Ông nhận định sao nghịch cảnh về tổ chức đám cưới "siêu khủng" và "siêu rẻ" hiện nay?
- Về mặt luật pháp, không có quy định nào cấm người ta làm đám cưới to hay nhỏ. Nhưng ở đây về vấn đề xã hội nhân sinh thì cũng cần có cái nhìn cộng đồng. Bởi thực tế trong xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói... nhưng nhiều gia đình lại tổ chức đám cưới hàng chục tỷ, vài chục tỷ đồng như vậy là lãng phí, điển hình như đám cưới ở Hà Tĩnh với dàn xe đón dâu hàng trăm chiếc đắt tiền.
Tất cả những đám cưới xa hoa đó thiếu đi một tinh thần cộng đồng và cách nhìn nhận cuộc sống, sự gắn bó con người trong cộng đồng đó. Trong xã hội, không thể nói anh làm ra bao nhiêu anh có quyền chi bấy nhiêu (theo cái nghĩa là luật pháp không cấm-PV).
Nhìn ở trong nước thì người ta có thể đưa ra so sánh đám cưới này to, đám cưới kia nhỏ, chứ ở nước ngoài người ta nhìn vào một đất nước đang còn khó khăn, còn đang phải xin viện trợ như Việt Nam mà lại có những cá nhân tổ chức những đám cưới lên tới vài chục tỷ thì đó cũng là nghịch cảnh. Như thế là quá lãng phí. Và đó như là một thứ chơi trội kệch cỡm chứ không phải là thỏa mãn nhu cầu bình thường.
Theo quan điểm của tôi, không phải cứ đám cưới to, đắt tiền mới đem lại hạnh phúc. Và tôi thấy có một xu hướng là bố mẹ quyết định tổ chức đám cưới như thế nào chứ không phải là các bạn trẻ được tự quyết.
PSG.TS. Lê Quý Đức- nguyên phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển.
Nói như vậy là đám cưới mang tính "sắp đặt" của những bậc cha mẹ, thưa ông?
- Bản thân công luận và truyền thông cũng chưa đưa ra được ý kiến của chính những người trẻ muốn tổ chức đám cưới như thế nào mà chủ yếu là bố mẹ họ quyết định. Ngày hôm nay lứa tuổi kết hôn cũng là khá sớm, bố mẹ hoàn toàn định đoạt lễ cưới đó.
Bản thân khách của trẻ chỉ khoảng 10 mâm vì các em làm gì có nhiều mối quan hệ, bạn bè khách khứa. Cũng giống như quy định cán bộ công chức không được tổ chức đám cưới quá 300 khách mời từng được tranh cãi rất nhiều. Nó cũng là phi thực tế. Điều quan trọng là cần phải giáo dục cho trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bản thân trẻ cần hiểu được giá trị sống của chính họ, tự hiểu họ cần gì?
Bản thân tôi cũng từng hỏi nhiều bạn trẻ là muốn tổ chức đám cưới theo ý mình hay theo sự sắp xếp của bố mẹ. Hầu hết tất cả họ đều nói rằng muốn được tự tổ chức đám cưới theo ý của mình.
Tuy nhiên, họ không thể quyết định thay cho bố mẹ họ, nàng dâu đâu có thể quyết định rằng mâm cỗ nhà chồng thế nào? Và phải làm theo hướng tiết kiệm?. Tuy nhiên, bản thân giới trẻ cần phải hiểu những kiến thức về văn hóa gia đình thì điều này họ lại hoàn toàn hụt hẫng. Họ gần như phó mặc cho bố mẹ việc này.
Vậy ông nghĩ sao về xu hướng đám cưới tiết kiệm chỉ vẻn vẹån vài trăm nghìn đồng ở Thanh Hóa hiện nay?
- Trước hết, những đám cưới đó là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của họ. Việc tổ chức những đám cưới theo mô hình ở Ngư Lộc (Thanh Hóa) còn thể hiện sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương. Ngay cả những người đi làm ăn xa ở TP.HCM cũng muốn về quê hương để tổ chức đám cưới theo hình thức này.
Cũng có thể họ muốn "chạy trốn" hình thức cưới tốn kém ở TP.HCM. Đây là một mô hình đáng được ủng hộ nhưng cũng không thể nói đó là một sự chuẩn mực nào cả. Họ ứng biến với hoàn cảnh rất tốt, điều đó đáng hoan nghênh.
Giới trẻ dường như đang có xu hướng quay trở lại đám cưới truyền thống, ông nghĩ sao về xu hướng này?
- Đám cưới thời ngày xưa như thế hệ chúng tôi thì khá đơn giản. Nói chung, cưới theo nếp sống mới và khá tằn tiện, bởi khi ấy là thời kỳ bao cấp. Tất nhiên, không phải cứ lấy đám cưới ngày xưa để làm chuẩn mực. Đám cưới mà tằn tiện quá cũng không nên.
Điều quan trọng nhất, hôn nhân là phải dựa trên nền tảng tình yêu, tình cảm và phù hợp với tình người. Không có chuyện đám cưới dựa trên tiền bạc sẽ bền vững còn đám cưới không có tiền bạc sẽ bất hạnh, ngược lại cũng không có mệnh đề cho đám cưới vì mục đích tiền bạc thì sẽ bất hạnh còn cưới không hề tính toán đến vật chất là có hạnh phúc.
Chỉ cần con người ta đến với nhau không lấy xuất phát điểm vật chất, tiền bạc làm chủ đạo là được.
Mới đây, Hà Nội có đề xuất đám cưới chỉ nên tối đa có 300 khách mời. Vậy theo ông, đây có phải là giải pháp mang tính cộng đồng và văn hóa?
- Giải pháp đó chỉ mang tính hành chính. Phàm cái gì mang tính hành chính thì khó thuyết phục. Tổ chức đám cưới là phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng cũng không nên tổ chức đám cưới linh đình cả mấy chục tỷ.
Ngày nay nhiều người nghĩ rằng, người nào có nhiều tiền là người đó thành công, giỏi giang và không ít cô gái đã lấy tiêu chí đó để lựa chọn bạn đời.
Đứng ở một góc độ nào đó, vật chất cũng có thể xem là cột đỡ vững bền cho hôn nhân nếu như chủ nhân biết xác định vai trò của nó. Họ cần phải hiểu vật chất chỉ là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc hôn nhân chứ không thể đóng vai trò quyết định cho nền tảng tình yêu chân thành.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguoiduatin