Cầu vượt Hàng Xanh thông thoáng, cửa ngõ thành phố “dễ thở” hơn rất nhiều. Ảnh: Hoàng Long. |
Ngày 5/2 vừa qua, cầu vượt bằng thép thứ ba tại nút giao thông Lăng Cha Cả cũng đã được khởi công, mở đầu cho một năm thành phố sẽ xây dựng nhiều cầu vượt tại nhiều nút giao thông quan trọng…
Cửa ngõ “dễ thở” hơn
Thực tế đã cho thấy, nhiều ngày trước và sau đợt cao điểm đưa và đón khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và phía Bắc vào dịp Tết vừa qua, hiệu quả của hai cầu vượt quan trọng đã được phát huy rất nhiều. Các loại xe khách ra vào cửa ngõ thành phố qua đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã “dễ thở” hơn rất nhiều nhờ cầu vượt Hàng Xanh, thoát hẳn tình trạng “bí rị” tại vòng xoay như những năm trước.
Tại cầu vượt Thủ Đức, con đường gần như là độc đạo từ xa lộ Hà Nội ra đến khu du lịch Suối Tiên và cầu Đồng Nai, đã thoát hẳn cảnh ùn ứ, hỗn loạn giao thông. Khu vực này vốn tọa lạc của nhiều trường ĐH, ký túc xá sinh viên, nhà trọ công nhân... đã không còn cảnh mọi người cùng nhau kéo cả “binh đoàn” để đi bộ qua đường mỗi khi đèn đỏ.
Anh Hồ Văn Út, chạy xe ôm ở khu vực này đã trên 10 năm cho biết: “Ngay tại siêu thị ở đây, mỗi lần đèn xanh là cả trăm người bị ùn lại một bên đường, đến lúc đèn đỏ mới băng qua. Bây giờ, có cây cầu vượt, đường ở dưới chỉ dành cho xe hai bánh nên mọi người qua đường thư thái hơn rất nhiều. Cũng không còn cảnh phải sợ hàng chục xe tải, xe container đậu kín 2-3 làn, chờ đèn xanh để… vọt. Người qua đường yên tâm hơn thấy rõ”.
Tại nút giao thông Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - nơi đang thi công cầu vượt Lăng Cha Cả - vì khởi công ở thời điểm cận Tết nên lượng người qua lại không còn nhiều, xung quanh các rào chắn đều có bố trí lực lượng TNXP, cảnh sát giao thông điều khiển, phân luồng nên đã không xảy ra ùn tắc lớn.
Nhưng ngay ngày bắt đầu ngày đi làm sau Tết (18/2), lượng xe tăng lên đột biến nên đã xảy ra ùn tắc giao thông tại đường Hoàng Văn Thụ và đường đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Cầu vượt Lăng Chả Cá dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay, giải tỏa áp lực rất lớn lượng xe ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lượng xe từ cửa ngõ Tây Bắc ra vào thành phố và từ hướng đường Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ. Cầu có tổng chiều dài 400m, rộng 6,5m, thiết kế dành cho xe hai bánh và xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe buýt lưu thông.
Khơi nút giao thông, nhưng…
Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, theo kế hoạch đã được UBND và HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm vừa qua, trong năm nay sẽ có 9 cầu vượt bằng thép được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Các cầu vượt này sẽ lần lượt được khởi công xây dựng tại các nút giao thông vốn mang danh ùn tắc và đã trở thành một thứ bệnh trầm kha như ngã sáu Công trường Dân Chủ; ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự; ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai; ngã bảy Điện Biên Phủ; ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa; ngã ba Trường Chinh - Cộng Hòa; vòng xoay Cây Gõ và ngã tư Bốn Xã…
Tuy nhiên với người dân thành phố, các cây cầu vượt này sẽ chỉ là những giải pháp “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng giao thông tại các vị trí yết hầu của nội đô.
Đó vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ để “hạ áp” tình hình ùn tắc giao thông khi thành phố vẫn chưa thể đưa vào khai thác, mở rộng các tuyến đường trọng điểm xuyên tâm, các tuyến đường vành đai hoặc chưa có giải pháp giải quyết cho bài toán giao thông tĩnh (các bãi đậu, giữ xe trong nội đô).
Chưa hết, nếu việc phân luồng, đặt đèn tín hiệu, biển báo không khéo, không khoa học, các đường dẫn vào cầu vượt (vốn nằm trong khu vực đông dân cư, mật độ giao thông cao), thì chính các đường dẫn vào các cầu vượt sẽ trở thành những những dải phân cách, chia tách các con đường ra vào khu vực khu dân cư… và “góp phần” đáng kể để tăng sự nhiễu loạn giao thông tại các khu vực này.
Đây là một bài học mà chuyện phân luồng cầu Tham Lương trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc, kiến nghị của người dân.
Hoặc khi cầu Băng Ky mới (trên đường Nơ Trang Long) được khánh thành, dài 200m, rộng 20m, cho phép cả xe siêu trường, siêu trọng đi qua nhưng do dự án mở rộng, nâng cấp đường Phan Văn Trị (nối với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài), vẫn còn trong giai đoạn chờ giải phóng xong mặt bằng thì cầu mới Băng Ky gần như không phát huy hết tác dụng như thiết kế.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn cho rằng về mặt mỹ quan, cảnh quan đô thị… các cây cầu vượt này đều nằm trong nội đô, sẽ như là một dải băng “bịt mắt” hết tầm nhìn, khoảng không, “khoảng thở” của đô thị vốn đã quá bức bối, ngột ngạt.
Theo một kiến trúc sư (xin được giấu tên), với khoảng cách xây cầu vượt quá gần và cộng thêm đường dẫn (như cung đường Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, Ngô Gia Tự… đều nằm trong phạm vi quận 10, mà thiết kế xây dựng đến 3 cây cầu vượt), thì nó sẽ như những thòng lọng “thít” chặt khoảng không gian đô thị. Đó là chưa kể, nó sẽ gây nhiễu loạn giao thông, đời sống của người dân trong khu vực chật kín dân cư này.
Theo Giadinh.net.vn