Trái cây đặc sản Tết ở ĐBSCL: Giá tăng nhờ... mất mùa

Thứ bảy, 19/01/2013, 07:54
Càng gần đến Tết Âm lịch, thị trường tiêu thụ trái cây đặc sản ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra nhộn nhịp. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên nhiều vườn trái cây mất mùa, sản lượng giảm mạnh. Cung thấp hơn cầu đã đẩy giá tăng mạnh.

Giá tăng từng ngày

Các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước là nơi có vùng chuyên canh quýt hồng đặc sản lớn nhất ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Hiện nay, nhiều thương lái từ các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM… đang kéo về Lai Vung tranh mua quýt hồng bán Tết.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, cho biết: “Vào thời điểm này năm ngoái, giá quýt hồng cao nhất chỉ 12.000 - 14.000 đồng/kg nhưng sức mua chưa mạnh. Trong khi hiện nay thương lái “săn” quýt hồng Tết loại 1 từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, đảm bảo nhà vườn thắng đậm”.

Quýt Lai Vung

Quýt hồng Lai Vung đang được thương lái tìm mua với giá cao.

Ghé vườn quýt hồng rộng 8 công của ông Đặng Thành Lâm, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, ông Lâm cho biết: “Hơn một tháng qua ngày nào thương lái cũng tìm tới nài nỉ mua. Đây là năm đầu tiên ông cùng 13 hộ lân cận canh tác quýt hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường rất chú ý. Quýt cho trái đẹp, chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên thương lái cứ nâng giá từng ngày.

Hiện nay giá 28.000 đồng/kg, dự kiến tổng thu từ 8 công quýt được 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư còn lời khoảng 1,2 tỷ đồng; mức lợi nhuận cao nhất sau 25 năm làm vườn”.

Bà Đinh Thị Sáu, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Lai Vung, cho biết, đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho quýt hồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn cho vay của huyện.

Tới đây, sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển bền vững vườn quýt hồng đặc sản.

Ông Lưu Văn Tín, chủ 6,5 công quýt hồng ở xã Long Hậu, tính nhẩm: “Dù không trúng mùa nhưng sản lượng vẫn đạt khoảng 45 tấn quýt, với giá này thu được hơn 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng. Năm nay nhà vườn ăn Tết lớn”. 

Quýt đường cũng được thương lái ở Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang… đặt cọc mua để bán Tết với giá từ 32.000 - 35.000 đồng/kg. Năng suất quýt đường bình quân đạt 30 tấn/ha, với giá trên sẽ giúp nhà vườn đạt lợi nhuận cao. 

Tại Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre… bưởi Năm Roi và bưởi da xanh đang sốt giá.

Ông Nguyễn Văn Nuôi, nhà vườn xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), mừng ra mặt: “Cách nay hơn một tháng giá bưởi Năm Roi loại 1 tăng lên 15.000 - 16.000 đồng/kg khiến ai cũng mừng rơn, bởi chỉ cần 10.000 đồng/kg đã có lời. Không ngờ mấy ngày qua thương lái tiếp tục nâng giá bưởi Tết lên 20.000 - 22.000 đồng/kg, số lượng mua không hạn chế”.

Do giá cao nên ông Nuôi vừa bán mão (bán đám) vườn bưởi Năm Roi với giá 44 triệu đồng, nguồn thu cao hơn nhiều so với vụ Tết năm ngoái. Trong khi đó, giá bưởi da xanh dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg; sầu riêng sữa hạt lép 35.000 đồng/kg; chôm chôm Thái 40.000 đồng/kg…

Khuyến cáo giữ diện tích, tăng chất lượng

Theo thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), hầu hết trái cây đặc sản cung ứng thị trường Tết đều được giá. Nguyên nhân do mất mùa, sản lượng giảm khiến nguồn cung thấp hơn cầu.

Điển hình như bưởi da xanh và bưởi Năm Roi liên tục bị sâu đục trái tấn công làm hư hại hàng loạt. Ước tính khoảng 60% - 70% diện tích bưởi bị sâu phá hại, vì vậy số lượng bưởi bán tết còn lại không nhiều; đặc biệt bưởi đẹp, chất lượng cao càng khan hiếm. 

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, quýt hồng rất được thị trường ưa chuộng để chưng, cúng dịp Tết do trái to, màu sắc đẹp, trông rất sang trọng… Vụ này thời tiết không thuận lợi nên nhiều vườn quýt hồng mất mùa, sản lượng giảm tới 50% so với mọi năm; từ đó đẩy giá quýt tăng liên tục.

Dù còn một tháng nữa mới đến Tết nhưng hơn 50% vườn quýt hồng đã được thương lái đặt cọc mua trước. Hiện quýt đẹp được tiếp tục nâng giá lên 30.000 đồng/kg để cung ứng cho thị trường Tết.

Theo ông Phương, dù vụ quýt Tết Quý Tỵ giá cao, nhà vườn lời nhiều; song quan điểm của huyện là không khuyến cáo mở rộng thêm diện tích vì nếu để cung vượt cầu, giá sẽ rớt ngay.

Thời gian tới huyện sẽ tăng cường quảng bá thương hiệu quýt hồng đặc sản; đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo mô hình VietGAP để nâng chất lượng và giá trị của quýt hồng, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Theo SGGP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích