25 năm hải chiến Trường Sa: Cuộc chiến bi hùng ở Gạc Ma

Thứ hai, 11/03/2013, 14:48
Những ngày tháng 3 này dường như đang trôi nhanh đối với hơn 50 cựu chiến binh, thân nhân của những liệt sĩ từng chiến đấu ngoan cường nơi Gạc Ma. 25 năm trước, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông...

25 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành bất tử.

Những ngày tháng 3 này dường như đang trôi nhanh đối với hơn 50 cựu chiến binh, thân nhân của những liệt sĩ từng chiến đấu ngoan cường nơi Gạc Ma khi họ hội ngộ cùng nhau. PV đã tìm gặp những người anh hùng năm xưa, những người thân nơi quê nhà của họ để nghe kể về cuộc chiến bi hùng này.

Kỳ 1: Cuộc xâm lược của Trung Quốc

Tháng 3/2013, trời Đà Nẵng chuyển lạnh đột ngột vì gió mùa đông bắc, cơ  thể hai cựu binh của trận hải chiến Gạc Ma 1988 là Phan Văn Đức và Dương Văn Dũng cũng trở chứng theo. Nhưng không chờ những cơn đau của những thương tích ấy "nhắc nhở", trong lòng họ vẫn đau đáu một ký ức như mới ngày hôm qua.

25 năm hải chiến Trường Sa
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988(bức tranh này đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)

Ra đi

Năm 1988 anh Phan Văn Đức chiến đấu ở Gạc Ma, Trường Sa. Nay, anh ở trong căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm đường Hoàng Sa ven biển (P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).

Càng đến gần ngày 14/3, anh Đức càng khó ngủ. Mờ sáng, anh bước vài bước ra quán cà phê Biển Đảo của ngư dân câu mực Trần Văn Mười và nhìn đăm đăm ra phía biển.

Anh Đức nguyên trú khu vực tổ 5 An Thị (P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà), lớn lên bằng nghề bốc xếp và đi biển. Tuổi đôi mươi, anh cùng người bạn thân là liệt sĩ Lê Thế ở gần nhà nhập ngũ vào tháng 3.1987.

25 năm hải chiến Trường Sa
Cựu binh Phan Văn Đức với vết sẹo trên vai trái do quân Trung Quốc bắn

Nhập ngũ cùng thời gian còn có anh nông dân Dương Văn Dũng, tạm biệt đám ruộng ở khu vực Bình An (nay thuộc P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Sau 6 tháng huấn luyện ở Hội An, họ được giao về Trung đoàn 83 công binh (Vùng 3 Hải quân) đóng tại Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.

Anh Đức được phân công làm anh nuôi cho đơn vị, còn anh Dũng là lính công binh. Một đêm đầu tháng 3/1988, mọi người nhận nhiệm vụ đi Cam Ranh, Khánh Hòa và sau đó lên tàu HQ 604 thẳng tiến ra Trường Sa.

Anh Dũng kể, 20 giờ ngày 11/3, anh cùng mọi người lên tàu HQ 604 của Lữ đoàn 125 do Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng, đưa 70 công binh Trung đoàn 83 và 22 chiến sĩ Lữ đoàn 146 rời Cam Ranh.

25 năm hải chiến Trường Sa
Anh Dương Văn Dũng trong ngôi nhà vừa mới xây dựng và cô con gái út

Khoảng 15 giờ ngày 13/3, tàu đến đảo Gạc Ma và tiến hành làm dây, hạ xuồng, đưa vật liệu vô để chuẩn bị xây dựng.

Thế nhưng chỉ khoảng 1 tiếng sau là tàu Trung Quốc liên tục đưa xuồng quần thảo cắt dây vận chuyển của tàu HQ 604, dùng loa yêu cầu tàu HQ 604 phải nhổ neo gấp bằng tiếng Việt.

"Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân đã động viên anh em. Thiếu úy Trần Văn Phương cũng động viên, nói rằng vợ anh sắp sinh nhưng vẫn sát cánh cùng anh em nên không phải lo", anh Phan Văn Đức nhớ lại.

25 năm hải chiến Trường Sa
Hằng ngày, anh Đức đều cầu nguyện cho những đồng đội đã hy sinh

Đến 21 giờ cùng ngày, tàu HQ 604 khẩn trương thả xuồng nhôm để đưa người và vật liệu xuống bám giữ đảo Gạc Ma và quyết làm nhà trên đó.

Lúc 3 giờ sáng ngày 14/3/1988, các chiến sĩ đã cắm được cờ Tổ quốc lên bãi đá Gạc Ma.

“6 giờ sáng 14/3, chiến sự nổ ra, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui.

Đôi bên giằng co quyết liệt, Trung Quốc nổ súng bắn vào anh Phương, Phương ngã xuống, song vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh đã nhanh chóng xông tới, cùng anh em đứng vây quanh lá cờ của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy phía Trung Quốc thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê đâm vào Lanh từ phía sau.

