Hiện cả nước có khoảng 35 triệu xe máy, hàng triệu ôtô, trong số này số xe chưa sang tên chính chủ chiếm số lượng rất lớn. Nguyên nhân do lệ phí sang tên quá cao, thủ tục hành chính rườm rà.
Trong khi đó, thông tư hướng dẫn mức lệ phí (2%) mới hoàn thành dự thảo. Vì vậy, thời gian để cho hàng triệu xe máy, ôtô sang tên đổi chủ cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Vậy quy định đến 15/4 (chỉ còn 25 ngày nữa) phải chịu mức phạt quá lớn (từ 6 đến 10 triệu đồng đối với xe cơ giới, có đẩy dân vào thế khó?
Chiến sĩ đội CSGT số 1 CA TP.Hà Nội kiểm tra phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường Lê Duẩn. Ảnh: Kỳ Anh |
Cần có thời gian cho dân đổi xe chính chủ
Với thủ tục còn quá nhiêu khê, rắc rối và có thể nói là rườm rà như hiện nay về việc chuyển đổi tên sở hữu khi mua xe đã qua sử dụng, thì việc “nóng vội” áp dụng chế tài phạt xe không chính chủ sẽ làm người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 19/3, khi được hỏi về việc phạt xe không chính chủ, ông Trần Mạnh Trí (55 tuổi, ngụ đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh) phản ứng ngay: “Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy các bộ, ngành cứ “đá” nhau.
Bộ GTVT thì bảo là bỏ việc phạt xe không chính chủ, nhưng kỳ lạ nhất là Bộ Công an không biết vì gỡ rối cho Nghị định 71, phạt xe không chính chủ với số tiền cao như vậy hay không, nên vội vã đề xuất ngày 15/4 này sẽ áp dụng phạt?
Mà sao các bộ không cải cách thủ tục nhiêu khê như hiện nay về sang tên đổi chủ xe đã qua sử dụng trước, rồi phải có thời gian cho người dân thực hiện, chứ phạt cái rụp kiểu này thì dân chúng tôi chỉ biết kêu trời!”.
Cũng như ông Trí, nhiều người dân khác khi được hỏi về phạt xe không chính chủ, đều cho rằng phải có thời gian để người dân thực hiện, mà việc trước mắt cần làm là cải cách ngay, giảm ngay những thủ tục rườm rà, thậm chí là “hành dân” khi làm thủ tục sang tên đổi chủ như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, ngụ đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, hành nghề xe ôm) bức xúc: “Từ khi nghe tin phạt xe không chính chủ, tôi đã chạy khắp nơi tìm ông chủ đứng tên trên đăng ký xe tôi mua ở cửa hàng, nhưng đành bó tay. Vì địa chỉ ghi trên giấy tờ đã bị giải tỏa, hỏi CSKV thì cũng chịu, vì không biết chủ xe này đi đâu...”.
Hiện không có con số thống kê đầy đủ hoặc chính xác là TP.HCM có bao nhiêu xe gắn máy, xe cơ giới chưa sang tên đổi chủ khi giao dịch mua bán, nhưng theo một cán bộ Phòng CSGT, thì con số này rất lớn.
Bộ GTVT chưa nhất trí phạt xe không chính chủ
Theo bà Vũ Minh Châu - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - tổ soạn thảo dự thảo lần 3 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” sau khi tiếp thu hơn 300 ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng và người dân đã đề nghị không đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo, mặc dù Luật Giao thông đường bộ và thông tư của Bộ CA đều đã quy định như vậy.
Bởi hiện nay hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn người dân sang tên phương tiện chưa thật rõ ràng, việc xác định xe chính chủ còn chưa chuyên nghiệp. Nếu sau này khi có các quy định rõ ràng hơn thì mới có thể đưa quy định này vào.
Ý kiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng khẳng định: Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có, song trong quá trình thực hiện cho thấy tính khả thi không cao, có nguy cơ gây phiền hà cho người dân nên đề nghị không đưa vào dự thảo nghị định.
Khi các cơ quan nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp xác minh nguồn gốc xe tốt hơn thì sẽ đưa quy định này vào nghị định.
Theo ông Thăng, nếu một người vi phạm một hành vi khác bị phạt song không xuất trình được giấy tờ chính chủ liền bị cộng thêm lỗi xe không chính chủ. Trong khi việc xác minh nguồn gốc xe chính chủ chưa thể ngay lập tức, người đó có thể bị tạm giữ xe để cảnh sát giao thông điều tra xe đó chính chủ hay không. Việc này sẽ gây khó khăn cho dân khi họ đang vội đi đâu đó.
Dù Bộ Công an không yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc xe, song người thực thi công vụ trực tiếp vẫn có thể gây phiền hà cho dân. Vì thế khi việc xác minh xe chính chủ chưa thật thuận lợi thì chưa nên đưa quy định này vào xử phạt.
Hà Nội: Chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thực hiện được. Trao đổi với phóng viên về việc khi nào Hà Nội sẽ thông qua quyết định về mức thu lệ phí trước bạ mới, ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND - cho biết, HĐND phải chờ UBND thành phố trình lên theo đúng quy trình. Tuy nhiên, thông tin từ bà Thư - Phó Trưởng phòng tổng hợp Cục Thuế Hà Nội - cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/CP của Chính phủ. Vì chưa có thông tư hướng dẫn nên Cục Thuế Hà Nội chưa nắm được một cách cụ thể sẽ áp dụng như thế nào. Khi nhận được thông tư hướng dẫn thực hiện chúng tôi sẽ phân công bộ phận làm và trình UBND thành phố ngay. TP.HCM: Mỗi ngày trung bình có khoảng trên dưới 100 xe ôtô “chào đời” và đăng ký sang tên đổi chủ. Bên cạnh đó là có khoảng 1.000 xe gắn máy được cấp giấy đăng ký mới tham gia giao thông và sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, tính số lượng xe đăng ký mới và sang tên chủ sở hữu tại các địa phương (24 quận - huyện và cấp thành phố quản lý đăng ký) thì cũng không đến nỗi quá tải so với việc xin sang tên đổi chủ xe mua bán đã qua sử dụng. Tuy nhiên, theo một cán bộ cảnh sát giao thông, với thời gian quá gấp nếu tính từ hôm nay (19/3) đến ngày 15/4 (phạt xe không chính chủ), có thể xảy ra tình trạng quá tải tại nơi đăng ký xe cho người dân nếu ùn ùn kéo đến xin sang tên đổi chủ. Đó là chỉ cần người dân cam kết không phải xe phạm pháp mà có, có chứng thực tại địa phương, cơ quan công an sẽ cấp sang tên, nhằm tránh việc khi mua xe, cầm được cà vẹt xe (giấy chứng nhận đăng ký xe), nhưng đi kiếm chủ sở hữu để sang tên theo thủ tục hiện nay thì quả là rất khó khăn cho người dân, đây là trường hợp nhiều người “vướng” vì không tìm ra chủ sở hữu ghi trên càvẹt. |
Theo Laodong