Bí ẩn vườn thần dược cực quý trong đại ngàn Hoàng Liên

Thứ sáu, 15/03/2013, 11:08
Người thầy thuốc đặc biệt này đang âm thầm làm một công việc kỳ lạ, ấy là gieo trồng, bảo tồn các loài thuốc quý, có nguy cơ tuyệt chủng trên đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Nhắc đến lương y Phạm Văn Thanh (TP. Lào Cai), hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh dạ dày này khắp cả nước biết đến. Anh không chỉ nổi tiếng với bài thuốc gia truyền chữa bệnh dạ dày, mà còn nổi tiếng với tấm lòng Bồ Tát, tặng thuốc cho rất nhiều bệnh nhân nghèo trên khắp cả nước.

Nhưng ít ai biết rằng, người thầy thuốc đặc biệt này đang âm thầm làm một công việc kỳ lạ, ấy là gieo trồng, bảo tồn các loài thuốc quý, có nguy cơ tuyệt chủng trên đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Mặc dù quen lương y Phạm Văn Thanh đã lâu, đi rừng sưu tầm thuốc quý với anh nhiều chuyến, nhưng anh Thanh chỉ lấp lửng kể với tôi, về một cánh rừng, một dãy núi cao chót vót, nơi anh đang thực hiện giấc mơ lớn nhất đời mình, ấy là gieo trồng các loài thuốc quý, bảo tồn cho thế hệ mai sau.

than duoc

Lương y Phạm Văn Thanh và một chuyến đi tìm thuốc quý trong rừng

Mới đây, lương y Phạm Văn Thanh đã điện thoại cho tôi khoe rằng, hiện anh đã phát triển được cây thuốc, có thể nói là thần dược, quý hơn cả nhân sâm ra khắp một quả núi, giữa rừng thẳm bao la. Cây thuốc này chưa từng được các nhà khoa học biết đến, chưa có sách vở nào ở Việt Nam nói đến.

Sau nhiều ngày thuyết phục, tôi cũng được lương y Phạm Văn Thanh đồng ý cho đi theo anh trong chuyến gieo trồng thuốc quý, với điều kiện không tiết lộ địa điểm.

Anh bảo rằng, ở Việt Nam có vô số thuốc quý, dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm chìm trong mây mù, là một vựa thuốc khổng lồ. Tuy nhiên, vựa thuốc đó đã bị khai thác cạn kiện.

Người Trung Quốc ở bên kia biên giới tìm sang Lào Cai, thuê đồng bào Mông đi khắp rừng xanh núi đỏ đào tận gốc, trốc tận rễ những cây thuốc quý.

than duoc

Phút nghỉ ngơi

Điều đau buồn là đồng bào nơi đây chỉ biết khai thác, chứ không biết bảo tồn, gieo trồng. Tôi đặt câu hỏi, với nhiều cây thuốc quý, giá trị hàng chục triệu đồng/kg, tại sao đồng bào, người dân trên núi không trồng?

Chẳng hạn, cây cỏ nhung, còn gọi là kim cương, có giá ngót chục triệu đồng/kg tươi, gồm cả rễ dính đất, tại sao đồng bào không trồng để bán, làm giàu chẳng mấy chốc?

Lương y Thanh mang khuôn mặt buồn bã: “Ai cũng biết cây thuốc rất quý, giá rất đắt, nhưng không ai trồng được, vì cây thuốc chưa kịp lớn, đã bị những kẻ hái thuốc nhổ trộm”.

Bản thân lương y Thanh đã gieo trồng vô số vườn thuốc trong rừng, nhưng chưa kịp thu hoạch, thì đã bị những người đi hái thuốc nhổ trộm sạch sẽ. Rừng rộng mênh mông, chẳng ai có thể canh gác cả ngày để trông kẻ trộm.

than duoc

Theo lương y Phạm Văn Thanh, phải mất 50 năm, mới có được củ thuốc quý này. Củ thuốc này anh đào được ở đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang). Ảnh Phạm Ngọc Dương

Đồng bào dân tộc có thể trồng thảo quả, trồng ngô, sắn đầy rừng, nhưng cũng không ai trồng thuốc, bởi hễ cây thuốc đến ngày thu hoạch, sẽ bị nhổ trộm cả.

Điều kỳ quặc là chỉ có thể trồng những cây rẻ tiền, giá trị thấp, không ai thèm lấy, chứ không thể trồng được cây đắt tiền, có giá trị cao. Đơn giản vì kẻ trộm chỉ nhổ cây có giá trị cao.

