Để đối phó với tình trạng thiếu điện, nhiều công ty điện lực đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có cả hình thức yêu cầu doanh nghiệp phải lên phương án giảm tiêu thụ điện khi xảy ra thiếu điện.
Cúp điện không được báo trước
Trong vòng một tuần qua, khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 3, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM bị cúp điện ít nhất năm lần vào thời gian từ 21h - 21h30.
“Có đêm điện cúp đến hai lần, mỗi lần cúp điện nhanh nhất 30 phút sau có lại, lần lâu nhất kéo dài đến hai giờ. Thời tiết nóng bức, mỗi lần cúp điện cả gia đình kéo ra ngoài đường hóng gió chứ không ngủ nghê gì được” - ông Trần Văn Lâm, một người dân khu vực, cho biết.
Điều đáng nói, theo ông Lâm, việc cúp điện như trên không được ngành điện thông báo hay nói cụ thể lý do gì mặc dù sự cố kéo dài liên tục trong nhiều ngày.
Một hộ buôn bán ở TP.HCM phải thắp đèn cầy khi cúp điện - Ảnh: Q.Khải |
Trong khi đó, một người dân khác tại hẻm 227 Gò Dầu, P.Tân Quý, Q.Tân Phú cho biết khu vực trên trong vòng hai tuần qua cũng thường xuyên bị cúp điện. “Khi chúng tôi gọi đến Công ty Điện lực Tân Phú thì được trả lời là bị sự cố. Sự cố gì mà liên tục như thế? Mới nhất là đêm 28/3 khu vực nhà tôi lại bị cúp điện” - hộ dân này bức xúc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng ban quan hệ cộng đồng EVN HCMC - khẳng định TP.HCM không xảy ra tình trạng thiếu điện dẫn đến phải cúp, tiết giảm điện.
EVN HCMC khẳng định cung cấp đủ điện cho sản xuất kinh doanh cũng như thắp sáng sinh hoạt.
Giải thích các trường hợp cúp điện như trên, ông Vũ cho biết do tình trạng quá tải cục bộ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều thiết bị điện làm sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến khiến CB (cầu dao) tại nhà khách hàng bị quá tải tự động ngắt điện.
Theo ghi nhận, tình trạng quá tải không chỉ xảy ra cục bộ mà còn trên diện rộng. Cụ thể chỉ từ ngày 15 đến 21/3 đã xảy ra ba vụ sự cố trên nguồn và lưới truyền tải gây mất điện 30-50 phút tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.
Ngày 28/3, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến dây truyền tải gây cúp điện các khu vực Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận... EVN HCMC cho rằng đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát.
“Ép” doanh nghiệp tiết giảm điện
Thủy điện chạy cầm chừng vì kiệt nước Tại khu vực Quảng Nam, toàn bộ các nhà máy thủy điện lớn như A Vương, Sông Tranh 2 đang phải chạy cầm chừng vì thiếu hụt nước nghiêm trọng. Tại thủy điện A Vương, tính đến chiều 30/3, mực nước ở hồ thủy điện này chỉ cao hơn mực nước chết chừng 10m. “Vào thời điểm này các năm trước, nước ở hồ A Vương luôn ở trên mực nước chết hơn 30m. Năm nay hồ A Vương đang thiếu đến hơn 200 triệu m3 nước, rất khó cho việc phát điện” - ông Lê Đình Bản, phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, xác nhận. Theo ông Bản, hiện lượng nước về hồ chỉ đạt 8-10 m3/giây, rất thấp, do vậy nhà máy chỉ phát điện cầm chừng. “Việc chạy máy chủ yếu là theo yêu cầu của ngành nông nghiệp Quảng Nam nhằm xả nước về hạ du phục vụ sản xuất nên lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia không bao nhiêu”. |
Theo EVN HCMC, trong tuần giữa tháng 3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân tại TP.HCM khoảng 50 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên đến tuần cuối tháng 3, sản lượng điện bình quân tăng lên 55 triệu kWh/ngày (ngày cao nhất lên đến 57 triệu kWh).
Tại 21 công ty điện lực khác của khu vực phía Nam thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC), tình trạng cũng xảy ra tương tự, sản lượng điện tăng cao.
Tại một số nơi như Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh đã xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến phải cắt giảm một số tuyến dây theo yêu cầu của trung tâm điều độ.
Trong tình hình miền Nam thiếu điện nên việc ưu tiên cung cấp đủ điện cho TP.HCM đã buộc SPC chỉ đạo 21 công ty điện lực trực thuộc làm việc với hơn 6.000 doanh nghiệp tiêu thụ điện nhiều như sắt, thép, xi măng để thỏa thuận các doanh nghiệp này phải lên các phương án tiết giảm nhu cầu sử dụng điện 10-15% khi có yêu cầu.
Theo đó, khi nhận được thông báo của các công ty điện lực về khả năng xảy ra thiếu điện, các doanh nghiệp phải tự tiết giảm 10-15% nhu cầu sử dụng điện. SPC cho rằng việc tiết giảm ở mức trên là các quy trình phụ nên không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc thỏa thuận với các doanh nghiệp chỉ mang tính một chiều từ các đơn vị của SPC áp xuống và sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Duy Thái - Tổng công ty Thép Việt, sản lượng thép của đơn vị này là 1,5 triệu tấn, chiếm 30% cả nước. Nếu tiết giảm 15% lượng điện thì sản lượng thép sẽ giảm hơn 225.000 tấn. Vì vậy ý kiến tiết giảm 10-15% sản lượng điện chủ yếu là các quy trình phụ, không ảnh hưởng đến quy trình sản xuất chính là không đúng.
Không có mục tiêu cắt điện
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quang Lâm - trưởng ban quan hệ cộng đồng EVN - cho rằng việc thỏa thuận với các đơn vị tiêu thụ nhiều điện được thực hiện trên cơ sở giải thích để doanh nghiệp hiểu và thống nhất chủ động giảm các thiết bị, dây chuyền sử dụng điện không ảnh hưởng đến sản xuất chính.
Theo EVN, nước về các hồ thủy điện năm nay tiếp tục thấp nên sẽ ảnh hưởng lên khả năng cung ứng điện. Cụ thể, trong mùa khô năm 2013, nguồn thủy điện cả nước chỉ phát được khoảng 20 tỉ kWh trong tổng số gần 54 tỉ kWh cả năm.
EVN tính toán ngay từ tháng 3/2013, tập đoàn này phải huy động 281 triệu kWh điện chạy dầu có giá cao, 3.000-5.000 đồng/kWh. Đến tháng 4/2013, lượng điện chạy dầu phải huy động để đảm bảo điện khoảng 294 triệu kWh. Tính chung cả mùa khô, EVN sẽ phải huy động 1,1 tỉ kWh trong tổng số 1,57 tỉ kWh điện chạy dầu cả năm.
Để đảm bảo đủ điện mùa khô, EVN sẽ mua tới 2,07 tỉ kWh điện từ Trung Quốc vào mùa khô; đưa một số nhà máy như Uông Bí mở rộng 2, thủy điện Bản Chát... vào hoạt động.
Theo Tuổi Trẻ