Tiếng thanh la, chũm chọe réo rắt. Hương khói tỏa lan. Vị chủ tế huơ con dao bầu sáng loáng thành một vòng tròn rồi cắm phập lưỡi dao xuống giữa sân đền, hô lớn: “… Nhược bằng có lòng tham, nguyện cầu thần linh đả tử”.
Lễ hội độc nhất vô nhị này diễn ra ở làng Hòa Liễu (Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) đúng ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Sách cổ chép rằng năm 1561, bà Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc là Vũ Thị Ngọc Toản đứng ra vận động hoàng thân, quốc thích, quan lại cùng dân làng xây dựng ngôi chùa Thiên Phúc và hơn 25 mẫu đất cúng vào. Số ruộng này được phân vào việc công, không ai được phạm nên mới đặt ra lời thề minh ước.
Triều đình nhà Nguyễn từng sắc phong bốn chữ vàng “mỹ tục khả phong” cho lễ hội minh thề. Nền văn minh phương tây hồi thuộc Pháp cũng không xóa được ý nghĩa nhân văn của lễ minh thề mà còn đem dịch ra tiếng nước ngoài để nghiên cứu.
Chủ tế cầm dao chỉ trời vạch đất |
Sau năm 1954, phong trào chống mê tín dị đoan dần trở nên quá khích. Đình chùa, miếu mạo cái bị dỡ bỏ, cái thành chốn hoang tàn.
Cả nửa thế kỷ, đền Hòa Liễu vắng hội minh thề. Ông Phạm Đăng Khoa, thành viên Ban quản lý di tích, là một trong bốn người góp sổ đỏ thế chấp vay 160 triệu đồng để tu bổ đền chùa Hòa Liễu hai chục năm trước. Đền chùa cũng chỉ như cái xác không hồn nếu không gắn liền những mỹ tục.
+ “Những người đứng trên đài thề của làng Hòa Liễu từ trước đến nay chưa ai dám vi phạm. Trong làng, ngoài xã hầu như chẳng bao giờ xảy ra một vụ trộm cắp nào đáng kể”, ông Phạm Đăng Khoa.
+ “Quan huyện còn có người dám thề chứ quan thành phố, quan trung ương nhiều vị đến dự mà chẳng một ai dám đứng vào vòng thề”, lời một người dân.
Qua thời loạn lạc lẫn lầm lạc, Hòa Liễu vẫn còn giữ được 100 bài văn tế cổ. Người làng có thể bỏ vàng, bỏ của lúc ly tán nhưng không thể bỏ rơi các bài văn tế đựng trong những cái ống tre. Họ coi đó như báu vật nhân văn tổ tiên truyền lại.
Ông Khoa hì hụi dịch hịch minh thề từ chữ Hán sang quốc ngữ lại gặp các bậc lão làng hỏi nghi lễ xưa, chuẩn bị đội ngũ phục dựng hội. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, vẫn cần cái gật đầu của huyện.
Lúc đó, ông Phạm Văn Đới đang là Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy. Nhận thấy tính giáo dục, giá trị nhân văn lấp lánh trong mỗi câu chữ của hịch văn, có ý nghĩa không chỉ người đương thời mà còn muôn thế hệ, ông Đới ủng hộ nhiệt tình, thúc giục các phòng ban đồng tình phục hội.
Đọc hịch minh thề |
Năm 2003, hội minh thề chính thức được tái hiện, tiếp cái lệ có truyền thống hơn ngót năm thế kỷ. Buổi lễ phục dựng, trước cửa đền, ông chủ tịch huyện cùng với dân chung một chén rượu huyết, chung một lời thề thiêng.
Ông Khoa kể rằng, lệ cổ hành lễ ở miếu thờ thành hoàng vào 24 tháng Chạp, tất cả chánh tổng, lý trưởng đều phải tham gia, các chức dịch, dân chúng đều phải có mặt. Hương án, mũ thành hoàng, nhang đèn hoa quả được bày ra.
Trước hương án người ta vẽ một vòng tròn bằng vôi, ở giữa có tâm gọi là vòng thề. Các bậc kỳ lão (12 cụ ông thọ nhất làng gọi là kỳ lão) chức dịch tề tựu trước hương án, bên ngoài vòng thề.
