Điện mùa khô: Nan giải nguồn cung

Thứ năm, 21/03/2013, 07:39
Các hồ thủy điện hụt nước, việc chi viện điện từ Bắc vào Nam đứng trước nguy cơ quá tải... đang đặt ra bài toán nan giải cho việc cung ứng điện mùa khô ở miền Nam. Hàng loạt kịch bản được các bộ ngành xây dựng nhằm bảo đảm tối ưu nguồn cung điện mùa khô năm 2013.

Nhiều yếu tố bất lợi

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 3/2013, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 355 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 17.700 - 17.900MW. Trong các tháng cao điểm mùa khô (4, 5 và 6) phụ tải sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt khu vực miền Nam. 

Trong khi đó, hiện nay mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m³, trong đó miền Bắc hụt khoảng 1,9 tỷ m³, miền Trung hụt khoảng 2,623 tỷ m³.

Ở khu vực miền Bắc, nước về các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang đều thấp hơn trung bình nhiều năm (tần suất nước về 75%-89%). Các hồ thủy điện miền Nam nước về thấp hơn cùng kỳ 2012. Đặc biệt, các hồ ở khu vực miền Trung Tây Nguyên vẫn tiếp tục khô hạn do năm 2012 không có lũ, tần suất nước về ở mức 87%-97%.

Ở Tây Nguyên, lưu lượng nước bình quân về hồ thủy điện sông Ba Hạ rất thấp, chỉ đạt 23-25m³/s. Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 lưu lượng nước về hồ chỉ từ 18-19m³/s.

Trong khi đó, thủy điện Đồng Nai 2 sẽ tích nước từ quý 1 năm nay nên mùa khô này nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 sẽ thiếu hụt khoảng 200 triệu kWh. Từ nay đến tháng 6, nếu lặp lại tình trạng không có lũ tiểu mãn như năm 2012, các nhà máy sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch phát điện.

Ngoài ra, nguồn khí Cửu Long thường xuyên vận hành không ổn định với lượng khí cấp ở mức thấp, từ 0,3-0,5 triệu m³/ngày, không đủ đáp ứng công suất phát điện của nhà máy điện Bà Rịa. Một số nhà máy nhiệt điện cũng vận hành không ổn định, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 và 2, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Chưa kể, hiện nay hệ thống truyền tải 500 - 220kV luôn trong tình trạng căng thẳng vì quá tải. Vì vậy, miền Nam vẫn có nguy cơ bị thiếu điện do việc tải điện từ miền Bắc vào Nam rất khó khăn.

Một yếu tố bất lợi nữa là năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành ở miền Nam, do đó tình hình cung ứng điện càng thêm căng thẳng.

Để ứng phó trước mắt, dự kiến EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đẩy áp lực tăng giá điện là khó tránh khỏi.

căng thẳng điện mùa khô

Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp trong truyền tải, vận hành thiết bị giúp tiết kiệm điện.

Ưu tiên sử dụng khí cho phát điện

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàn An, dự kiến tổng sản lượng điện năm nay là 113 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện mùa khô là 64 tỷ kWh; công suất lớn nhất dự kiến 20.580MW.

Nhưng với thực trạng nêu trên, riêng các các tỉnh miền Nam sẽ thiếu 9,178 tỷ kWh (mùa khô thiếu 2,305 tỷ kWh). Với mục tiêu không để xảy ra tình trạng tiết giảm phụ tải năm 2013, ngoài huy động tối đa các nguồn điện trong nước, EVN đã có kế hoạch tiếp tục mua điện từ Trung Quốc trên 3,6 tỷ kWh. 

Hiện Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang khẩn trương rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện… để đối phó với khả năng mất cân đối cung, cầu hệ thống điện miền Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.

Trước đó, Bộ Công thương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao để cung cấp khí cho các nhà máy điện tuabin khí phát điện theo kế hoạch huy động của EVN. Trong đó, xem xét tăng thêm khí Cửu Long cho nhà máy điện Bà Rịa để nâng cao khả năng cung ứng điện toàn hệ thống.

Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện, cần thiết có thể giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác (khí cấp cho nhà máy đạm, hộ thấp áp…) để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện.

Song song đó, EVN đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình trọng điểm lưới điện cho khu vực miền Nam như công trình nâng công suất các trạm 500kV Ô Môn, Tân Định, Phú Lâm, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, các đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định…

Mặt khác, tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, bố trí lịch sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy hợp lý và tích nước tối đa các hồ thủy điện để đảm bảo khả dụng nguồn cho mùa khô, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam. 

Các điện lực khu vực trực thuộc EVN HCMC cũng đang ráo riết triển khai nhiều phương án để ứng phó khi thiếu điện với nhiều giải pháp hữu hiệu.

Ông Nguyễn Tự Hùng, Giám đốc Điện lực Tân Bình cho biết, ngoài thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của EVN HCMC và EVN như rà soát hệ thống điện, tuyên truyền tiết kiệm điện... đơn vị còn chủ động liên hệ với các hộ có nguồn phát điện lớn để kết hợp mua phát lên lưới khi thiếu điện.

“Các hộ là doanh nghiệp sản xuất thường có nguồn điện dự phòng lớn, do đó chúng ta kêu gọi họ hỗ trợ bằng cách mua lại theo giá bán điện và hỗ trợ kỹ thuật khi hòa lên lưới thì sẽ huy động một nguồn cung điện rất lớn trong xã hội, giảm bớt áp lực thiếu điện những lúc cao điểm”, ông Hùng chia sẻ.

Theo SGGP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn