Từ ở chật, ăn khan, uống hiếm, ngửi mùi độc hại…
Với khoản tiền lương hạn hẹp (khoảng 2-3 triệu đồng/tháng), việc chắt chiu, tính toán trong ăn ở, sinh hoạt là điều cần thiết với nhiều công nhân (CN). Làng Đại Đồng vốn dĩ tập trung nhiều CN ở trọ bởi gần KCN và còn bởi giá cả phòng trọ tương đối ôn hòa.
Theo tìm hiểu, phòng trọ tại đây có giá từ 400 - 800 nghìn đồng/tháng/phòng. Phòng trọ hầu hết diện tích không lớn, nhiều dãy trọ đã phủ đầy rêu hoặc mốc meo, song nhiều CN vẫn tự bằng lòng vì một lý do rất đơn giản - tiền thuê rẻ.
Tôi rẽ vào xóm trọ nhỏ sát mép đường, nằm thoi thóp giữa hai con đường làng giao nhau, chỉ vẻn vẹn có 2 phòng. 4 nữ CN vừa làm ca đêm về, mắt ai nấy đều thâm quầng, cái cảm giác “khát ngủ” hiện rõ trên khuôn mặt của từng người.
Cuộc sống ngột ngạt của công nhân trong những phòng trọ chật chội. |
Bên trong căn nhà ẩm thấp, sát bên là bãi rác bừa bộn, hôi thối, chị Bùi Huấn (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) thở than: “Em xem, ở đây có biết bao nhiêu bãi rác tự phát, vì không có bãi rác quy định, người ta sẵn đâu vứt đấy, một người vứt, hai người vứt rồi nhiều người vứt, thế là thành bãi rác to oành. Nhưng mà vì ở đây giá phòng rẻ, sống quen rồi cũng chịu được. Lương CN mà ở phòng đẹp thì tiền kiếm ra khó mà đủ sống”.
Nói rồi chị đi vào đun nước sôi pha mì, bữa sáng của chị lúc nào cũng đơn giản có thế. Chắt chiu từng khoản, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng ấy là quan điểm của chị Thành và những chị em khác tại đây. Đó cũng là lý do để họ chấp nhận sống trong cảnh chật chội, hôi thối mà không cần biết tác hại về sau.
Đi sâu vào trong ngõ, tìm đến nhà 3 chị em Bích Hà (Tiền Hải-Thái Bình). Hà mở cửa chỉ cho tôi lối vào để lên tầng hai. Nhưng chao ôi, một lối đi hẹp hơn cả hẹp, ước chừng chỉ một người đi cũng va vào hai bên tường. Tôi bước vào căn phòng chừng 8m2, trần nhà thấp lè tè, 3 chị em Hà đã ở đây hơn 1 năm qua.
“Phòng rộng nhiều tiền lắm, bọn em ở đây giá phòng thấp. Có như thế mới đủ sống, vì còn phải lo nhiều thứ, trong khi lương thì thấp. Chịu cảnh chật chội quen rồi” - Hà biện bạch.
Thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả mọi thứ đắt đỏ, vấn đề ăn uống với CN là câu chuyện phải cân-đong-đo-đếm từng ngày. Theo Hà ra chợ cóc trong làng, lượn một lượt từ đầu đến cuối chợ Hà vẫn chưa mua được gì. Sau một hồi hỏi giá, Hà mới quyết định mua mớ rau muống 5 nghìn đồng (bởi vừa rẻ, vừa được nhiều).
Nhìn lại số tiền trong tay, Hà đắn đo một lúc rồi quyết định mua 3 quả trứng vịt. Bữa tối của ba chị em đơn giản có thế. Hà cho biết: “Tiền kiếm được nếu không biết cách chi tiêu thì không đủ sống, chứ chưa nói gì tới tích lũy. Thường mấy chị em nhịn ăn sáng, trưa ăn ở Cty, tối ăn ở nhà. Nhiều lúc nhịn ăn sáng, đi làm vất, đến trưa đói nhủn người”.
Có những gia đình, hai vợ chồng làm công nhân, hằng tháng chắt góp từng đồng để gửi về cho con ăn học. Điển hình như vợ chồng anh Minh chị Tú (Nghệ An), mỗi ngày ăn gì, uống gì họ đều suy tính kỹ, bởi còn con nhỏ ở quê. Áp lực về kinh tế đang đè nặng trên đôi vai hai vợ chồng trẻ.
Tạt ngang qua khu chế xuất của Cty Canon, từ phía xa tôi đã ngửi thấy một mùi khen khét đến khó chịu. Thế mới biết nỗi khổ của những người công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm vẫn ngày ngày phải hứng chịu.
Ăn uống không đủ chất, lao động nặng nhọc và hơn hết luôn phải hít những mùi độc hại từ nơi làm việc, sức khỏe của CN đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng, đó là chưa kể đến tình trạng rác thải hôi thối chất đống đầy đường, bụi đường mù mịt, nguồn nước bẩn… CN đang ngày ngày phải tiếp xúc với bao chất độc hại bao quanh mình, ai dám chắc rằng, những chất độc hại ấy không dần ngấm vào cơ thể của họ.
…đến những day dứt khó nói
Mỗi lần gọi điện về quê, nghe tiếng đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi khóc ré lên là nước mắt chị Hoa (Thạch Lạc-Thạch Hà - Hà Tĩnh) lại trào ra. Sinh con được 9 tháng, chị Hoa đành phải gửi con ở nhà cho ông bà nội, ra Hà Nội làm CN tại Cty Showa.
Nhắc đến con, chị Hoa sụt sùi: “Vì ở nhà nỏ có việc chi làm nên tui phải bỏ con ra đây, thương nó lắm. Mới được có 9 tháng đã phải cai sữa, gửi ông bà nuôi, còn nhỏ nên nó hay khóc đòi mẹ lắm. Mỗi lần gọi điện về là tui nỏ cầm nổi nước mắt, nghe con khóc mẹ cũng khóc theo. Nhiều khi muốn bỏ về với con, nhưng mà rồi nghĩ lại, về thì cả con và mẹ đều chết đói”.
Vì miếng cơm manh áo, vợ chồng anh Khánh, chị Hạnh (Cẩm Vịnh - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) cũng phải gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc. Hai anh chị cưới nhau cách đây 5 năm, có với nhau được một bé gái, nay đã lên 3. Ở quê, đất ruộng không có, hai vợ chồng khăn gói ra Bắc làm ăn. Con gửi lại cho ông bà, đến nay đã được 2 năm.
Nhắc đến con, chị Hạnh nghẹn ngào: “Gửi con ở nhà cho ông bà nuôi, hai vợ chồng ra ngoài này làm ăn, mỗi năm về một lần. Mẹ con ít được gặp nhau nên mỗi lần về quê, nó hờ hững với tôi lắm. Buổi tối nó không chịu ngủ với bố mẹ, cứ đòi ngủ với ông bà thôi. Mẹ con mà như người dưng. Đôi lúc thấy có lỗi với con quá, nhưng không còn cách nào khác”.
Sự giằng xé giữa trách nhiệm làm cha, làm mẹ và nỗi lo kiếm tiền tạo nên áp lực vô cùng lớn đối với những người CN.
Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lương và chị Trần Thị Tuyết (Thái Nguyên) đưa nhau xuống Hà Nội làm việc. Hai người đều làm trong Nhà máy Canon, đến nay đã hơn 1 năm. Thuê một căn phòng trọ nhỏ tại làng Bầu với giá 700 nghìn đồng/phòng, cuộc sống ăn ở, sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn.
Cưới nhau gần 2 năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa dám sinh con vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Anh Lương chia sẻ: “Giờ hai vợ chồng còn trẻ, tốt nhất là cứ chịu khó kiếm tiền đã. Sinh con lúc này vất vả cho cả hai bên, nhất là tội cho con”. Nói thì nói vậy, trong thâm tâm họ vẫn luôn ao ước có được giọt máu chung giữa hai người, thỏa lòng mong đợi của các ông bà.
Đó là một trong những lý do mà không ít nữ CN tìm đến giải pháp phá thai. Ngay tại KCN Nam Thăng Long, chuyện công nhân nữ phá thai không hiếm.
Chị Hương (CN Cty Canon) cho biết: “Thường chỉ cần thấy ai nghỉ dài ngày là mọi người trong Cty lại xì xào, bán tín bán nghi, nghĩ ngay tới chuyện này. Thực tế, việc phá thai đối với nhiều nữ CN bây giờ không quá ghê gớm như trước, bởi có nhiều lý do dẫn tới họ phải làm như thế, đặc biệt là lý do kinh tế…”.
Theo Laodong