Lý do khiến vị đại gia này ngần ngại là do ông sợ rằng khi thông tin được công bố, người dân hiếu kỳ có thể sẽ đổ về khu vực ông đang chế tác tượng Phật, cuộc sống và công việc vì thế mà có thể trở nên xáo trộn ngoài ý muốn.
Người phi thường làm việc phi thường
Đào Trọng Cường là một người đặc biệt mà ta có thể nhìn thấy qua những thăng trầm của cuộc đời ông. Nhìn dáng người dong dỏng cao, ít ai biết rằng ông nặng tới gần tám chục ký, từng học Thiếu Lâm Bắc phái từ năm 7 tuổi và vẫn rèn luyện tới tận bây giờ.
Đời ông bôn ba tới hơn 20 nghề, từ một tay trống có đẳng cấp của đất Hà thành, rồi nghệ sĩ đàn ghita có hạng, chuyển sang làm công nhân may, làm mì sợi, xàphòng, sửa chữa tủ lạnh, tivi, ôtô, đến đào đãi vàng thổ phỉ…
Đã không ít lần ông suýt bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Bệnh tật, đói ăn, sốt rét rừng, bị cướp gí súng vào gáy, kề dao vào cổ, thậm chí từng bị đánh gãy cả chân. Những năm cuối của thời bao cấp, Đào Trọng Cường đã đi Mercedes. Tuy nhiên, cơn lốc tín dụng năm 1989 đã cuốn trôi tất cả.
Các chủ nợ đến xiết, thu hết gia sản. Thứ giá trị nhất trong nhà là chiếc đầu video mà ông mua tặng con gái cũng bị người ta tịch thu. Ký ức đau lòng ấy ám ảnh ông đến tận ngày nay, bởi vợ chồng, con cái khi đó phải sống nhờ thúng xôi của mẹ.
Hồi đào đãi đá quý, ông Cường để ý thấy người Thái Lan thường xuyên sang tận các mỏ đá ở Yên Bái để xem xét, rồi mua những viên đá mà theo sự đánh giá của giới khai thác, nó chẳng có giá trị gì. Người Thái mua hàng trăm tấn đá bỏ đi đó để làm gì? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu ông Cường.
Sau nhiều năm làm “vàng tặc” rồi “đá tặc”, có được chút vốn trong tay, ông Cường mua vé máy bay sang tận Thái Lan để quyết tìm câu trả lời. Hóa ra, người Thái mua những khối đá ấy để làm tranh đá quý, mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn lao động.
Thế rồi, hễ tích cóp được đồng nào, ông lại sang Thái Lan, đến các làng nghề chế tác tranh đá quý, gặp các nghệ nhân để học nghề. Tuy nhiên, các nghệ nhân Thái Lan đều từ chối truyền nghề. Thậm chí, biết ý định học lỏm nghề tranh đá quý, họ không cho ông vào thăm xưởng.
Ông Cường bèn mua hàng loạt tranh đá quý về ngắm nghía, tìm hiểu. Ông đục những bức tranh này ra để xem người Thái dùng chất keo gì mà gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá? Sau gần 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng.
Nhưng để làm được tranh đâu phải là chuyện đơn giản. Người thợ sửa chữa tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy, ôtô... ngày nào, giờ bắt đầu công cuộc tự trang bị kiến thức hội họa, một quá trình còn gian khổ hơn mọi quá trình đã trải qua trong đời.
Trong quá trình học hỏi người Thái, ông nảy ra sáng kiến, thay vì làm tranh kiểu “điểm ngọc”, ông đã làm ra những bức tranh toàn bằng đá quý. Vào năm 2002, tại khách sạn Melia Hà Nội, lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện một triển lãm đặc biệt.
Có tới 600 bức tranh làm từ đá quý trong suốt 6 năm trời được trưng bày, thu hút sự chú ý của hàng vạn người trong và ngoài nước tới thưởng lãm vẻ đẹp rực rỡ của chúng. Trước đó, tranh đá quý là một thứ xa lạ, thậm chí chưa từng được nói tới và xã hội rộng lớn cũng chưa từng biết đến chủ nhân của triển lãm ấy - một người nghệ nhân mang đậm phong cách nghệ sĩ - Đào Trọng Cường - là ai.
Tên tuổi Đào Trọng Cường nổi đình nổi đám kể từ ngày ông làm tranh chân dung tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC năm 2006 tại Việt Nam. Qua những bức tranh đó, nghề làm tranh đá quý của Việt Nam- dù vừa mới ra đời- đã được thế giới biết đến.
Ảnh chụp ánh sáng lạ từ băng video an ninh của Công ty Thần Châu Ngọc Việt. |
Đó là cách truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới cực kỳ sáng tạo. Từ đó, nghệ nhân Đào Trọng Cường nghiễm nhiên trở thành “báu vật sống” của dòng tranh đá quý trong nước. Với khát vọng và nghĩa cử cao đẹp, ông đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và GS Vũ Khiêu đề tặng ông hai câu đối: “Dồn hết tinh hoa tâm trí lại/ Bừng lên châu ngọc nước non này”.
Ngày 18.10.2009, trước sự chứng kiến của hàng trăm người (trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), ông Đào Trọng Cường đã mở niêm phong khối ngọc bích lớn nhất thế giới với trọng lượng 35 tấn, cao 3m, rộng 2,3m, dày 2,4m được mua về từ Myanmar - quốc gia được mệnh danh là “vương quốc ngọc bích”.
Ông kể, theo thông lệ hằng năm, Myanmar thường tổ chức hai cuộc đấu giá ngọc bích. Giữa năm 2006, trong một phiên đấu giá, ông Cường đã tiếp cận được với khối ngọc bích. Trong số 5.000 chuyên gia và doanh nhân tham dự hôm ấy, chỉ có hai người Việt Nam, trong đó có ông Cường.
Trước lực lượng hùng hậu và áp đảo, khối đá quý đã thuộc về một thương gia Trung Quốc khi ra giá 1,5 triệu USD. Thất bại, ông Cường đứng tựa lưng vào khối ngọc, người bần thần như vừa mất đi một thứ gì đó vô cùng quý giá.
Ông nghĩ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại khối ngọc khổng lồ đó nữa. Nhưng trong một lần đi mua dụng cụ máy móc đưa về nước phục vụ việc chế tác ngọc bích, ông may mắn gặp một nghệ nhân chuyên làm tượng ở Bình Châu (Trung Quốc).
Sau khi hỏi tung tích viên ngọc, nghệ nhân này cho biết bạn ông ta là người đang sở hữu khối đá quý kể trên, ông Cường vui hơn bắt được vàng. Ông càng vui hơn khi vị nghệ nhân còn tiết lộ rằng bạn ông ta đang muốn bán lại khối ngọc đó. Ông vay tiền ngân hàng, bán cả ngôi biệt thự tại hồ Tây để có thể sở hữu khối ngọc bích trong mơ.
Sau khi đóng thuế cho Nhà nước 3 tỉ đồng, khối ngọc đã có mặt tại Việt Nam đúng ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông nung nấu ý định chế tác bức tượng Phật lớn nhất thế giới từ khối đá quý khổng lồ này.
Ông cùng các chuyên gia sang đất Phật Ấn Độ và Lumbini (Nepan) để tham khảo các pho tượng Phật - nơi được coi là nguyên mẫu của Đức Thích Ca Mâu Ni - tìm kiếm nhiều giải pháp trước khi đưa ra phương án cuối cùng về hình thái pho tượng Phật sẽ được tạc từ khối ngọc này.
Được chiêm bái và đảnh lễ tượng Phật tạo ra từ một loại ngọc quý hiếm là một duyên lành khó có được với bất kỳ ai trong cuộc đời này. Đức Phật đã từng đề cập tới điều này trong kinh Thủ Ấn Tăng Tín Lực rằng: “Chỉ một phút giây ngắn ngủi chiêm ngưỡng Phật tượng, hành giả ấy đã được vô lượng công đức rồi, huống chi người ấy được đối trước Phật tượng mà lễ bái, cúng dường, thì công đức còn nhiều hơn gấp bội”.
