Đi chợ lo ngay ngáy
Trong khi rất nhiều thông tin về các mặt hàng Tết như: bánh mứt kẹo, rượu, thịt các loại, thủy hải sản dự kiến sẽ tăng giá trong dịp Tết và thị trường Tết mới bắt đầu khởi động, chưa tác động nhiều đến tâm lý người tiêu dùng thì một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá mạnh.
Không kể đến sự tăng giá chóng mặt của trứng gia cầm trong những ngày qua, thì rau xanh, gạo... tiếp tục đà tăng giá. Với mặt hàng gạo tẻ, trung bình mỗi loại tăng thêm 1.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Cụ thể, gạo Tám Thái tăng từ 18.000 đồng/kg lên 19.000 đồng/kg; Bắc Hương từ 15.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; Xi dẻo tăng từ 12.500 đồng/kg lên 13.500 đồng/kg.
Giá các loại rau xanh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” như: 5.000 đồng/mớ cải xanh; 20.000 đồng/kg cải bắp. Đặc biệt, ngày 17/1, giá cà chua đã tăng lên 30.000 đồng/kg thay vì giá bán 15.000-16.000 đồng/kg như 2 ngày trước đó.
|
Bình ổn giá là nhiệm vụ khó khăn. |
Chị Tuyết (tiểu thương tại chợ Thành Công) lý giải: “Đang chính vụ cà chua nhưng do rét đậm kéo dài khiến cà chua không chín kịp. Mấy ngày nay nhập hàng rất khó khăn”.
Một số thực phẩm khô cũng tăng giá nhẹ. Bánh đa nem tăng từ 2.500 đồng/thếp lên 3.000 đồng/thếp 10 chiếc; miến từ 4.500 đồng/lạng lên 5.000 đồng/lạng. Giá thịt lợn, thịt bò có xu hướng ổn định ở mức cao như những ngày trước đây. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng “lo ngay ngáy” trước thông tin tăng giá bán sữa của nhiều hãng sữa ngoại kể từ ngày 14/1 thêm tối đa đến 9%.
Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu thế giới tăng theo quy luật thị trường, không tính ngày âm lịch hay dương lịch nhưng đã thành quy luật gần dịp Tết Nguyên đán của ta thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu điều hành hợp lý.
Bình ổn khó cứu nổi thị trường
Thời gian cao điểm tăng giá bắt đầu, câu hỏi nhiều người dân đặt ra là “việc bình ổn giá có cứu được thị trường khỏi xu thế tăng giá chóng mặt hiện nay”?
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu thực hiện bình ổn giá từ khi giá thị trường biến động mạnh. Nhưng trong cảm nhận của người tiêu dùng, tác động từ việc thực hiện bình ổn không rõ ràng.
Chị Trần Thị Hồng Nhung (Phú Đô- Mỹ Đình- Từ Liêm) cho hay: “Tôi có đến siêu thị Fivimart trên đường Lê Đức Thọ để mua sắm. Họ thực hiện bình ổn giá công khai, nhưng giá chênh nhau với thị trường không nhiều. Lượng hàng bình ổn cũng không dồi dào”.
Ví như mặt hàng thịt lợn hoặc rau xanh, vừa đơn điệu về chủng loại, vừa ít về số lượng nên khó áp đảo giá thị trường tự do. Trong các mặt hàng bình ổn, chỉ có duy nhất mặt hàng dầu ăn được các siêu thị bình ổn giá thấp hơn các siêu thị khác từ 5.000-10.000 đồng/can 5 lít và thấp hơn 2.000-3.000 đồng/can 5 lít giá bán mặt hàng cùng loại ngoài thị trường tự do.
Một chuyên gia kinh tế khác nhận xét: “Thật khó bình ổn thị trường khi siêu thị chỉ cung cấp vài chục cân thịt hay vài tạ rau so với nhu cầu gấp hàng chục lần của người dân mỗi ngày. Muốn bình ổn phải có cung cầu hàng hóa dồi dào”.
Cũng theo vị chuyên gia này, để bình ổn giá cần phải có 3 điều kiện: mua giá tận gốc; có lực lượng áp đảo trên 70% thị trường; tung ra đúng thời điểm. Cả 3 yếu tố này đều chưa thực hiện được.
“TP.HCM có 3.700 điểm bán hàng bình ổn giá mà vừa qua vẫn phải chịu “cơn sóng” giá cả, huống hồ Hà Nội chỉ có gần 400 điểm bán hàng bình ổn giá. Nỗ lực của các doanh nghiệp là rất khó”- vị chuyên gia này chia sẻ.
Áp lực chi tiêu đang dồn dập đến với người dân khi kinh tế khó khăn, năm hết Tết đến, giá nhiều mặt hàng tăng và việc kiểm soát gần như chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, thông tin hàng hóa rất quan trọng. Tại nhiều địa phương, giá rau xanh, thủy hải sản rất rẻ, và họ sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội, nhưng thông tin này dường như chưa được cơ quan quản lý chú ý để nhập thêm hàng hóa phục vụ người dân.
Theo ANTĐ