Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đã có cuộc trao đổi về quy định xử phạt hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, nêu trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp do Bộ Tư Pháp xây dựng.
Ông nhận định như thế nào về quy định xử phạt trên? Liệu có còn thích hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay?
- Tôi không quá ngạc nhiên khi đọc quy định này. Tất nhiên tôi hiểu suy nghĩ các nhà làm luật xưa nay thường cứng nhắc và nguyên tắc và chắc chắn họ sẽ gặp khó khăn trong việc “luật hóa” những vấn đề mang tính chất nhạy cảm, tế nhị trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người…
Xét về góc độ xã hội học, các vấn đề đang xảy ra với bên trong và bên ngoài gia đình Việt Nam hiện nay biểu hiện khá phức tạp trong đó có vấn đề ngoại tình. Hiện tượng ngoại tình được nêu như trong Dự thảo là một quan điểm khá sơ khai, chỉ được xác định qua một hành vi cụ thể là người đang có vợ chồng lại chung sống như vợ chồng với người khác.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển |
Về mục đích, quy định xử phạt đang hướng đến vấn đề nào? Bảo vệ cấu trúc gia đình hay bảo vệ Quyền của các thành viên gia đình và hạnh phúc gia đình? Rõ ràng ở đây, quy định chỉ hướng đến bảo vệ cấu trúc gia đình mà các nhà làm luật chưa xem xét đến những trường hợp đặc biệt của vấn đề “đang có vợ chồng, chung sống như vợ chồng với người khác”.
Hầu hết các nguyên nhân ngoại tình xuất phát từ việc gia đình không hạnh phúc, không hòa hợp trong đời sống hôn nhân, vậy thử hỏi tác động xã hội của quy định như thế nào, liệu khi xử phạt xong, pháp luật có đem hạnh phúc trở lại cho các cá nhân và gia đình không?
Nói như vậy cũng có nghĩa nếu quy định được đưa vào thực hiện, đối tượng vi phạm bị xử lý cũng khó có thể “tâm phục khẩu phục”?
- Từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vì nhiều lý do hiện nay một số cặp vợ chồng chọn giải pháp thỏa thuận ly thân thay vì ly dị, có những trường hợp ly thân kéo dài 20-30 năm, vậy theo quy định mới những người trong cuộc sẽ không được phát sinh tình cảm với người khác?
Có những trường hợp vì lý do sức khỏe, vì lý do không thể sinh con, nhiều cặp vợ hoặc chồng khuyến khích người kia quan hệ ngoài hôn nhân cũng sẽ bị xử phạt trong khi những hành động này có thể được xem xét trong tính nhân văn riêng của nó…
Ngay trong vấn đề pháp luật cũng còn sự thiếu đồng bộ. Kết hôn chúng ta đăng ký tại UBND xã, phường, trong khi ly hôn giải quyết ở cấp Tòa án nhân dân Quận/Huyện. Thủ tục ly hôn cũng khá rườm rà, phức tạp, nhiều trường hợp vài ba năm mới giải quyết được. Vậy thử hỏi sẽ có bao nhiêu sự việc diễn ra trong thời gian các cặp vợ chồng chờ tòa giải quyết ly hôn?
Với mức phạt chỉ 200 nghìn đến 1 triệu đồng, liệu có xảy ra tình trạng người vi phạm sẵn sàng chịu nộp phạt để tiếp diễn hành vi được cho là vi phạm?
- Tôi cho rằng chúng ta có thể định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông thì không có vấn đề gì. Nếu đưa ra định mức xử phạt trong các vấn đề thuộc tinh thần, tình cảm con người thì thật khó bình luận và đương nhiên đó không thể là một giải pháp hiệu quả. Nghĩ sâu hơn một chút, tôi cũng chưa hiểu các nhà làm luật sẽ dự tính bắt quả tang, lập biên bản và xử phạt những hành vi này như thế nào? Ai là người sẽ làm những việc này?
Quy định này có giải quyết được tận gốc vấn đề thuộc về đạo đức, tình cảm vợ chồng? Thay vào đó, cần phải có giải pháp gì?
- Như tôi đã nói ở phần trên, mục đích lớn nhất trong chính sách phát triển gia đình hiện nay phải là hạnh phúc gia đình, đem lại sự hài hòa giữa quyền của các thành viên gia đình với việc duy trì sự ổn định gia đình.
Nếu chúng ta chỉ hướng tới việc duy trì sự ổn định gia đình, mặc kệ những điều xảy ra trong đó thì rất có thể đó là sự cổ vũ cho hạnh phúc gia đình giả tạo với định kiến trói buộc, kìm hãm tự do cá nhân, với những vòng luẩn quẩn của trách nhiệm, đạo đức mà không giáo dục được tính tự giác cho việc thực hiện những trách nhiệm đó.
Cá nhân tôi cho rằng việc ban hành bất kỳ một quy định cứng nhắc trong bối cảnh gia đình có nhiều khó khăn, biến động, khủng hoảng, đặc biệt về giá trị như hiện nay là chưa phù hợp. Thay vào đó cần nghiên cứu cẩn thận và tìm các giải pháp mềm dẻo hơn.
Xin cám ơn ông!
Luật sư Trịnh Anh Dũng: Khó chứng minh để xử lý. Trước đây, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã được quy định cụ thể tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp – Bộ Công an – TANDTC – VKSNDTC số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự. Về mặt pháp lý, hành vi của người đang có vợ hoặc đang có chồng chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi sinh hoạt chung với người khác như một gia đình. Ví dụ: có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đó…và hành vi này bị coi là vi phạm pháp luật. Do đó, hành vi “ngoại tình” mà chưa đến mức chung sống như vợ chồng chỉ vi phạm quy phạm đạo đức, không vi phạm quy phạm pháp luật. Thực tiễn cho thấy, tuy hành vi của người đang có vợ hoặc đang có chồng chung sống như vợ chồng với người khác đang là một hiện tượng xã hội, nhưng hiếm khi hành vi này bị xử lý bởi rất khó chứng minh được trên thực tế và nếu có chứng minh được, thì cơ quan pháp luật cũng không thực sự quyết liệt xử lý hành vi này vì nhiều lý do khác nhau. |
Theo Khampha