Công chức “che chắn” cho buôn lậu

Chủ nhật, 31/03/2013, 07:34
Đây là thực tế được chính cơ quan chức năng nêu ra trong cuộc họp của Ban chỉ đạo về công tác chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại tại Hà Nội hôm qua (30/3).

Buôn lậu
Lực lượng chức năng tại TP.HCM kiểm tra, tạm giữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh: Hoàng Việt

Theo đánh giá, nhiều đối tượng buôn lậu có được sự tiếp tay, hậu thuẫn của cán bộ nhà nước. Trong khi chúng ngày càng tinh vi, có tổ chức hơn, đầu tư lớn hơn, thì cơ chế chính sách vẫn còn nhiều kẽ hở, công tác chống buôn lậu còn phải đối mặt với một thử thách khác là sự thoái hóa biến chất của chính lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Trị giá hàng lậu tăng hơn 53%

"Những mối quan hệ chằng chéo đang cản trở việc xử lý. Có những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần nhưng không bị rút phép, vẫn được xử lý nhẹ tay".

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển

Phát hiện, xử lý vi phạm của lực lượng công an trên tuyến hàng không năm 2012 cho thấy các vụ vi phạm qua tuyến này thường có sự tham gia, che chắn của một số công chức nhà nước.

Thủ đoạn thường thấy là móc nối với các cán bộ có chức năng kiểm tra, kiểm soát qua cửa khẩu để không bị kiểm tra kỹ thuật hoặc kiểm tra thông thường để đưa hàng cấm, hàng lậu qua cửa khẩu, chủ yếu là các mặt hàng quý hiếm, hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như vàng, ngoại tệ, hàng điện tử, cổ vật...

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo 127 T.Ư có sự tham dự của đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng) hôm qua 30/3, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển - cũng chỉ ra một thực tế là những mối quan hệ chằng chéo đang cản trở việc xử lý.

Có những doanh nghiệp (DN) vi phạm nhiều lần nhưng không bị rút phép, vẫn được xử lý nhẹ tay.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư 127, trong năm 2012 đã phát hiện 31.389 vụ buôn lậu với trị giá 440,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, mặc dù số vụ phát hiện giảm 2.260 vụ, nhưng trị giá hàng vi phạm lại tăng đến 153,4 tỉ đồng (hơn 53%).

Chặt đứt đường dây buôn lậu xăng lớn

Nhiều mặt hàng làm giả từ Trung Quốc

Tại buổi giao ban công tác quản lý thị trường (QLTT) chiều qua, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục QLTT, cho biết năm 2012 sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng, mang nhiều yếu tố nước ngoài.

Đặc biệt, không ít mặt hàng được làm giả từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam như sen vòi tắm hiệu INAX, Joden, Clever, bếp ga Rinnai, Paloma...

Lực lượng QLTT đang tập trung ngăn chặn việc lưu hành công khai mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng; đến cuối năm 2013 cơ bản chấm dứt hiện tượng này.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết mở rộng điều tra vụ tàu Giang Châu (Trung Quốc) buôn lậu 2.000 tấn xăng trên vùng biển Thanh Hóa, công an đã khởi tố, bắt tạm giam 14 bị can, trong đó 2 bị can là người Trung Quốc.

Các bị can đến nay đã khai nhận buôn lậu nhiều lần với lượng xăng dầu trị giá lên đến 19 triệu USD.

“Các đối tượng khai là xuất cho DN này, DN nọ tại Trung Quốc nhưng qua xác minh cho thấy đó đều là các DN ma, đều là người Việt Nam đứng ra tạo thành đường dây buôn lậu, tạm nhập nhưng không tái xuất mà bán trong nước để hưởng lợi nhuận cực lớn”, ông Lực nói.

Đáng nói, khó khăn kinh tế đã khiến các hoạt động gian lận tăng cao bất thường. Các địa bàn “nóng” về buôn lậu vẫn tiếp tục là các khu vực có biên giới với Trung Quốc, Campuchia, Lào...

Nhiều thủ đoạn buôn lậu mới đã được các lực lượng chức năng ghi nhận như xoay vòng hóa đơn, hồ sơ hàng hóa đối với các mặt hàng quan trọng; xé lẻ vận chuyển bằng xe khách, xe tải với các mặt hàng tiêu dùng.

Theo ông Lực, tình hình buôn lậu quặng vẫn tiếp diễn phức tạp dù từ lâu Chính phủ đã có lệnh cấm xuất quặng thô.

Thủ đoạn phổ biến nhất trên tuyến đường biển là thuê vận chuyển nội địa rồi qua mặt cơ quan chức năng xuất lậu đi Trung Quốc.

Hành vi này thường có sự tiếp tay của DN xuất hóa đơn mua bán quặng nội địa và DN vận tải biển tổ chức vận chuyển thuê.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng chính sách xuất khẩu chính ngạch để xuất lậu một cách rất dễ dàng: hồ sơ là hàng đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng lại vận chuyển hàng thô mang bán...

Phản ứng việc độc quyền vàng miếng SJC

Tại cuộc họp, thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực cũng nói thẳng, do cơ chế nhà nước giao Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia, nên năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các DN kinh doanh bán cho người dân.

Từ tháng 7/2012 đến nay, SJC phát hiện 300 lượng vàng nhái thương hiệu của họ. Bộ Công an cho rằng quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia chỉ đem lại lợi ích cho DN SJC và làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích