Trước đó, vào năm 1983, Lệ bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án tù chung thân và chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) được 9 năm thì trốn trại.
Theo cáo trạng, vào ngày 6/7/1983, Lệ dắt bà Lê Thị Thới và Nguyễn Thị Bé Ba về nhà để bán hai con lợn. Hai bên thống nhất giá cả nhưng không có cân nên Bé Ba đi ra Cai Lậy mượn cân, còn bà Thới vào nhà nói chuyện với Lệ rồi ngủ quên trên bộ ván.
Thấy bà Thới ngủ, Lệ lấy dao mài cho bén rồi vào nhà chém vào cổ bà Thới. Vết chém làm bà Thới bị đứt thanh quản nên không kêu được mà chỉ giãy giụa, chống đỡ. Thấy vậy, Lệ chém liên tiếp thêm nhiều nhát cho đến khi bà Thới nằm tắt thở trên vũng máu.
Đối tượng Trần Thị Lệ.
Thấy nạn nhân bất động, Lệ lấy đôi bông tai và lục lấy tiền của nạn nhân. Sau đó, Lệ kéo xác nạn nhân cột vào tấm đan xi măng dìm xuống ao phía sau nhà. Để tránh bị phát hiện, Lệ rửa các vết máu dính ở trên nền nhà.
Lúc này, ông Trần Văn Dần là cha của Lệ về đến nhà, thấy nhiều vết máu, tưởng Lệ ra tay giết chồng nên ông tri hô. Thấy vậy, Lệ bỏ trốn ra thị trấn Cai Lậy, ở trọ nhà người thân đến hôm sau thì bị bắt.
Tai cơ quan điều tra, Lệ đã khai nhận, đã có ý định giết bà Bé Ba để cướp tài sản nên lợi dụng việc bán lợn để dụ nạn nhân đến nhà. Nhưng khi bà Bé Ba đến với người bạn của mình thì Lệ đã ra tay với bà Thới.
Lãnh án chung thân, chấp hành được 9 năm, ngày 4/12/1992, Lệ trốn trại. Để tránh né lực lượng chức năng, Lệ đến các chùa, bệnh viện ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh… xin làm công quả và làm từ thiện.
Ở mỗi nơi, Lệ lấy tên khác nhau và chỉ lưu trú một thời gian ngắn rồi lại tìm nơi khác ẩn náu. Sau 21 năm trốn lệnh truy nã, tưởng chừng như thoát khỏi bản án, nhưng khi đến Toà thánh Cao Đài tại Tây Ninh làm công quả thì Lệ bị lực lượng công an phát hiện.
Ban đầu Lệ khai là Nguyễn Thị Phượng, nhà ở Vĩnh Long, nhưng bằng phương pháp nghiệp vụ của công an, ngày 11/3/2013, đối tượng truy nã này đã cúi đầu khai nhận mình chính là Trần Thị Lệ, đang trốn lệnh truy nã.
Theo Baotayninh