Tại tỉnh Đồng Tháp, chỉ trong một thời gian ngắn giá heo hơi đã sụt giảm khoảng 800.000 đồng/tạ, hiện dao động ở mức 3,3-3,4 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành sản xuất nên người chăn nuôi lỗ nặng.
Ngoài ra, người nuôi heo ở địa phương này còn đang đứng trước nỗi lo bùng phát dịch bệnh heo tai xanh, vì tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo trong dân đạt khá thấp.
Trái chiều với giá heo hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng thêm khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bao. Không chỉ vậy, những hộ mua thức ăn chưa có tiền mặt trả ngay còn bị đại lý tăng giá thêm khoảng 2% so với giá trị thực tế.
Bà Trần Thị Hồng, ở phường 2, TX Sa Đéc, Đồng Tháp cho biết: "Những hộ chăn nuôi chỉ dựa vào thức ăn công nghiệp đang bị lỗ rất nặng, có thể nói là trắng tay vì giá bán thấp hơn giá thành rất nhiều”.
Theo tính toán, mỗi con heo đầu tư gần 4 triệu đồng. Nếu nuôi 100 con, số tiền đã lên 400 triệu đồng, trong khi việc chăn nuôi gặp nhiều rủi ro. “Hiện tại, những bầy heo đang nuôi, tôi vẫn mong nó lớn chậm thôi để có thể chờ giá tăng lên chút đỉnh”, bà Hồng tâm sự với giọng buồn.
Đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều hộ nuôi heo quyết định giảm hoặc nghỉ chăn nuôi. Theo số liệu của ngành chức năng, chỉ riêng TX Sa Đéc, số lượng heo nuôi đã giảm trên 20%, do người nuôi xuất chuồng không tái đàn trở lại.
Ông Trương Hồng Khởi, ở xã Vĩnh Khánh, Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: “Lúc trước, tôi nuôi khoảng 150-170 con heo, kể cả heo thịt và heo nái sinh sản. Nhưng hiện giờ đàn heo của tôi đã giảm 50% số lượng heo để cầm cự. Đây là tình hình chung, không chỉ riêng tôi mà những hộ nuôi heo lân cận cũng đã nghỉ nuôi hoặc giảm đàn khá nhiều".
Còn anh Huỳnh Văn Nam, ngụ cùng xã cho biết, nếu tình trạng này kéo dài, lượng thịt cung ứng cho thị trường sẽ giảm sút vì người nuôi không còn đủ vốn để cầm cự trong thời gian dài. Nhiều người chăn nuôi hy vọng khi đó giá heo sẽ tăng trở lại, tối thiểu cũng phải ngang bằng với giá thành sản xuất. Có như vậy, người chăn nuôi mới dám tái đàn trở lại.
Giá heo hơi giảm mạnh khiến nông dân càng nuôi nhiều càng lỗ. |
Cùng với suy nghĩ này, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm cách để có thể phân bổ, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất. Anh Huỳnh Văn Hiệp, ở phường 2, TX Sa Đéc cho biết: “Hiện nay, tôi chuyển sang hướng phân nhỏ số lượng heo ra đầu tư. Mỗi lần xuất chuồng khoảng vài chục con. Lấy số tiền này để nuôi cho đợt tiếp theo, xoay vòng để vừa có thể giữ vốn, vừa tránh tình trạng sản xuất ồ ạt bị ép giá”.
Không chỉ bị sức ép giá heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi heo ở Đồng Tháp còn đang lo lắng tình trạng dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, dù thời gian qua, ngành thú y tỉnh rất quan tâm và đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc nhưng tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho heo/tổng đàn trong dân đạt rất thấp. Trong khi đó giá bán lẻ nhiều loại thức ăn gia súc trên thị trường đang ở mức cao.
Tại nhiều cửa hàng thức ăn chăn nuôi ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, giá nhiều loại thức ăn gia súc dạng đậm đặc (của các công ty liên doanh nước ngoài như: Cargrill, Con cò, Hi-Gro...) ở mức: 350.000-450.000 đồng/bao (25kg) tùy theo độ đạm; thức ăn gia súc hỗn hợp: 260.000-390.000 đồng/bao. Còn các loại thức ăn gia súc hỗn hợp dạng viên của các công ty 100% vốn trong nước (như Lái Thiêu, Tấn Lợi...), hiện có giá thấp nhất cũng khoảng 170.000-220.000 đồng/bao.
Theo giới kinh doanh, tính đến cuối tháng 1/2013, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi tăng tổng cộng khoảng 40.000-60.000 đồng/bao. Trong khoảng 2-3 tuần trở lại đây, giá hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đã không điều chỉnh tăng thêm nữa do sức mua yếu, nhưng xu hướng giảm giá vẫn chưa xuất hiện.
Với tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, các Công ty thức ăn gia súc nước ngoài có thể thao túng, làm giá thị trường.Khi đó, chỉ có người chăn nuôi nhỏ lẻ là bị thiệt. Vì vậy, Nhà nước cần phải quản lý tốt thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ khi có dịch bệnh xảy ra hoặc thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi. |
Theo một chủ cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ở TP. Cần Thơ, do người chăn nuôi đang bị lỗ nên sau khi xuất bán heo đã tạm thời nghỉ nuôi, dẫn đến sức tiêu thụ các loại thức ăn chăn nuôi giảm khá mạnh so với cách đây vài tháng.
Tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của Kiên Giang, Hậu Giang, giá heo hơi cũng đã sụt giảm khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Hậu, ở huyện Châu Thành, Kiên Giang cho biết, dịp tết vừa qua, giá heo hơi tại địa phương vẫn duy trì ở mức 4,1-4,2 triệu đồng/tạ, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 3,6 triệu đồng/tạ. Tính ra mỗi con heo người chăn nuôi đã mất hơn nửa triệu đồng, trong khi lãi sau mấy tháng nuôi giỏi lắm là 200.000 - 300.000 đồng/con.
Ông Hậu đề nghị: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi giống như hỗ trợ người trồng lúa để giúp họ vượt qua khó khăn. Làm sao giữ giá heo hơi ở mức thấp nhất cũng phải ngang bằng với giá thành sản xuất (từ 3,8 - 4 triệu đồng/tạ) thì người chăn nuôi mới cầm cự được. Đồng thời, quản lý giá thức ăn chăn nuôi thật hiệu quả, không để các DN nghiệp thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý”.
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, hiện ở nước ta đang có nhiều Công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, họ đầu tư khá bài bàn và khép kín ở tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi hiện đại đến giết mổ, chế biến thịt…, nên khi giá giảm mạnh chưa chắc họ đã lỗ. Bởi mất khâu này họ còn lời ở nhiều khâu khác.
Theo NNVN