể ngày hay đêm”.

Một buổi tối tháng 7/2012, Trần Đình Thắng lên mạng xem tin tức về Việt Nam. Mắt anh dán chặt vào tiêu đề bài báo “Bản đồ cổ chứng minh chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Anh đọc như nuốt chửng bài báo và một ý tưởng chợt lóe lên trong tâm trí anh.

Anh lên mạng eBay tìm kiếm “bản đồ Trung Quốc”, “bản đồ Ấn Độ và những vùng lân cận” và “đảo Hải Nam”.

“Bài báo viết về một nhà nghiên cứu ở Việt Nam tìm thấy và đã tặng tấm bản đồ Trung Quốc năm 1904 do người Trung Quốc vẽ dưới thời nhà Thanh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 đã thúc giục tôi tìm kiếm những tấm bản đồ khác do người phương Tây vẽ. Người phương Tây làm việc luôn dựa trên cơ sở khoa học, vì vậy, tôi nghĩ rằng những tấm bản đồ cổ do họ vẽ có thể là bằng chứng khoa học để khẳng định chủ quyền của Việt Nam”, Trần Đình Thắng nói.

Kể từ buổi tối mùa hè đó, Trần Đình Thắng tiếp tục lên mạng tìm kiếm, liên hệ với các nhà sử học và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về Biển Đông từ Mỹ đến Việt Nam. Bộ sưu tập của anh cuối cùng đã tăng lên tổng số 150 bản đồ và 3 tập bản đổ cổ. Chúng đã được xuất bản ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Australia, Ấn Độ và Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980.

“Khoảng 80 bản đồ và 3 tập bản đồ cho thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, và 50 bản đồ cho thấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam”, Trần Đình Thắng nói.

“Những sưu tập của Trần Đình Thắng đã cung cấp thêm cho chúng tôi bằng chứng về lịch sử và khoa học chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc đối với hai quần đảo này", Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng nói.

Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales, Australia, một chuyên gia về Biển Đông nói rằng, bộ sưu tập của Trần Đình Thắng đã cho thấy sự mâu thuẫn trong những tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi đối với những quần đảo này”.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn