Từ ngày 4 đến 11/1, giá trứng của Công ty CP Chăn nuôi C.P từ 21.500 đồng đã tăng lên 29.500 đồng/chục, Công ty Emivest từ 19.500 đồng tăng đến 26.500 đồng/chục.
Qua quá trình làm việc với Sở Tài chính TP.HCM, hai công ty này đã thừa nhận tăng giá trứng là sai và cam kết giảm giá trở lại như lúc đầu, ổn định đến Tết. Theo ông Kiều Minh Lực, đại diện Công ty C.P, từ ngày 18/1 giá trứng gà C.P đã giảm xuống còn 21.000 đồng/chục.
Tuy nhiên, đến hôm qua (18/1), giá trứng ngoài thị trường vẫn ở mức cao 32.000-33.000 đồng/chục, riêng giá trứng vịt đến 35.000 đồng/chục.
“Nghe nói giá trứng giảm mấy trăm đồng vậy thôi chứ ra chợ có thấy giảm đâu?” - chị Nguyễn Thị Hoàng ở quận Gò Vấp thắc mắc. Đây chính là hệ lụy của việc giá trứng tăng bất thường vừa qua, đối tượng chịu thiệt nhiều nhất chính là người tiêu dùng, tiểu thương và đại lý.
Lao đao theo giá trứng
Chị Nguyệt ở đại lý trứng quận Tân Phú cho biết tuần rồi chị lấy vào 20.000 trứng bắc thảo với giá gần 40.000 đồng/chục, cao gấp đôi bình thường. “Bây giờ giá trứng xuống như vậy chắc chắn là lỗ” - chị nói.
Đồng cảnh ngộ, chị Thanh (quận Gò Vấp) than thở: “Vừa rồi giá lên cao quá, lấy hàng ngoài rất khó nên vào siêu thị mua thêm hàng về để dành bán, sợ giá lên cao nữa. Giờ giá trứng hạ từ từ nhưng mình đâu dám xuống giá liền, lỗ thì sao?”. Nhiều tiểu thương khác còn cho biết gần Tết mà giá trứng leo thang như vậy thì khó xuống, thậm chí sẽ tăng nữa!
Lượng cung trứng của DN bình ổn tăng 30%-50% trong đợt biến động giá vừa qua. |
Trước thông tin C.P, Emivest giảm giá bán trứng, giá trứng tại các trang trại nuôi gà đẻ trứng ở Đồng Nai, Bình Dương… cũng bị ảnh hưởng theo.
Anh Minh, chủ một trang trại gà đẻ trứng ở Đồng Nai, cho biết bình thường giá trứng bán tại trại chỉ 1.600-1.700 đồng/quả nhưng khi C.P, Emivest tăng giá thì giá bán tại các trang trại tăng mạnh đến 2.400-2.500 đồng/quả. Khi C.P, Emivest giảm giá theo yêu cầu thì giá trứng bán tại trại “buộc” giảm theo còn 1.900-2.000 đồng/quả.
“Tình trạng tăng rồi giảm giá thất thường kiểu này chỉ có lợi cho mấy ông thương lái, còn nông dân vẫn thiệt. Chỉ cần có “hơi” thông tin giá giảm là mấy ổng ép giá mua ngay” - anh Minh chia sẻ thêm.
Tại buổi làm việc của Sở Công Thương TP.HCM sáng 18/1 về tình hình giá trứng gia cầm, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở, khẳng định động thái vừa qua của hai công ty trên không chỉ gây khó khăn cho nhà sản xuất mà quan trọng là gây tổn thương cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng sẽ thanh tra và xử lý hai công ty này trong thời gian tới.
Rất bức xúc, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nói thẳng: “C.P nợ người tiêu dùng lời xin lỗi vì thời gian qua đã gây xáo động thị trường và ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. C.P chưa xin lỗi thì Saigon Co.op chưa nối lại việc mua bán trứng. Thay vào đó, chúng tôi sẽ mua của DN khác, họ vẫn có đủ sức cung cấp đầy đủ sản lượng cho siêu thị”.
Có khả năng vi phạm Luật Cạnh tranh
Theo Luật Cạnh tranh, nếu DN nào chiếm thị phần từ 30% trở lên và tự đưa mức giá bất hợp lý sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vào ngày 17/1, đại diện Công ty C.P gửi thông báo nói C.P chỉ chiếm 16% thị trường trứng của cả nước.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết theo điều tra thì cả nước tiêu thụ khoảng 9 tỉ quả trứng, trong đó C.P sản xuất khoảng 600 triệu quả nên chỉ chiếm 6%-7% thị phần. Trong hệ thống siêu thị, riêng trứng gà công nghiệp là khoảng 3,5-4 tỉ quả và C.P chỉ chiếm 13%-17%. Như vậy, chưa thể khẳng định C.P thống lĩnh thị trường.
Một luật sư nhận định rằng chỉ riêng việc làm xáo động thị trường như vừa qua cũng đã chứng minh doanh nghiệp đó thống lĩnh được thị trường. Nếu họ không thống lĩnh thị trường thì chắc chắn phải có sự liên kết với doanh nghiệp khác mới có thể làm khuynh đảo thị trường như vậy.
Còn luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng Luật sư A.Hòa, cho biết hành vi của C.P có thể vi phạm về cạnh tranh vì đã dựa vào uy tín, lợi dụng vị thế của mình trên thị trường tự động ấn định giá thị trường, gây ra biến động dây chuyền. Và việc tăng giá của họ không dựa vào các yếu tố khách quan của thị trường.
Mặc dù C.P và Emivest đã giữ đúng cam kết nhưng theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, tiếp theo Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có quyết định thanh tra để xem C.P, Emivest có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, từ đó chiếu theo điều luật để xử lý.
Trong tuần sau, Sở Tài chính, đoàn công tác liên ngành phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ kiểm tra doanh thu, chi phí để tính nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp này đối với Nhà nước Việt Nam.
“Quan điểm của ngành công thương là kiến nghị các cấp có thẩm quyền phải xử lý nghiêm minh vụ việc này, tránh tạo tiền lệ xấu đối với nhiều mặt hàng thiết yếu khác” - bà Lê Ngọc Đào (Sở Công Thương TP.HCM) nhấn mạnh.
Giá trứng mua vào chỉ 1.500 đồng/quả Các trang trại nuôi gia công gà đẻ trứng thường ký bán cho C.P, Emivest một mức giá ổn định nguyên năm. Cái lợi cho trang trại là sản xuất ổn định, không bị ảnh hưởng từ giá thị trường nhưng lời rất ít. Vừa qua hai công ty này đều “kêu” do đầu vào nguyên liệu tăng nên phải tăng giá trứng nhưng thực tế họ chỉ thu mua trứng với giá chỉ 1.500 đồng/quả, rồi thổi thêm 1.000-1.500 đồng/quả. Điện một trang trại nuôi gia công gà đẻ trứng cho Công ty C.P, Emivest. Cần chiến lược lâu dài cho chăn nuôi Sau biến cố này, Emivest, C.P giảm giá xuống sâu thì người chăn nuôi sợ lỗ sẽ loại đàn, rồi thì một thời gian nữa ngành trứng sẽ rơi vào các tập đoàn lớn. Cho nên cần có chiến lược lâu dài, xác định và phân tích giá thành chăn nuôi làm sao cả DN, nông dân và đại lý đều có lãi, như vậy họ mới yên tâm đầu tư. Về lâu dài, ngành chăn nuôi không phải giảm đàn mà còn tăng trở lại và có số lượng dồi dào. Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN, |
Theo PLTP