Số lượng Phật ngọc trên thế giới không nhiều, chỉ có một vài tượng ở một số điểm hành hương. Danh tiếng nhất là Phật ngọc ở chùa Shwedagon ở Miến Điện (Myanmar), Phật ngọc lục bảo ở Thái Lan và Phật ngọc ở chùa Phật Ngọc, Thượng Hải. Phật ngọc được chạm khắc từ khối ngọc bích jadeite của ông Đào Trọng Cường nhất định cũng sẽ tràn đầy ý nghĩa như các tượng Phật ngọc nói trên.
Sau khi hoàn thành, dự kiến tượng Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni sẽ nặng khoảng 16 tấn, cao 3m, có chiều ngang 2m và chiều dày 1m; bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60cm, mỗi chiều 2,1m, trở thành pho tượng đức Phật bằng ngọc bích jadeite lớn nhất, một kỳ quan tầm cỡ thế giới.
Vòng sáng bí ẩn xuất hiện trên đỉnh bức tượng Phật. |
Những ánh sáng bí ẩn
Ông Đào Trọng Cường kể rằng, từ ngày đưa khối ngọc vào chế tác tượng Phật, dù pho tượng mới hoàn thành 40% khối lượng công việc, nhưng nhiều hiện tượng lạ thường đã xảy ra. Ông cân nhắc việc công bố video clip này, bởi "miệng thế gian vốn chẳng lành lặn gì, khéo người ta hiếu kỳ kéo đến xúm đông xúm đỏ thì quá mệt, không có lợi cho công việc".
Ông nhớ lại, khoảng đầu tháng 10.2011, khi siêu bão Nalgae mạnh cấp 15, sức gió giật tới 240km/h chuẩn bị tiến vào biển Đông, tối hôm ấy cả gia đình đang ăn cơm, nghe bản tin thời sự thông báo xong, vợ ông lo lắng: "Như thế này thì thiên tai chồng lên thiên tai, mai anh xuống cầu xin đức Phật đi".
Sáng hôm sau, ông Cường mua hoa quả thật tươi, đi cùng một vài người bạn tới trước khối ngọc quý cầu xin bão chuyển hướng, giảm cường độ. Nóng lắm, không khí trong xưởng chế tác như đổ lửa, mồ hôi như tắm. Khấn lúc non trưa, không ngờ đến 3h chiều đã nghe thông báo bão tan đi thành một cơn áp thấp nhiệt đới.
Khoảng đầu năm 2012, khi mực nước sông Hồng xuống rất thấp khiến ruộng đồng nứt nẻ, ông Cường lại thắp hương khấn vái trước tượng Phật. 3 ngày sau thì khí hậu thay đổi hẳn, mưa mát nhiều ngày. Bản thân ông Cường cũng không thể nào lý giải được những hiện tượng lạ lùng đó. Là những sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng; hay là kết quả của lòng thành kính?
Ông Cường gọi hết mọi người xung quanh đến chứng kiến. Lúc đó, kho vẫn niêm phong, nên ông phải cho mở cửa ra xem có bóng đèn chiếu hay ánh sáng gì đó gây nên khúc xạ hay không. Nhưng hôm ấy mưa phùn, trời tối, ánh sáng yếu, kiểm tra khắp quanh kho không thấy có gì lạ.
Ông Cường kể lại: “Khắp người tôi nổi hết gai ốc”. Ông Cường thay hoa quả cũ để từ trước tết lên bàn thờ Phật, tiến hành lễ bái. Đứng trước khối ngọc thì không thấy gì, nhưng camera trên cao vẫn ghi lại được những ánh sáng lạ lùng ấy. Được một lát thì những ánh sáng tròn đó bay lên và không xuất hiện trở lại.
Từ ngày ấy đến bây giờ, hiện tượng kỳ lạ này không xuất hiện trở lại, chỉ duy nhất thêm một lần khác vào ngày Phật đản, cho dù hệ thống camera an ninh vẫn như cũ, nhưng lần sau diễn ra ngắn hơn, chỉ trong vòng vài phút.
Ông Cường tự lý giải, hình như đó là sự xuất hiện của các chư thiên bên khối ngọc quý sắp tạc thành hình tượng Phật (?!). Chúng tôi không đủ năng lực để giải thích hiện tượng này, xin chờ đợi ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.
Theo Laodong