Khổ vì mất giấy tờ - Kỳ 3: Nối mạng để dân bớt bị hành

Thứ tư, 20/02/2013, 14:30
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến thủ tục hành chính mạnh hơn nữa trong việc giải quyết cấp lại giấy tờ bị mất cho dân.

Thực tế khác xa quy định

Trên thực tế, những trường hợp mất giấy phép lái xe (GPLX), đặc biệt đối với người thường xuyên thay đổi nơi cư trú phải đối diện với nhiều phiền hà không cần thiết.

Theo một cán bộ Sở GTVT TP.HCM, người mất GPLX khi đi làm lại sẽ bị “giam” hồ sơ 2 tháng để xác minh có bị tước GPLX hoặc chưa thực hiện quyết định xử phạt nào không... Sau 2 tháng, nếu không có “tì vết” gì thì sẽ cấp lại GPLX.

Thế nhưng, vị cán bộ này cũng nhìn nhận thực tế thời gian xác minh có thể dài hơn, tùy thuộc vào công văn trả lời của đơn vị.“Luật cũng quy định người dân có thể làm thủ tục cấp lại GPLX bị mất ở bất cứ tỉnh, thành nào, thời gian xác minh là 2 tháng, nhưng nói thật muốn nhanh thì nên trở về địa phương cấp GPLX ban đầu làm thủ tục”, vị cán bộ tư vấn.

Khổ vì mất giấy tờ
Cần cải tiến thủ tục hành chính trong cấp GPLX để giảm bớt sự chờ đợi của người dân - Ảnh: Lê Quang

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cho rằng ngành GTVT cần thống nhất cách quản lý trên phạm vi toàn quốc. Hồ sơ GPLX của người dân phải số hóa, cập nhật vào hệ thống dữ liệu chung và các đơn vị quản lý trong ngành đều có thể truy cập được một cách dễ dàng.

“Như vậy, chỉ cần có tên, tuổi, địa chỉ, số CMND thì ở bất cứ tỉnh, thành nào cũng có thể tra cứu thông tin hoặc biết được người đó có bị xử phạt, rút giấy phép hay không... Nếu làm được điều này sẽ tiết kiệm được nguồn lực xã hội rất lớn. Hiện nay, việc người dân thay đổi chỗ ở từ tỉnh này sang tỉnh khác khá phổ biến mà phải đi từ nam về bắc làm thủ tục cấp lại GPLX thì quả là lãng phí”, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nói.

Dân sẽ chỉ khai thông tin 1 lần

Làm lại GPLX bị mất trong 1 ngày

Tại Thái Lan, việc làm lại GPLX bị mất chỉ 1 ngày. Người bị mất GPLX chỉ cần mang theo tường trình (bắt buộc) làm tại đồn cảnh sát nơi mất giấy phép, hộ chiếu, visa, 2 tấm hình và đóng lệ phí khoảng từ 40.000 - 80.000 đồng (tùy xe gắn máy hoặc ô tô). GPLX sẽ được gửi đến dân vào ngày hôm sau.

Về cấp lại CMND, thượng tá Trần Văn Trình, Phó trưởng công an Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết trong trường hợp cần cấp nhanh CMND để thực hiện giao dịch kinh tế quan trọng, làm hộ chiếu đi nước ngoài chữa bệnh... người dân có thể yêu cầu cán bộ thụ lý hướng dẫn thủ tục để giải quyết nhanh từ 2 - 4 ngày.

Đối với những trường hợp khác, hoặc khi mất CMND, người dân sẽ được cấp lại trong vòng từ 7 - 10 ngày, nhưng cũng phải có đơn cớ mất có xác nhận của công an phường nơi bị mất CMND.

Trong khi đó, theo thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, người mất hộ chiếu có thể tự viết đơn hoặc đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh  lấy mẫu đơn cớ mất được in sẵn điền thông tin, không cần phải có công an phường xác nhận.

Lệ phí nộp làm lại hộ chiếu bị mất là 400.000 đồng/hộ chiếu (gấp đôi so với người đi làm hộ chiếu lần đầu). Sau 8 ngày kể từ ngày nộp đơn, người dân sẽ được cấp lại hộ chiếu.

Trường hợp người dân có nhu cầu làm hộ chiếu nhanh để đi nước ngoài chữa bệnh, đưa người thân tử nạn ở nước ngoài về nước… thì có thể yêu cầu để được hướng dẫn làm nhanh trong 3 - 4 ngày...

Tương tự, người mất giấy chứng nhận đăng ký xe (CNĐKX) gắn máy hoặc xe hơi khi đi làm lại đến cơ quan đăng ký xe sẽ được cấp tờ khai, trong đó có phần lý do xin cấp mới (bị trộm cướp, đánh rơi…), không cần tự viết đơn và xác nhận của công an phường. Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ, nộp tiền lệ phí, trong vòng từ 2 - 3 ngày người dân sẽ được cấp lại giấy CNĐKX.

Trường hợp giấy CNĐKX bị mất, nhưng xe chưa sang tên đổi chủ hoặc làm thất lạc hồ sơ do chủ xe tự quản thì sau 15 ngày thông báo, cơ quan thẩm quyền mới cấp lại giấy CNĐKX.

Theo TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), trong năm 2012 Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Đề án này sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trong đầu năm 2013 và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Theo đó, người dân chỉ phải kê khai 1 lần các thông tin ở giấy khai sinh gốc (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bố mẹ, quê quán…), chứ không phải khai sinh xong sau đó lại đi khai hộ khẩu, khai hộ khẩu xong lại đến CMND.

Tất cả những giấy tờ tùy thân sau đó đều được các cơ quan nhà nước cấp thống nhất với thông tin điền trong giấy khai sinh về cá nhân đó. Trường hợp mất giấy tờ thì chỉ cần đến báo thì nhà nước phải cấp lại vì mọi cơ sở dữ liệu đã được lưu trong lần khai đầu tiên của công dân rồi.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích