Người trồng thuốc kỳ lạ khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn

Thứ sáu, 15/03/2013, 10:55
Cây thuốc chỉ mọc ở các kẽ đá ẩm ướt giữa suối, không biết giấu mình trong các hang hốc, vách núi sâu thẳm, nên số phận nó thật mong manh.

Từ TP. Lào Cai, tôi và Lương y Phạm Văn Thanh mỗi người một xe máy vượt con đường dốc dác nhằm đỉnh Tả Phời, đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển, quanh năm chìm trong mây mờ, lạnh giá.

Xe leo dốc dựng đứng chừng 1 tiếng đồng hồ thì dừng lại bên vệ rừng. Anh chàng người Dao, là thổ địa đi rừng tên Tình đã đứng đợi từ lâu, với ba lô to tướng, chứa đầy lương thực, nước uống, túi ngủ.

Ngay khi mặt trời ló dạng, chúng tôi bắt đầu lên đường. Tình bảo, phải đi thật nhanh, vượt qua 1 dãy núi cao tít hút, lúc nào cũng chìm trong mây, mới đến khu vực mà Tình cùng lương y Thanh gieo trồng, bảo tồn những cây thuốc quý.

Anh chàng Tình tính xởi lởi, hồn nhiên. Sinh ra giữa đại ngàn Hoàng Liên, lăn lóc với rừng, lấy vợ từ hồi 16 tuổi, không cánh rừng nào trên dãy Hoàng Liên Sơn mà Tình không đặt chân đến.

Hoang Lien

Lương y Thanh và một cây thuốc quý

Mới 30 tuổi, song Tình có một cơ ngơi kha khá nhờ công việc hái thuốc, gom thuốc cho lương y Thanh. Anh Thanh bảo, trình độ thầy thuốc là quan trọng, nhưng nguyên liệu thuốc mới là quyết định. Có thể các ông thầy thuốc áp dụng công thức bốc thuốc như nhau, nhưng người có nguồn nguyên liệu tốt sẽ trị bệnh hiệu quả hơn.

Lương y Thanh không gom thuốc ngoài chợ, hay nhập nguyên liệu trồng theo kiểu công nghiệp, mà anh lấy thuốc từ những đầu mối ở tận trong rừng. Mỗi vùng rừng anh đều có cơ sở, nhằm lấy được thuốc tốt nhất phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, anh không thuê người dân nhổ tận gốc, trốc tận rễ các loài thuốc quý như cách mà các thương lái Trung Quốc sang thu mua. Những đầu mối này chỉ được thu hoạch những cây thuốc đủ tuổi. Điều đặc biệt là ngoài việc thu hoạch, họ phải gieo trồng cây thuốc trong rừng, vừa đảm bảo chất lượng, lại giữ được nguồn gen.

Hoang Lien

Chăm chút từng cây thuốc nhỏ xíu trong hốc đá

Đi từ sáng sớm đến trưa, vượt qua dãy núi cao sừng sững, với những thân cây mấy người ôm, da mọc rêu xanh rì, thì chúng tôi gặp con suối nước chảy mát lạnh. Thấm mệt, chúng tôi ngồi nghỉ trên một tảng đá, giở bành mì ra nhai.

Lương y Thanh bảo: “Nhà báo thử nhìn con suối này xem có gì khác lạ không?”.

Tôi nhìn quanh quất, chẳng thấy có gì đặc biệt. Đó là một con suối bình thường như những con suối chảy len lỏi trong rừng già.

Anh chàng Tình xen vào: “Anh đang ngồi trên đống thuốc quý đấy. Nhưng anh làm sao biết được, chỉ bọn em biết thôi”.

Rồi Tình chỉ khóm cây, mọc thành cụm, lá như lá hẹ, nhưng to hơn, xanh thẫm, mà tôi dẫm chân lên từ lúc nãy.

Tôi đi mải miết dọc con suối, thấy dòng suối sạch sẽ, chỉ có nước chảy tràn lên sỏi cuội, nhưng đúng là đoạn suối này lại có những khóm cỏ, bụi cỏ mọc ở khe đá, mọc từ vết nứt những tảng đá nằm chình ình giữa suối.

Hoang Lien

Hoang Lien

Cây thuốc này chỉ mọc ở kẽ đá dưới suối

Lương y Thanh bảo, đây là cây thuốc cực quý, người Trung Quốc thu mua rất nhiều. Bản thân lương y Thanh cũng dùng loài cỏ này trong nhiều bài thuốc.

Mấy năm trước, đồng bào dân tộc cứ đi dọc con suối, gặp khóm thuốc nào là nhổ tận gốc, trốc tận rễ bán cho người Trung Quốc.

Người Trung Quốc chỉ thu mua vài năm thì cây thuốc vốn mọc đầy bên suối này trên bờ vực tuyệt chủng. Điều lạ là nó chỉ mọc ở các kẽ đá ẩm ướt giữa suối, không biết giấu mình trong các hang hốc, vách núi sâu thẳm, nên số phận nó thật mong manh.

Cây thuốc quý là vậy, thế nhưng, có lần, một vị giáo sư, tiến sĩ dược học hẳn hoi, có bài phát biểu trên tivi, rằng loài cỏ này có độc dược cao, không nên dùng làm thuốc.

Hoang Lien

Anh chàng người Dao tên Tình cùng lương y Thanh trồng thuốc khắp đại ngàn

Nhà khoa học kia phát biểu như vậy trong hoàn cảnh người Trung Quốc ráo riết thu gom. Ngay như cây cỏ nhung, cỏ kim cương cũng vậy. Người Trung Quốc mua với giá 20 ngàn đồng/kg, sau tăng lên 50 ngàn, rồi bây giờ là 5-7 triệu đồng/kg tươi, thì các nhà khoa học của chúng ta vẫn chưa biết cây cỏ ấy có tác dụng gì, họ mua để làm gì.

Nghe vị giáo sư nọ nói vậy, lương y Thanh ấm ức lắm. Anh viết thư phản đối lập luận của ông ta. Người Trung Quốc có nền dược học phát triển cả vạn năm nay, nên họ không thể hồ đồ, mua cây về làm cỏ đun.

Cây thuốc quý ấy, cha ông lương y Thanh vẫn dùng trị bệnh bao đời nay. Anh bảo, nọc rắn vô cùng độc, nhưng cũng là thuốc trị bệnh. Điều quan trọng là người thầy thuốc phải biết sử dụng đúng liều lượng, với đúng thể trạng người bệnh, thì độc dược sẽ biến thành thuốc chữa bệnh.

Để có nguồn thuốc, lương y Thanh phải gieo trồng cây thuốc này dọc con suối. Chẳng biết anh có được thu hoạch không, hay lại có anh chàng Mông nào đó cõng gùi vô tình đi qua, rồi sung sướng nhổ sạch món bở trời cho ấy.

Hoang Lien

Cây dứa rừng, vị thuốc quý trị bệnh dạ dày

Lương y Thanh không quan tâm đến điều đó, bởi nếu mang suy nghĩ ấy, anh sẽ không trồng được cây thuốc nào. Anh mong rằng, những khóm thuốc anh gieo trồng nơi kẽ đá sẽ trổ hoa, đậu quả, rồi hạt nó trôi theo dòng nước, đậu lại trong các kẽ đá hạ nguồn, rồi tiếp tục mọc lên dọc con suối hoang hoải này.

Từ con suối, Tình dùng con dao phát những dây rợ chằng chịt, mở lối để chúng tôi lạc vào rừng già. Những thân cây cổ thụ cao tít hút, nền đất khá sạch, chỉ có lá khô lạo xạo. Một vài chỗ, nơi bóng nắng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống nền đất thì mọc lên những khóm trúc.

Lương y Thanh bảo: “Nhà báo có biết đây là khu rừng dược liệu gì không?”. Quả thực, với con mắt trần tục như tôi thì chịu chết. Hóa ra, bên mỗi khóm trúc là những cây dứa rừng, cây nào cây nấy cao tới 3-5m.

Theo lương y Thanh, cây dứa rừng là nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong bài thuốc chữa dạ dày của anh. Loài dứa này cũng được lương y Thanh gieo trồng, nhân giống khắp đại ngàn, tạo nguồn thuốc cho hàng vạn bệnh nhân đau dạ dày đang trông chờ vào những gói thuốc của anh.

Hoang Lien

Anh Hạnh, cán bộ Cục Thi hành án Kiên Giang

Trong chuyến công tác vào TP. Rạch Giá, nhà báo Phạm Ngọc Dương vô tình gặp anh Hạnh (Cán bộ Cục Thi hành án Kiên Giang), được nghe người cán bộ ở vùng đất cuối trời này kể nhiều về lương y Phạm Văn Thanh, người ở mãi đất Lào Cai.

Qua bài viết trên VTC News, anh Hạnh trở thành bệnh nhân của lương y Thanh. Cảm phục tấm lòng của lương y Thanh, mà thành anh em thân thiết. Qua anh Hạnh, lương y Thanh giúp đỡ một số bệnh nhân nghèo ở vùng sông nước miền Tây.

Anh Hạnh kể một kỷ niệm: Hồi tháng 8-2011, anh Thanh nhờ anh Hạnh đi xác minh gia cảnh chị Lưu Lệ Thu, ngụ tại ấp Trảng Trạch (Hòa An, Giồng Riềng, Kiên Giang). Biết gia cảnh nghèo khó thực sự, anh Thanh tặng gia đình khá nhiều thuốc men trị bệnh.

Tặng xong thuốc, về nhà, anh Hạnh điện thoại kể nhà chị Thu rất nghèo, đến cái quạt điện cũng không có, anh em ngồi nói chuyện nóng không chịu thấu. Nghe thế, lương y Thanh gửi tiền nhờ anh Hạnh mua chiếc quạt mang đến tận nơi, rồi cho thêm tiền nữa.

 Anh Hạnh hỏi vì sao không cho tiền luôn, để họ tự mua. Anh Thanh bảo: “Tiền đổ vào nhà nghèo, lại trọng bệnh như gió vào nhà trống. Mình cho tiền, chắc chắn họ sẽ không mua quạt. Nếu sống trong cảnh nóng bức, ngột ngạt thế, thì thuốc giời cũng không có tác dụng”.

Hôm mang món quà giản dị xuống nhà chị Thu, anh Hạnh có việc bận nên nhờ mấy cán bộ Chi Cục Thi hành án huyện Giồng Riềng chuyển giúp. Anh em cán bộ đều xúc động với sự quan tâm rất chi tiết của người lương y kỳ lạ này, nên dốc hết tiền trong túi giúp người phụ nữ bất hạnh phải đi lột vỏ tôm kiếm tiền nuôi chồng trọng bệnh.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích