- Theo thống kê của cảnh sát biển, số lượng tàu cá nước ngoài trong đó có Trung Quốc xâm phạm lãnh hải cũng như khai thác trộm hải sản của Việt Nam không phải là ít. Cảnh sát biển đã làm gì để ngăn chặn?
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm |
- Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam là phải bảo vệ lợi ích kinh tế trên biển của tổ quốc.
Với hành vi xâm phạm lãnh hải cũng như khai thác trộm trên vùng biển Việt Nam của tàu nước ngoài nói chung và tàu Trung Quốc nói riêng, cảnh sát biển sẽ phải tuyên truyền và xua đuổi. Đây là trách nhiệm thường xuyên của chúng tôi và thời gian tới sẽ phải làm tốt hơn việc này.
Trong 3 tháng cao điểm phòng chống tội phạm trên biển, cảnh sát biển đã phát hiện hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, đặc biệt là khu vực vịnh Bắc Bộ.
Chúng tôi đã tổ chức 28 lượt tàu tuần tra, kiểm soát, xua đuổi 354 tàu cá nước ngoài, kiểm tra lập biên bản, quay phim, chụp ảnh sau đó phóng thích 5 tàu.
Quá trình thực hiện, cảnh sát biển thực hiện đúng chủ trương kiên quyết không để nước ngoài lợi dụng, tạo cớ làm phức tạp tình hình vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp, theo ý đồ lâu dài của họ.
- Cảnh sát biển sẽ làm gì để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở những ngư trường truyền thống trong thời gian tới?
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là bảo vệ an ninh, giữ gìn an toàn và tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân khai thác thuỷ hải sản và bảo đảm các hoạt động kinh tế trên biển.
Chúng tôi đã tập trung lực lượng tổ chức tuần tra trên các vùng biển, trong đó tập trung vào vùng biển nhạy cảm, vùng có mật độ ngư dân Việt Nam khai thác thuỷ sản lớn. Thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tăng cường lực lượng cứu nạn, cứu hộ cứu trợ ngư dân để họ yên tâm làm ăn.
Cảnh sát biển sẽ tăng cường hiện diện ở những vùng biển xa, những ngư trường truyền thống của ngư dân. Ảnh: Tiền phong. |
- Những ngư trường xa bờ quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ được cảnh sát biển quan tâm như thế nào?
- Chúng tôi sẽ túc trực 24/24h ở những điểm đảo xa và phối hợp cùng các lực lượng khác đứng sau, thậm chí đi ngay bên cạnh để bảo vệ ngư dân. Cảnh sát biển đang tăng cường hiện diện ở những địa điểm cụ thể trên biển, xung quanh khu vực ngư dân Việt Nam khai thác thuỷ hải sản trong một thời gian dài.
- Ông lo ngại gì khi mà trang bị và phương tiện của cảnh sát biển hiện còn hạn chế?
- Để thực hiện được nhiệm vụ giữ gìn an ninh trên biển, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đang đầu tư để cảnh sát biển ngày một vững mạnh, hiện đại hơn kể cả về tổ chức biên chế lẫn trang bị phương tiện.
Cảnh sát biển sẽ có thêm nhiều tàu trọng tải lớn, có thời gian hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn. Máy bay tuần tra khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ rất tốt cho ngư dân khi cần cứu trợ, cứu nạn. Sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng lên thì sự hiện diện của lực lượng cảnh sát biển trên các vùng biển của ta càng hiệu quả.
Đối với vụ tàu cá Quảng Ngãi bị bắn cháy vừa qua, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm khẳng định hành động của Trung Quốc là nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, vi phạm DOC nguyên tắc ứng xử trên biển. Vụ việc trên phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến. Cảnh sát biển sẽ có ý kiến với lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc để họ có ý thức chấp hành luật pháp quốc tế. Tổng kết đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển, Cục cảnh sát biển đánh giá, tàu cá nước ngoài thường lợi dụng vào ban đêm, thời tiết xấu, hoặc hoạt động gần đường phân định, để khi không có lực lượng tuần tra trên biển của Việt Nam thì vào sâu trong vùng biển khai thác trộm, khi trời sáng lại rời đi. Hoặc khi thấy lực lượng tuần tra trên biển của Việt Nam, họ cắt lưới, thu lưới hoặc chạy lòng vòng ra xa về phía đông. Bên cạnh việc khai thác trái phép, các tàu này còn lợi dụng để trinh sát nắm tình hình và tạo khu vực đánh cá truyền thống, thuận lợi cho ý đồ sau này. |
Theo VNE