"Phú quý sinh lễ nghĩa"
Còn nhớ cách đây không lâu, báo chí đã tốn không ít giấy mực để mạn đàm xung quanh đám cưới "siêu khủng" của con nữ đại gia Nguyễn Thị L. tại phố núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Khi ấy, cả phố núi Hương Sơn không khỏi ngỡ ngàng, bàng hoàng khi chứng kiến đám cưới "siêu khủng" của chú rể Nguyễn Huy H. (SN 1987 và cô dâu Lê Thu L. (SN 1992), con một đại gia ở Hà Nội.
Đám cưới có một không hai từ trước tới nay tại Hương Sơn và thậm chí theo nhiều quan khách là lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Tĩnh. Đám cưới đình đám này được cả phố núi háo hức đón chờ, như một sự kiện lớn với kinh phí tổ chức cực "khủng". Hôn lễ tổ chức hoành tráng với sự tham dự của dàn xe rước dâu giá triệu đô, nhiều ca sĩ hàng đầu trong nước và cả ca sĩ hải ngoại cùng tham gia biểu diễn...
Đám cưới "siêu khủng" của một thiếu gia ở Hà Tĩnh với dàn xe rước dâu triệu đô.
Được biết, sau đám cưới, người thân của chú rể tiết lộ, chi phí khoảng hơn 25 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho rượu ngoại đã là hơn 2 tỷ đồng; chi phí cho phần âm nhạc, ca sĩ là hơn 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng),...
Không chỉ những đại gia "siêu khủng" mới tổ chức đám cưới linh đình cho con cái họ, mà ngay cả những gia đình làm ăn, buôn bán nhỏ, có điều kiện kinh tế dư giả cũng "sính" tổ chức đám cưới "nổi đình, nổi đám". Những đám cưới dẫu không được liệt vào "hàng khủng" cũng "ngốn" của gia chủ 5-7 tỷ đồng!
Tình cờ, đầu tháng 2 vừa qua, tôi theo chân cô bạn đi dự đám cưới tại một gia đình buôn bán phụ tùng ô tô ở thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương). Tôi vẫn nhớ như in, đám cưới của chú rể Minh V. và cô dâu Ngọc Kh. Một đám cưới hoành tráng đến mức tôi cũng bị choáng ngợp với thảm đỏ, hoa và tiệc rượu đãi khách.
Theo bật mí của bác Nguyễn Minh Nguyệt (cô ruột của chú rể-PV) để chuẩn bị cho lễ cưới, trước đó hai ngày, gia đình chú rể phải thuê người đến trang trí phông bạt, hoa, trải thảm đỏ... như tiệc hội nghị. Hoa, thảm đỏ để trang trí hôn lễ được vận chuyển bằng xe tải... 5 tấn.
Tất cả những người thân trong gia đình của chú rể (cô, dì, chú, bác và cả các cháu nhỏ- PV) đều được bố mẹ chú rể may tặng một bộ com-plê, áo dài và váy theo đúng một "gu" thời trang mà họ đã lựa chọn. Tiệc đãi khách toàn là hải sản, đặc sản; bia, rượu ngoại đãi khách không khống chế số lượng đối với một bàn tiệc... Toàn bộ chi phí cho đám cưới cũng "ngót" 7 tỷ đồng.
Theo lời kể của bác Nguyệt, đây không phải là đám cưới "hiếm có khó tìm" ở thị trấn Kẻ Sặt. Phần lớn những đám cưới đều linh đình như vậy. Khi tôi hỏi, những ông bố, bà mẹ ở đây tất thảy có phải là "đại gia" hay không mà tổ chức "đám cưới tiền tỷ?", tôi chỉ nhận được nụ cười từ phía bác Nguyệt và một câu trả lời trung tính: "Họ là những ông bố, bà mẹ chiều con hết mực?!".
Quay trở lại đám cưới của đôi bạn bạn trẻ Ngọc Kh. và Minh V., điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là nhìn bề ngoài, gia đình chú rể không có vẻ gì là "đại gia" nhưng không gian hôn lễ "hoành tráng" đến mức ai chứng kiến cũng phải... "giật mình".
Chứng kiến đám cưới mà theo như lời bác Nguyệt đó chỉ là đám cưới bình thường nơi phố huyện, tôi chợt nghĩ, cuộc sống sung túc, dư giả làm cho tính thực dụng tăng lên trong các mối quan hệ, trong mọi hoạt động. Con người ta chú ý nhiều hơn đến những nghi thức, lễ nghĩa mới?!
Giật mình đám cưới... "siêu rẻ"
Trong khi, nhiều người chơi trội với những đám cưới bạc tỷ, thậm chí cả vài chục tỷ đồng thì gần đây ở xã Ngư Lộc (Thanh Hóa) nhiều bạn trẻ lại lựa chọn tiệc đám cưới theo phong tục "ngày xửa ngày xưa". Họ cảm thấy hạnh phúc khi được tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, giản tiện đến mức tối đa mọi chi phí. Đám cưới nếp sống mới đã giúp nhiều bạn trẻ thoát khỏi gánh nặng nợ nần sau hôn lễ.
Những ngày qua, thông tin về lễ cưới "ba tiết kiệm" của đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Quang và Trịnh Thị Lan ở xã Ngư Lộc (Thanh Hóa) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dư luận. Toàn bộ chi phí phông rạp, loa đài, đàn nhạc, bàn ghế, bánh kẹo chỉ vỏn vẹn 870.000 đồng. Với họ, thước đo hạnh phúc không phải là đám cưới hoành tráng đến đâu mà là giá trị của hạnh phúc đó được xây dựng từ "mầm" tình yêu.
Những ngày đầu xuân 2013, hàng chục đôi thanh niên làng biển Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã lựa chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới "siêu rẻ". Tất cả đều được tổ chức tại phòng cưới văn hóa xã do Đoàn thanh niên đứng ra đảm trách.
Dân làng gọi là đám cưới "ba tiết kiệm" (thời gian, tiền bạc và không gian tổ chức) bởi các thủ tục tổ chức đám cưới ở đây rất đơn giản. Sau khi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, các cặp đôi chỉ cần đăng ký ngày giờ dự định tổ chức đám cưới, sau đó nộp kinh phí 870.000 đồng. Những phần việc còn lại từ công tác tổ chức, phông rạp, bánh kẹo, nước chè đều do ban tổ chức lo liệu.
Với người dân nghèo xã Ngư Lộc, hình ảnh những đám cưới ba tiết kiệm đã quen thuộc từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho hay: "Trong năm 2012, có 93 đôi uyên ương của xã Ngư Lộc làm đám cưới ở xã đoàn.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Đoàn xã cũng đã tổ chức được hơn 30 đám cưới cho các bạn trẻ. Có ngày từ sáng đến chiều có 13 đám cưới được tổ chức. Đám cưới đã xóa bỏ những hủ tục và giảm gánh nặng cho các gia đình có việc cưới".
Cũng theo tìm hiểu của PV, khi lựa chọn mô hình đám cưới ba tiết kiệm, khó khăn lớn nhất mà các cán bộ đoàn xã Hậu Lộc phải đối mặt không phải công tác tổ chức mà là thay đổi nếp nghĩ của bạn trẻ. Phần lớn người dân vẫn quan niệm, hôn nhân là việc hệ trọng trong đời người nên gia đình nào cũng muốn tổ chức thật to, thật hoành tráng.
Thậm chí, có người lý luận, cưới xin là việc gia đình, sao có thể giao cho chính quyền tổ chức, lại làm kiểu tiết kiệm? Vì thế cán bộ đoàn phải đi tiên phong. Gia đình cán bộ nếu có ai sắp làm đám cưới đều được vận động ra phòng cưới văn hóa xã làm mẫu. Dần dà, khi thấy đám cưới của chính các cán bộ Đoàn xã, thôn diễn ra tại phòng cưới văn hóa rất gọn, vui tươi, đầm ấm, lại tiết kiệm chi phí, người dân Ngư Lộc mới thay đổi quan niệm.
Tổ chức đám cưới "khủng" để khoe của, chơi trội?
Ths. Nguyễn Thanh Xuân- đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Theo cá nhân tôi, thực tế thì người Việt Nam vẫn hay có câu "sống đâu âu đó". Nhưng sống làm sao để người ngoài nhìn vào cảm thấy không quá "trướng tai gai mắt" là điều cần ở mỗi cá nhân.
Bản thân phong tục của người Việt Nam cũng có bộ phận người thích giấu mình và một bộ phận thích thể hiện mình. Nó đi kèm với tính cách phô trương và phi phô trương, đứng trước thực tế đó, dư luận có những phản ứng trái chiều".
Cũng theo Ths. Xuân, với những đám cưới tổ chức tiết kiệm vừa qua ở Hà Nội, Thanh Hóa với chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng đó là một dấu hiệu tích cực để xây dựng một nếp sống mới đơn giản và không trở thành gánh nặng cho các cặp hôn nhân sau này phải trả nợ.
Đó là những bạn trẻ biết lo lắng cho tương lai, phù hợp với nhiều người trẻ khi họ sống tự lập. Nó khác hẳn với tâm lý cách đây khoảng 20 năm về trước, các bạn trẻ ra trường bao giờ họ cũng nghĩ vào nhà nước, bố mẹ sẽ lo cho một chỗ nào đó khác với bây giờ giới trẻ đi làm ngoài nhiều hơn.
Cũng giống như vậy, việc tổ chức đám cưới của nhiều gia đình hiện nay là do bố mẹ quyết định với suy nghĩ là cho con cái "mát mày mát mặt". Nhưng đấy là tiền của họ làm ra chứ không phải của con cái họ. Nếu như chính các cặp cô dâu chú rể đó tự bỏ mọi chi phí tổ chức đám cưới thì sẽ khác.
Họ sẽ nghĩ khác và làm đám cưới không quá tốn kém như nhiều gia đình vẫn hay tính tiền trăm triệu và tiền tỷ ở nhiều nơi hiện nay. Như tôi thấy ở một số nơi tổ chức đám cưới đưa ra con số mấy trăm triệu một bài hát biểu diễn trong ngày lễ thực sự là không cần thiết và mang tính khoe của".
"Làm sang" cũng chỉ là giá trị tức thời
Một chuyên gia xã hội học cho rằng: "Tổ chức đám cưới linh đình, đắt đỏ, thậm chí 5-7 tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng không có gì là xấu vì người ta có điều kiện thì tổ chức. Việc một đại gia này hay đại gia kia tổ chức đám cưới "siêu khủng" cho con là quyền của họ. Họ có tiền, họ có quyền được hưởng thụ. Chỉ cần đó là tiền chính đáng. Nếu như cứ lên án họ đến một lúc nào đó họ sẽ giấu đi tất cả, không công khai bất cứ điều gì. Lúc đó dư luận rất có thể lại soi xét họ không kém như khi họ "khoe của". Tuy nhiên, chi nhiều tiền để tổ chức một đám cưới thì tôi thấy hơi phí. Đám cưới có to đến đâu, linh đình đến mấy cũng không phải thước đo giá trị hạnh phúc. Những vật chất bề ngoài- tổ chức đám cưới tiền tỷ- nếu có "làm sang" cũng chỉ là giá trị tức thời mà thôi". |
Theo Nguoiduatin