Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá gồm 5 chương, 35 điều quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
|
Trong đó, tại điều 3 (về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá) đã nhấn mạnh: “1. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.
"Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện như các nước phương Tây đã áp dụng, là buộc người mua thuốc lá và rượu phải xuất trình CMND. Nếu đủ tuổi thì mới bán". Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó trưởng Bộ môn Khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM |
2. Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra.
3. Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
4. Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá”.
“Chúng tôi cũng nhất trí”
Tại khoản 4, 5, 6 thuộc điều 9 của luật đã quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Hiện các chế tài xử phạt đang chờ nghị định hướng dẫn.
Theo dự thảo nghị định này, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi (gồm: bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi…).
Tiếp xúc với Thanh Niên chiều qua, một chủ quầy bán thuốc lá trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi cũng nhất trí là không nên bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, nhưng khó khăn là làm sao biết được chính xác tuổi để bán hoặc từ chối. Tôi nghĩ, luật cũng phải đến được các gia đình nữa, vì vẫn còn gia đình cho con đi mua thuốc lá”.
Còn anh Minh, một chủ quán nước vỉa hè ở khu phố Bát Đàn, cho rằng: “Nhiều ông bố sai con đi mua thuốc lá khiến trẻ con, nhất là từ tuổi 13-15 thấy hút thuốc là chuyện bình thường, vì vậy, cấm thuốc lá với người dưới 18 tuổi cũng phải bắt đầu từ gia đình. Người bán làm sao hỏi tuổi người mua thuốc lá, nhất là nhiều học sinh chưa đến 18 nhưng rất cao lớn”.
Tại TP.HCM, chị N.H bán thuốc lá trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, đề nghị: “Quan trọng nhất là làm sao để những quy định có thể vận dụng được, và vận dụng có hiệu quả trong cuộc sống. Bởi lâu nay cũng có nghe nói về xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng nói rồi để đó đâu thấy phạt gì đâu”.
200 khách sạn, nhà hàng thực hiện không khói thuốc Thông tin từ Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM cho biết từ tháng 2/2012 đến tháng 2/2013, tại TP.HCM đã có 200 khách sạn và nhà hàng đăng ký thực hiện không khói thuốc lá. Đây là dự án “Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các khách sạn và nhà hàng ở TP.HCM”, do Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe TP phối hợp cùng các đơn vị triển khai, nhằm hỗ trợ việc thực hiện các điều khoản thuộc Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá. |
Theo bác sĩ Trương Trọng Hoàng (Phó trưởng Bộ môn Khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nguyên Chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá của ngành y tế TP.HCM), chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện như các nước phương Tây đã áp dụng, là buộc người mua thuốc lá và rượu phải xuất trình CMND. Nếu đủ tuổi thì mới bán.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng chia sẻ: “Ở các nước, nhiều nơi bán thuốc lá tự động bằng máy, không bán lẻ, và người mua sẽ phải đưa thẻ để máy kiểm tra tuổi trước khi máy đưa thuốc lá ra.
Còn ở VN thì cửa hàng bán thuốc lá khắp nơi, từ đại lý lớn đến tủ thuốc đầu ngõ, khu tập thể. Do vậy, không có lực lượng nào đủ để xử phạt vi phạm và không thể kiểm soát hết được nếu họ vi phạm quy định”.
Vấn đề chính vẫn là ý thức
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cũng nhìn nhận: “Khó khăn nhất vẫn là thực hiện quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, bởi vì lợi nhuận hoặc sợ mất khách, người bán không thể hỏi chứng minh thư của người mua.
Người bán cũng khó xác định được tuổi của người mua nếu chỉ qua hình thức bên ngoài. Ngay cả việc làm thế nào phát hiện được cửa hàng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi cũng là việc khó khăn”.
Bác sĩ Trương Trọng Hoàng cũng nói thêm: “Trong thực tế cũng có những trường hợp khó là… thằng lớn mua thuốc cho thằng nhỏ hút (người đi mua thuốc lá trên 18 tuổi, về đưa lại cho người dưới 18 tuổi hút - PV). Trường hợp này thì bó tay, không ai kiểm soát được. Vấn đề chính vẫn là ý thức người bán và người sử dụng”.
Theo bác sĩ Hoàng, bước đầu thực thi luật cũng sẽ có những khó khăn, kẽ hở, có những cái khó về việc kiểm soát… Tuy nhiên, khi luật ra đời, chắc chắn sẽ hạn chế được việc hút thuốc lá - bởi cũng sẽ có những người cảm thấy e ngại khi họ làm sai luật. Dần dần người dân sẽ ý thức hơn trong việc mua bán, sử dụng thuốc lá.
Còn Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang thì hy vọng: “Khi chi phí cho việc hút thuốc lá tốn kém hơn do người hút phải đóng thêm các khoản phí, hy vọng sẽ thêm nhiều người giảm số lần hút, thậm chí từ bỏ thuốc lá”.
|
Cũng theo ông Quang: “Việc đưa ra quy định cấm cũng như chế tài, phạt tiền đối với hành vi mua, bán, hút thuốc lá liên quan trực tiếp đến người chưa đủ 18 tuổi trước hết nhằm đảm bảo tính răn đe. Còn chuyện xác định độ tuổi của người mua thuốc lá như thế nào đôi khi còn phụ thuộc vào người bán hàng. Nếu người bán hàng có ý thức chấp hành pháp luật, khi thấy nghi ngờ về việc người mua chưa đủ tuổi hút thuốc lá thì có thể yêu cầu xuất trình CMND. Ở nước ngoài, khi đưa ra quy định này cũng gặp rất nhiều khó khăn và họ cũng yêu cầu người bán thực hiện việc đó để tránh bị xử phạt nặng”.
Xử lý người vi phạm về hút thuốc ở Singapore Singapore là một trong những quốc gia nổi tiếng nghiêm khắc với hành vi vi phạm luật cấm hút thuốc ở những điểm công cộng và cấm người dưới 18 tuổi hút thuốc. Luật này ra đời từ năm 1970 với danh sách điểm cấm ngày càng kéo dài sau mỗi lần điều chỉnh. Chính phủ Singapore cũng đang cân nhắc cấm bất cứ ai sinh sau năm 2000 hút thuốc, kể cả sau này khi họ đủ 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi hút thuốc bị phát hiện sẽ bị phạt tới 300 SGD (5,1 triệu đồng); trong khi hút thuốc ở chỗ cấm có thể bị phạt đến 200 SGD, thậm chí bị đưa ra tòa và phạt đến 1.000 SGD. Bên cạnh lực lượng cảnh sát, các nhân viên công lực như tuần tra môi trường, quản lý công viên cây xanh, cục bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế..., bảo vệ và người quản lý các tòa nhà, điểm công cộng... đều có quyền bắt và giữ người vi phạm quy định cấm hút thuốc. Ngoài hệ thống camera dày đặc ở các điểm công cộng, chính phủ Singapore cũng khuyến khích người dân làm “tai mắt” hỗ trợ pháp luật với số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng liên quan được công bố rộng rãi trên internet và các phương tiện truyền thông. Mặt khác, luật cũng yêu cầu chủ sở hữu hoặc quản lý các địa điểm cấm hút thuốc phải treo đầy đủ bảng cấm theo quy định, dễ thấy, hoặc bị phạt đến 1.000 SGD. Quản lý, bảo vệ tòa nhà nếu lơ là hoặc không nghiêm khắc với người hút thuốc trái luật có thể bị phạt đến 2.000 SGD. Thục Minh (Văn phòng Singapore) |
Theo Thanh Niên