Lanh gục xuống, một dòng máu nhuộm đỏ từ dưới chân cột cờ của Tổ quốc nhưng cột cờ của Tổ quốc không đổ… (trích Lịch sử Trung đoàn công binh 83 hải quân)

Anh Đức kể, đến 4 giờ sáng, khi mặt trời lên anh Đức đã cùng khoảng 20 - 30 chiến sĩ bơi vô đảo nhưng chỉ mang theo 2 khẩu súng AK 47. Hai khẩu súng này giấu rất kỹ, không để phía Trung Quốc phát hiện vì mục đích của phe ta là vừa phòng vệ nhưng vẫn giữ hòa khí.

"Trong đêm ở trên đảo, anh em tụi tôi đã xác định đụng độ với Trung Quốc là không còn đường về vì tàu họ quá hiện đại. Nhưng tụi tôi chấp nhận, vì nghĩ núi rừng còn chạy được chứ trên trời dưới biển thì làm sao tránh được", anh Đức nói.

Chiến sự

Không khí lúc đó hết sức căng thẳng.

"Phía bên ngoài, Trung Quốc bao vây quá đông, lúc đó chúng tôi chỉ mặc quần đùi, áo may ô. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, cắm cờ Tổ quốc giữ đảo rồi bất ngờ bị phía Trung Quốc bắn chết.

Ngay lúc ấy anh Nguyễn Văn Lanh liền nhảy lên gạt súng, xô ngã tên bắn anh Phương nhưng chính anh đã bị tên khác đâm lê vào sau lưng.

Lúc đó chúng tôi chỉ dùng tay không đánh nhau với địch vì ai cũng nghĩ mất cờ là mất đảo" - anh Đức thuật lại.

"Lúc ấy, tôi hỏi anh em là 2 cây súng AK đâu rồi, thì được biết là mọi người đã dụi xuống biển trước đó để tránh bị hiểu lầm. Lúc đó tôi nghĩ mình chỉ cần 1 cây súng thôi thì ít nhất cũng bắn được trên chục mạng vì lính Trung Quốc đứng rất đông", anh Đức sục sôi.

Khoảnh khắc ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí của anh Đức. "Trước thái độ cương quyết giữ đảo của phe ta trên bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc bất ngờ bắn một loạt đạn dày đặc.

Tôi nhớ đạn dày đến nỗi lúc đó chỉ có đạn tránh người thôi chứ người không thể tránh đạn. Tôi bị trúng đạn ở vai trái ngã xuống nước, khi trồi lên tôi bơi về phía tàu HQ 604.

Khi gần đến tàu, tôi thấy tàu Trung Quốc bắn liền 2 quả, 1 quả chớp đỏ nổ cabin tàu HQ 604, quả còn lại làm tàu lật luôn".

25 năm hải chiến Trường Sa
Sau trận hải chiến Gạc Ma 1988, nhân dân cả nước ủng hộ vật chất xây dựng nhiều đảo kiên cố tại quần đảo Trường Sa, trong ảnh là Nhà cấp 1 tại đảo Đá Nam - Ảnh tư liệu

Cùng đường, anh Đức ôm một cây gỗ bơi lại vào bãi đá thì được đồng đội dùng xuồng vớt lên và đưa về đảo Sinh Tồn.

Còn về phần anh Dũng, tàu HQ 604 bị bắn chìm khi anh ở trong bệ cẩu nằm giữa tàu. Ngoi lên mặt nước thì đạn địch bắn rất rát. Anh ngoi lên hụp xuống vài lần thì vớ được một thùng gỗ chứa lương khô và bơi ra xa.

Lần lượt anh với tìm được 2 cây gỗ, cùng 2 đồng đội khác ghép ván tạo thành bè rồi cả 3 người ngồi lên trên. Họ trôi dạt đến 18 giờ cùng ngày thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ, cùng với 6 đồng đội khác bị đưa về Quảng Đông.

"Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma, HQ 605 ở đảo Len Đao và HQ 505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất, 3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương, 70 người mất tích… (sau đó Trung Quốc trao trả lại 9 người đã bắt giữ).

Bị tổn thất và hy sinh nhưng bộ đội ta với tinh thần kiên cường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền đảo Cô Lin và Len Đao, tiếp tục triển khai đóng giữ bảo vệ thắng lợi Đá Nam và Đá Thị ở phía bắc quần đảo (15-16/3/1988).

Nhân dân cả nước đã tổ chức hàng trăm buổi mít tinh phản đối hành động xâm chiếm trái phép của nước ngoài, đồng thời quyên góp vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng ủng hộ chi viện Trường Sa…

Trải qua hơn 5 tháng, Quân chủng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CQ88, đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo mới với 32 điểm đóng quân".

Trích Lịch sử Vùng 3 hải quân


(còn tiếp)


Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn