Trước việc Trung Quốc liên tục xua tàu hải giám và ngư dân ra biển Đông vào các vùng tuyên bố chủ quyền của nhiều nước, các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông gồm các ông Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Đức Hùng và Dư Văn Toán cho rằng, Việt Nam cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc.
Tàu cá Trung Quốc thường tổ chức thành các biên đội kéo ra quần đảo Trường Sa đánh bắt, thăm dò trái phép và do thám... |
Việc Trung Quốc liên tục xua tàu tuần tra dưới danh nghĩa “tàu hải giám” ra biển Đông của Việt Nam trong những ngày này nhằm mục đích gì?
- Việc làm của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay đã khác xưa, họ chấp nhận có thể có xung đột tàu dân sự.
Các tàu của Cục Hải dương Trung Quốc đều công bố hải trình của mình trên mạng thông tin hàng hải toàn cầu, nhằm chứng minh sự hoạt động của Trung Quốc trên các tọa độ biển ngoài quy ước quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 82).
Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu những việc làm nói trên còn nhằm tăng cường hoạt động kiểm soát và có thể thêm cả hoạt động tình báo, để có cơ hội là có thể tấn công chiếm các đảo đá trên biển Đông.
Trung Quốc luôn núp dưới danh nghĩa là tàu phi quân sự để độc chiếm biển Đông, Việt Nam sẽ phải sử dụng lực lượng nào để đối phó?
- Trung Quốc đã không còn núp bóng nữa, mà hoạt động xâm chiếm công khai trên biển Đông. Tàu họ có mã số, có vệ tinh hàng hải, tọa độ đường đi lại công khai... Việt Nam nên nhanh chóng lập một lực lượng giám sát biển tổng hợp lấy nòng cốt từ Cục Kiểm ngư, Cảnh sát biển...
Ngoài việc thành lập lực lượng tàu giám sát biển tổng hợp như trên, Việt Nam cần nhanh chóng phổ biến bản đồ đường ranh giới trên biển, tỏ rõ quan điểm của Việt Nam về việc phân chia biển Đông theo UNCLOS 82.
Việc này rất quan trọng, vì có thể làm cơ sở để xử lý các tàu Trung Quốc và tàu nước ngoài xâm phạm các vùng biển của Việt Nam. Cần phải bám chặt vào các điều khoản về quyền tài phán của tàu thuyền trên các vùng biển theo UNCLOS 82 và các công ước, luật quốc tế khác.
Các tàu hải giám Trung Quốc tuy là tàu quân sự trá hình dân sự, nhưng vẫn thuộc các tàu thuyền đặc biệt khi hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vẫn phải tuân theo quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển đó.
Đây là những cơ sở để Việt Nam có thể đuổi các tàu thuyền hải giám của Trung Quốc khi chúng hoạt động trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam có bờ biển dài và khoảng cách theo chiều ngang ra các vùng biển ngắn, có thể kết hợp sử dụng lực lượng tàu giám sát với máy bay trực thăng hoặc máy bay quân sự.
Đặc biệt, máy bay trực thăng có thể thường trực trên các đảo dọc bờ biển để có thể nhanh chóng thực hiện việc xua đuổi tàu thuyền xâm phạm kịp thời. Việc bố trí các sân bay trực thăng trên đảo có thể giảm bớt thời gian tiếp cận tới các vùng biển xa và có thể kịp thời tiếp tế nhiên liệu cho các máy bay khác...
Là những nhà nghiên cứu tình hình trên biển Đông, Quỹ Nghiên cứu biển Đông có dự đoán gì đối với những bước đi tiếp theo của Trung Quốc?
- Vùng hoạt động phi pháp của các tàu Trung Quốc rồi sẽ lan tỏa đến các vùng biển gần Việt Nam cùng các tàu cá, và họ sẽ cố tình để xảy ra những va chạm theo chiến thuật “lấy thịt đè người” nhằm đe dọa, với mục đích để các ngư dân Việt Nam không dám ra khơi và Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.
Ngoài việc trên, Trung Quốc còn muốn dương oai sức mạnh đội tàu biển của họ, đồng thời vẫn tiếp tục chiến lược gặm nhấm và hợp pháp hóa “đường lưỡi bò” bằng các hoạt động ngụy tuyên truyền mà lâu nay họ vẫn thực hiện đối với chúng ta.
Theo GDVN