Chủ lễ tiến vào vòng tròn, người phụ lễ nghiêm cẩn đưa cho một con dao bầu để chỉ trời, vạch đất. Ông tư văn dõng dạc đọc hịch văn: “…Theo tục lệ uống máu ăn thề, sắm sửa lễ nghi, kim ngân vàng bạc, phẩm vật hương hoa, kính cáo chư thần…
Dân xã tổ chức hội thề với các điều sau: Một là bầu Nguyễn Văn A, làm cấp trưởng, trông coi việc chính sự, cùng các người tùy tùng của ông, mà lấy của công làm vào việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của ông về làm của tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử. Y như lời thề”.
Rước gà vào hiến tế |
Hết chánh tổng, lý trưởng, trưởng, phó làng xã thề, đến phần dân chúng thề:“Trên từ cụ già, dưới đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu. Mọi người đều công minh, chính trực, không tham lam, vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”.
Vượt trên những tù túng phong kiến là giá trị nhân văn: “Dù người có chức, có quyền ở trong làng, người dạy học hay người nông dân trong gia quyến phải được rõ ràng minh bạch, phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp…
Nếu mà chỉ dùng uy quyền gia đình làm những việc tàn ác, lấy của công đem về làm của tư. Nếu người nào mà chứa chấp của gian tà, bao che kẻ trộm cắp, thần linh sẽ điều tra xét hỏi”.
Lễ hội minh thề giờ vẫn còn giữ tục uống máu. Một con gà chân vàng, lông nâu, mào đỏ thắm được bê vào khu vực hiến tế. Sau nhát dao hóa kiếp, máu gà hòa trong hũ rượu. Vị chủ tế múc cho mỗi người một chén để đồng dạ, đồng lòng. Trước cột thông thiên, mọi người đồng thanh hô to “Y như lời thề”. Lời thề như dao vào chém đá, trời đất chứng kiến, thần linh ủng hộ.
Cột đá thông thiên và bàn đá thề |
Uống máu ăn thề |
Cột đá thề Hòa Liễu là một di tích cổ hiếm có với chiều cao 3,7 m (cao hơn cả cột đá thề ở đền Hùng), tạo tác từ Hải Dương chuyển về Hải Phòng qua đường sông Bạch Đằng. Vết kéo cột đá hằn thành con lạch sâu từ cửa chùa Hòa Liễu đến bến làng Kỳ Sơn dài trên 10 dặm, tương truyền gọi là dải yếm của bà chúa Liễu.
Ông Khoa bảo xưa những chức sắc vắng mặt không có lý do chính đáng như vờ ốm đau, vờ bận bịu để không đến thề thì năm sau không được dự hội, không được họp việc của làng.
Thời Pháp thuộc có tri phủ Ngô Quốc Côn nổi tiếng gian ác khi về Hòa Liễu dự lễ minh thề, nghe hịch văn sang sảng bên tai mà sởn da gà, dựng tóc gáy, vội chạy vào miếu ngồi chứ không ra dự.
Còn ông Phạm Văn Đới thì cười khà khà bổ sung: “Thời các cụ, người hay nói dối trá hoặc tàn ác không bao giờ dám đứng vào vòng thề”. Tôi hỏi ông: “Vậy sao bác dám thề? Chẳng lẽ thời làm chủ tịch huyện của bác không có lộc lá gì chăng?”.
Không hề bị nao núng, ông thủng thẳng mà rằng: “Làm quan tất nhiên có lộc nhưng lộc phải chính đáng. Mình giúp người ta không mặc cả, người ta cảm ơn mình cũng không khen nhiều hay chê ít. Ăn hiếp người khác mà có lộc là lộc bất chính.
Ăn bớt, ăn xén để vinh thân, phì gia là lộc bất chính, tôi không làm thế nên mới dám thề. Người ta có thể nói dối bất kỳ một ai nhưng không thể nói dối thần linh được vì hãi linh ứng, sợ chính dư luận ngay đằng sau gáy xì xào”.
Năm 2008, ông Đới hồi hưu để làm quen với chuyện bế cháu, chăm cây, học chữ Hán và khôi phục sới vật Hòa Liễu. Tôi hỏi xóc ông một câu: “Nhiều vị làm quan đến lúc hưu không dám về làng vì lo dư luận chửi lút mặt, còn bác?”.
Ông ôn tồn: “Sống ở làng tôi thấy người cứ nhẹ bẫng. Làm quan mà không dám về làng là người không giữ được nguồn cội”.
Theo NNVN