Là người hiểu về cây thuốc, nhà lại ở gần cửa khẩu Cốc Lếu, nhìn cảnh những xe tải thuốc quý ùn ùn chở sang bên kia biên giới, lương y Thanh chỉ biết lắc đầu buồn bã. Vô vàn những cây thuốc quý ở đại ngàn Hoàng Liên đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Vậy làm thế nào đây? Bao năm nay, lương y Thanh đã đi khắp đất nước, đến từng ngõ ngách đại ngàn Hoàng Liên Sơn, đi khắp các cánh rừng bên nước bạn Lào, gặp gỡ các lương y dân tộc thiểu số, để sưu tầm cây thuốc quý, tìm cách bảo tồn chúng.

than duoc

Có một loài thuốc mọc trong hốc cây mục cực quý. Ảnh Phạm Ngọc Dương chụp lương y Thanh trên núi Tây Côn Lĩnh

Hễ phát hiện cây thuốc quý, những loại thuốc bên bờ vực tuyệt chủng, anh tìm cách gieo trồng để bảo tồn. Cách bảo tồn của anh thật lạ lùng. Không phải anh trồng ở trang trại của mình, mà trồng ở… trong rừng.

Lương y Thanh con trai của ông lang Phạm Văn Đĩnh nổi tiếng đất Lào Cai. Anh được cha truyền lại bài thuốc chữa dạ dày nổi tiếng của dòng họ. Tuy nhiên, anh Thanh không dừng lại ở bài thuốc này, mà dày công nghiên cứu nhiều loại cây thuốc quý, chữa nhiều loại bệnh.

Anh vốn học Tây y, công tác ở bệnh viện, nhưng rồi bỏ cơ quan Nhà nước để chuyên tâm nghiên cứu các cây thuốc quý. Từ khi 10 tuổi, anh đã theo cha đi khắp dãy núi Hoàng Liên Sơn để hái thuốc, học về các cây thuốc.

Niềm đam mê cây thuốc đã ngấm vào máu và càng nghiên cứu sâu về cây thuốc, anh càng thấy biển kiến thức mênh mông của Nam dược.

than duoc

Anh Thanh và một lương y người Dao, người chỉ cho anh nhiều cây thuốc quý

Anh bảo: “Hễ cây cỏ nào bị tận diệt là mình tìm cách gieo trồng, bảo tồn. Hầu hết cây thuốc có thời gian sinh trưởng rất dài, thậm chí bằng cả đời người.

Mình trồng không phải để thu hoạch, vì mình không sống được đến lúc được thu hoạch nó, mà mong ước lớn nhất của mình là bảo tồn được các loài thuốc quý, giữ cho thế hệ sau. Chẳng ai muốn vất vả, tốn kém, nhưng mình không làm thì cũng không có ai làm cả”.

Tôi đã đi khắp đất nước, đến nhiều cánh rừng, gặp gỡ nhiều thầy thuốc, song trong đời tôi chỉ gặp được 2 ông lang, là ông Trần Ngọc Lâm, và lương y Phạm Văn Thanh, đều ở Lào Cai, là có cách trồng thuốc, bảo tồn thuốc kỳ quặc như vậy.

than duoc

Nhiều loại thuốc phải tự anh đi lấy trong rừng

Các lương y bảo tồn thuốc bằng cách trồng nó trong vườn, để thu hoạch, hoặc làm cảnh, còn hai vị lương y này thì cứ lọ mọ trồng thuốc trong rừng, mà không cần biết mình có được thu hoạch hay không.

Tôi thực sự xúc động với hành động bảo tồn thuốc của ông Trần Ngọc Lâm. Ông đi khắp Hoàng Liên Sơn, lên tận đỉnh U Bò (giáp Sơn La và Yên Bái), tận đỉnh Phu Si Lung (Lai Châu), những đỉnh núi đi bộ vài ngày mới tới nơi, để gieo trồng nhiều cây thuốc quý, đặc biệt là thiết trúc nhân sâm.

Để thu hoạch được loại sâm mà đồng bào nơi đây đã nhổ sạch bán cho Trung Quốc từ cả chục năm trước, phải mất 50 năm, thậm chí 100 năm.

than duoc

than duoc

Lương y Phạm Văn Thanh đang trồng thuốc quý trong rừng

Hiện ông Lâm đã hơn 60 tuổi. Ông không hy vọng sống đến 100 tuổi để đi thu hoạch thành quả. Ông trồng để thế hệ con cháu còn được biết loài trúc sâm của dãy Hoàng Liên Sơn nó như thế nào.

Điều kỳ lạ là, từ khi ông Lâm và anh Thanh chưa quen biết nhau, thì hai người đã làm công việc lạ lùng đó như nhau.

Anh Thanh bảo, sau khi đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn, cùng với một anh chàng người Dao tên là Tình, nhà ở đỉnh Tả Phời, cao gần 2.000m so với mặt nước biển, anh đã tìm thấy một cánh rừng già, nơi gần như chưa có dấu chân người.

Để đến được khu rừng ấy, phải trèo qua nhiều vách đá, đi mất 2 ngày trời. Nơi đó khỉ còn nhảy nhót từng đàn trên ngọn cây, gấu nhẩn nha bóc cây mục tìm tổ ong, tổ mối.

Cả một thung lũng, khe núi rộng cả ngàn héc-ta, sâu thăm thẳm trong đại ngàn Hoàng Liên, quanh năm chìm trong mây mù giá lạnh ấy cực kỳ hợp với việc gieo trồng các loài thuốc quý.

Sau khi bắt tôi thề thốt không được tiết lộ khu vực núi non, rừng thẳm ấy, chúng tôi bắt đầu lên đường…

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích