Đến nay, dù Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/2/2013 đã có quy định trách nhiệm giải trình về tài sản tăng lên… nhưng quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống vì thiếu nghị định hướng dẫn thi hành.
Theo khoản 1 điều 46b Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chốnh tham nhũng (PCTN) thì người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm. Trong khi khoản 2 của chính điều luật này ghi rõ: “Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình”.
Nhưng đến nay quy định theo khoản 2 vẫn chưa được ban hành. Hiện TTCP đang hoàn tất dự thảo NĐ của Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập, trong đó có quy định rõ về các nội dung này. Dự thảo NĐ đã được đưa lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng và đưa lên mạng lấy ý kiến nhân dân.
Trao đổi với PV, ông Phí Ngọc Tuyển - Cục phó Cục Chống tham nhũng, tổ trưởng tổ biên tập NĐ - khẳng định: Dự thảo NĐ đang soạn thảo quy định rất chi tiết về kê khai tài sản, công khai bản kê khai tài sản và trách nhiệm giải trình với tài sản tăng lên. Nếu trước đây các bản kê khai nằm trong hồ sơ cán bộ, điều đó cũng đồng nghĩa hồ sơ đó được quản lý theo dạng hồ sơ mật. Nay, bản kê khai tài sản đó được công khai.
Nhưng dư luận vẫn quan tâm chính là làm sao phải xác minh được việc kê khai tài sản đó có đúng không?
- Trước đây người kê khai tài sản không phải giải trình nguồn gốc và sự thay đổi tài sản, nay luật đòi hỏi người kê khai tài sản phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thay đổi. Nếu người có thẩm quyền quản lý cán bộ thấy giải trình này chưa hợp lý thì có quyền yêu cầu giải trình lại cho rõ hơn.
Còn về vấn đề xác minh, nếu như trước đây muốn xác minh các bản kê khai tài sản của ai đó thì đó phải là người được cơ quan chức năng (như CA, thanh tra...) kết luận là có hành vi tham nhũng, hoặc tố cáo thì phải có bằng chứng cụ thể, hoặc cơ quan chủ quản thấy cần cho công tác quản lý cán bộ (bổ nhiệm, xét kỷ luật..).
Nay, điều kiện đặt ra để xác minh rộng hơn nhiều. Ví dụ, chỉ cần người đó có liên quan đến hành vi tham nhũng (chứ không đòi hỏi “có hành vi tham nhũng” như trước) là có thể ra quyết định xác minh.
Theo dự thảo NĐ, xử lý việc kê khai không đúng thì hình thức cao nhất cũng chỉ là cảnh cáo hoặc hạ bậc lương, như vậy liệu có tính răn đe?
- Theo tôi thế là đủ. Bởi lẽ, kê khai tài sản chỉ là một trong 6 giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong trường hợp cá biệt, kê khai tài sản không đúng, kết hợp với các dấu hiệu khác, ngoài việc bị kỷ luật thì người kê khai tài sản không đúng có thể bị chuyển tiếp hình thức xử lý khác.
Vậy vấn đề vướng nhất hiện nay khi xây dựng dự thảo NĐ này là gì?
- Theo tôi, vướng nhất là vấn đề xử lý như thế nào với tài sản dư thừa so với bản kê khai. Nếu ở một số nước công dân phải tự chứng minh tài sản của mình là hợp pháp, khi không chứng minh được thì bị pháp luật coi đấy là tài sản bất minh và bị tịch thu. Còn với chúng ta, việc chứng minh tài sản bất hợp pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng, mà chứng minh việc này không đơn giản. Do đó, vấn đề tài sản tăng bất thường chúng ta vẫn đang nghiên cứu, chưa có hướng xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo Laodong