Hàng giả, hàng lậu vẫn bày bán công khai
Thị trường Tết năm nay được các doanh nghiệp lẫn hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị đến tiểu thương bán lẻ đánh giá sức mua thấp. Nhiều nơi chỉ kỳ vọng sức mua tăng 5-10% so với ngày thường. Nhưng khảo sát trên thị trường hiện nay cho thấy, hàng lậu, hàng giả hiện vẫn không bỏ qua cơ hội tuồn ra thị trường tiêu thụ dịp mua sắm cuối năm.
Đáng lo ngại hơn là một số hàng lậu, hàng giả vẫn đang được bày bán công khai trên thị trường với chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến đối với nhóm hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách; nhóm hàng thực phẩm như các loại rượu ngoại, bánh kẹo, sữa, và một số mặt hàng gia dụng, hàng điện máy...
Chi cục QLTT kiểm tra mặt hàng túi xách tại chợ Bến Thành. |
Khoảng 1 tháng qua, lực lượng chức năng TPHCM đã liên tục kiểm tra và phát hiện hàng loạt vụ vi phạm. Đơn cử, ngày 15/1, Công an TPHCM bất ngờ kiểm tra 3 điểm sản xuất, kinh doanh tại TTTM An Đông (Q.5), cửa hàng kinh doanh trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 và Cơ sở sản xuất tại P.Hiệp Thành, Q.12, thu giữ gần 1.000 cái nón nhãn hiệu Nón Sơn, Gucci... Chủ cơ sở cho biết, nón nhãn hiệu Sơn, Gucci được may và bỏ mối cho các sạp ở chợ An Đông - Bình Tây với giá 77.000 - 130.000 đồng/cái.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này còn thực hiện các công đoạn gia công nhiều loại sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng khác như Gucci, Levis, Nike, Louis Vuitton... Đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường TPHCM cũng phát hiện và bắt giữ khoảng 20 vụ vận chuyển rượu bia ngoại, thực phẩm không có tem nhập khẩu, không chứng từ được vận chuyển từ biên giới về.
Cơ quan tạm giữ hàng trăm chai rượu, thùng bia và gần 200kg bột ngọt Trung Quốc; thậm chí có vụ một Cty TNHH tại Q.Tân Phú kinh doanh 3.720 hộp bánh quy hỗn hợp nhập khẩu hiệu Ritaz loại 340g, 650g/hộp đã hết hạn dùng, 1 vụ sản xuất mì sợi tại Q.Bình Tân có dấu hiệu giả nhãn hiệu cơ sở khác...
Siết chặt xử phạt sản xuất, kinh doanh hàng giả
Ngày 10/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Nghị định có quy định sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y... sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng.
Theo đó, với những mặt hàng trên, hành vi buôn bán sẽ bị xử phạt tối đa đến 70 triệu đồng. Còn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Bộ Luật hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm theo quy định...
Tuy nhiên, để phát hiện và có đầy đủ cơ sở xử lý đối với những trường hợp vi phạm trên không đơn giản. Trước tình trạng hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng trà trộn được tung ra thị trường hiện nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát hết, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua hàng để tự bảo vệ mình.
Theo khuyến cáo của Hội người tiêu dùng TPHCM, trong lúc "vàng thau lẫn lộn" như hiện nay, người dân nên ưu tiên lựa chọn những nhãn hàng Việt Nam có uy tín vừa đảm bảo chất lượng, giá cả lại phải chăng, tránh lựa chọn hàng ngoại và đặc biệt là hàng hiệu, giá cả đắt nhưng rất dễ mua lầm hàng giả.
Theo Eva