Lập bàn thờ binh khí Tây Sơn
Ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) có hiệu thuốc bắc Bố Dy, mấy đời cha truyền con nối. Đến đời Lâm Dũ Xênh (sinh năm 1960), được cha truyền nghề thuốc và cho học thêm chữ Hán nên Lâm Dũ Xênh rất thích “giải mã” những ký tự trên cổ vật.
Ông Lâm Dũ Xênh và tượng người châu Phi - Ảnh: nhân vật cung cấp
|
Ông Lâm Dũ Xênh hiện là Phó chủ tịch CLB UNESCO Quảng Ngãi. Có người ví nhà của ông là... một cái kho, bởi nó chứa đến hơn 5.000 cổ vật các loại. Đó là những đồ tùy táng bằng gốm, đồ trang sức mã não của người cổ ở Sa Huỳnh (cách đây 2.000 - 3.000 năm), trống đồng Đông Sơn (2.500 năm), gốm Chu Đậu, chiêng cổ của đồng bào H’re, đồ trang sức bằng thủy tinh Tây nguyên, hiện vật đá Chămpa. Riêng tiền cổ, ông có khoảng 1,4 tấn với hơn 350 loại tiền đúc bằng đồng và kẽm của các triều đại phong kiến VN, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Pháp...
Đồng tiền cổ nhất là đồng Ngũ thù (đồng ăn năm, đời Tùy, Trung Quốc) hoặc quý hiếm như đồng Bát quái (dùng để trừ tà), đồng Tuyết nguyệt phong hoa (dành riêng cho khách ăn chơi chốn lầu xanh, một mặt khắc 4 chữ Tuyết nguyệt phong hoa, mặt kia chạm nổi 4 cặp nam nữ đang giao hoan với nhiều tư thế). Lâm Dũ Xênh còn có đến gần 3.000 chiếc lục lạc (dùng để treo ở cổ ngựa, đồ tùy táng, nhạc cụ hoặc để treo trước cửa nhà làm bùa trừ tà). Đắt tiền là những chiếc ché đời Khang Hy có giá đến hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc…
Đặc biệt, tuy tổ tiên xuất phát từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng Lâm Dũ Xênh rất nặng lòng với lịch sử Việt Nam. Khi nghe ở vùng An Khê (Gia Lai) có người phát hiện được một kho vũ khí khoảng 250 thanh đoản kiếm, Lâm Dũ Xênh liền tìm đến mua lại vì biết chắc đây là những binh khí của nghĩa quân Tây Sơn (với đặc điểm lưỡi kiếm ngắn và thẳng, chuôi kiếm bằng đồng, cuối chuôi có hình hoa mai thủng lỗ để xỏ dây đeo. Vùng An Khê ngày xưa được gọi là Tây Sơn thượng đạo, căn cứ đầu tiên của ông Hai Trầu - Nguyễn Nhạc).
Sau đó, Lâm Dũ Xênh đã hiến tặng Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) 21 thanh kiếm, tặng Bảo tàng Quân đội (Hà Nội) và bảo tàng các tỉnh Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Định, Thừa Thiên-Huế và 8 tỉnh miền Tây Nam bộ mỗi nơi 9 thanh kiếm.
Số còn lại ông bó thành nhiều bó, quấn vải đỏ đặt lên bàn thờ với đầy đủ lư hương, giá đèn để ngày ngày nhang khói như đang đứng trước anh linh người xưa. Lâm Dũ Xênh còn tặng tỉnh Quảng Ngãi nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa - Trường Sa và tặng Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một số tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chữ ký của ông Phạm Văn Đồng thời ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Tượng người châu Phi lõa thể
Lâm Dũ Xênh kể: “Năm 1976, tôi được một đồng đội TNXP tặng bức tượng nhỏ hình người đàn ông châu Phi lõa thể, trước khi anh ấy qua đời. Tượng này do một người dân tộc Tây nguyên nhặt được trong rừng le và tặng anh ấy. Lúc đó tôi không hề biết đó là cổ vật, chỉ nghĩ đây là kỷ vật của đồng đội ký thác cho mình.
Sau này, tôi đặt tượng lên bàn thờ gia tộc, thường xuyên lau chùi và thắp hương cầu may trước mỗi lúc đi xa. Trước mỗi chuyến đi, tôi thường xoay mặt tượng vào phía trong để tạm biệt. Khi về lại xoay mặt tượng ra ngoài.
Bất chợt một ngày, trên đường vào Nam công tác, GS-TS Nguyễn Việt ở Viện Khảo cổ có ghé thăm tôi. Trước đây thầy Nguyễn Việt từng giúp đỡ tôi hệ thống lại đồ đồng Đông Sơn.
Thầy Việt phát hiện bức tượng mà thầy dày công mơ ước, suốt 30 năm tìm kiếm khắp cả trong lẫn ngoài nước, nay lại nằm nơi đây. Thầy cho biết: Năm 1977, Tạp chí Khảo cổ học có giới thiệu trong một đợt khai quật di chỉ ở Đông Sơn (Thanh Hóa) người ta đã phát hiện một bức tượng mang phong cách rất…châu Phi: tóc xoăn, môi dày, mỗi bên má đều có khắc hai vạch song song.
Năm 1987, một nông dân ở Thanh Hóa cũng đã đem ra Hà Nội một bức tượng tương tự có niên đại khoảng 3.000 năm. Thầy Việt đã đúc một mẫu tượng thạch cao y hệt bức tượng này và luôn đau đáu tìm một “anh em song sinh” hầu giải mã những nghi vấn của giới khoa học - khảo cổ: Ở khu vực Đông Nam Á luôn tồn tại những nhóm người có màu da nâu đậm, tóc xoăn. Phải chăng tổ tiên của họ đến từ Lục địa đen từ hàng ngàn năm trước mà hậu duệ là những sắc tộc ở Indonesia, Philippines, Khmer và một số dân tộc ít người ở Việt Nam?”.
Lâm Dũ Xênh sưu tầm cổ vật bởi niềm đam mê chứ không phải để kinh doanh, vì với nghề thuốc cũng đã đủ để nuôi sống gia đình. Nhiều khi vì lợi ích của cộng đồng, ông sẵn sàng hiến tặng nhiều cổ vật quý, có giá hàng trăm triệu đồng.
Điều ông trăn trở là có được một bảo tàng tư nhân nho nhỏ để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam (cũng có thể thu lệ phí tham quan để làm từ thiện, giúp đỡ cho ngư dân biển đảo địa phương). Lâm Dũ Xênh cũng chỉ giữ lại 9 thanh kiếm Tây Sơn trong bảo tàng của mình.
Ông tâm sự: “Tất cả đều phải ra đi, đi như nó đã từng đi. Có cổ vật để lại cho người thân nhưng cũng có những cổ vật thuộc về cộng đồng thì cũng nên trả về để cộng đồng lưu giữ cho thế hệ mai sau. Cổ vật là những vật chứng văn hóa nên chúng ta cũng cần đối xử với chúng một cách văn hóa!”.
Theo Thanhnien