|
Lễ hội nhằm cầu quốc thái dân an và khơi dậy lòng từ bi của chúng sinh được phục dựng từ năm 1991, trở thành lễ hội cấp quốc gia vào năm 2000 và hiện là một trong 15 lễ hội lớn nhất nước.
Bên cạnh nghi lễ Phật giáo như lễ tế xuân, pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết pháp, tọa đàm về văn hóa lễ hội, còn có phần hội với đua thuyền truyền thống, triển lãm ảnh về đất và người Ngũ Hành Sơn, hội bài chòi Khu 5, hội trại gia đình Phật tử, biểu diễn võ thuật, cờ người, thả hoa đăng.
Lễ hội năm nay còn có triển lãm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam tạc từ nguyên khối hơn 4,5 tấn.
Bên lề lễ hội, Tổ xử lý thông tin lang thang xin ăn (Tổ 550, Sở LĐ-TB-XH) đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm xây dựng lễ hội văn minh.
Trong ngày 30/3, ông Nguyễn Văn Bốn, Tổ trưởng Tổ 550, cho biết đã mời hơn 40 trường hợp người mù bán hương xin ăn trá hình và người lang thang xin ăn ra khỏi lễ hội, hướng dẫn họ lên xe buýt để trở về địa phương.
Trước đó, Tổ 550 cũng đã gửi công văn đến các tổ chức nghề nghiệp của người khuyết tật các tỉnh thành lân cận đề nghị quản lý tốt hội viên của mình.
UBND Q.Ngũ Hành Sơn cho biết các trường hợp hàng rong biến tướng, đeo bám du khách sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, phạt hành chính hoặc tịch thu hàng hóa đối với người tái phạm, đặc biệt các trường hợp lợi dụng trẻ em hoặc người khuyết tật để đeo bám khách sẽ bị chụp ảnh, lập hồ sơ để đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội phân loại, xử lý.
Tuy nhiên, tình trạng giữ xe gắn máy “cắt cổ” vẫn chưa được khắc phục triệt để; một số điểm giữ xe gần khu vực cầu Biện, đường vào sau lưng chùa Quán Thế Âm vẫn “chặt chém” 10.000 đồng/xe máy, trong khi UBND TP.Đà Nẵng quy định giữ xe máy tại lễ hội không quá 5.000 đồng/lượt.
Theo Thanhnien