Thành cổ phía đông Trà Kiệu đang được khai quật (ảnh: TNO) |
Trà Kiệu (Shimhapura - sư tử) là kinh đô của Vương quốc Chăm-pa xưa. Bao quanh di tích này là nhiều ngọn núi: Núi Chúa, Chóp Xôi, Núi Ðất... Tại đây vẫn còn các bờ thành cổ bao bọc, nằm sâu trong lòng đất thuộc xã Duy Trung và Duy Sơn.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật các nền móng còn lại của khu kinh đô cổ ở phía nam, tìm thấy nhiều dấu tích về kết cấu, vật liệu.
Gần đây nhất là tháng 2 và 3, đoàn chuyên gia của Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ cùng các chuyên gia Nhật Bản đã đến bờ đông Trà Kiệu để khai quật, thu được nhiều chứng tích cổ, được xác định có niên đại vào thế kỷ IV.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, thành Trà Kiệu chỉ là một phế tích nhưng đó lại là một di tích khảo cổ học giá trị. Sở sẽ có đề án để bảo tồn di tích này và trong tương lai sẽ triển khai xây dựng một bộ sưu tập chung tại khu di tích, gồm những di vật khảo cổ học có liên quan đến thành cổ Trà Kiệu và nền văn hóa Champa cổ xưa.
Theo PhunuOnline