Gánh nặng mưu sinh
Những người lao động tự do với đủ các thứ nghề như: Xe ôm, xích lô, hàng rong, ve chai, phu hồ… Một người có thể kiêm nhiều nghề khác nhau. Họ đa phần là những người từ ngoại tỉnh lên Hà Nội để mưu sinh. Cuộc sống còn rất nhiều khó khăn và vất vả bởi công việc của họ không ổn định và luôn đối mặt với miếng cơm manh áo mỗi ngày.
Người lao động tự do có thể làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống |
Làm nghề xe ôm ở Giáp Bát đã được hơn 10 năm, anh Trần Văn Quảng (Hải Hậu – Nam Định) hàng ngày luôn túc trực trước cổng vào của bến xe. Chưa bước vào mùa hè nhưng nước da trên khuôn mặt của anh đã bị sạm đen, đôi bàn tay gân guốc cháy nắng… Thường ngày anh bắt đầu ra bến xe làm từ lúc 5h sáng và ra về khi 10h đêm.
“Cái nghề xe ôm lúc được lúc không, ngày nào may mắn thì có công, ngày nào không có khách thì tính nhịn ăn..” anh Quảng chia sẻ về nghề xe ôm bấp bênh của mình. Cái nghề xe ôm cũng còn rình rập nhiều nguy hiểm. Suốt ngày phải lưu thông trên đường, chẳng biết tai nạn sẽ ập đến lúc nào. Nguy hiểm hơn đó là những chuyến chở khách tới các địa điểm xa và nhậy cảm.
“Biết là nguy hiểm đấy nhưng vì miếng cơm manh áo thì vẫn cố liều vậy” – anh Quảng nói trong ngậm ngùi.
Cũng cùng hoàn cảnh xa quê lên thành phố kiếm sống. Chị Phương (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng chồng thuê một căn phòng tạm bợ chưa được 10m2 ở khu nhà ổ chuột gầm cầu Long Biên (Hà Nội). Hơn 5 năm nay 2 vợ chồng chị đều sinh hoạt tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng tạm bợ này.
Công việc của chị Phượng là nhặt rác ở khu phố cổ. Mỗi ngày phải rảo bước trên các con phố hàng chục cây số. Những địa điểm chị thường tìm kiếm là đống rác, thùng rác trên phố. Cố gắng nhặt nhạnh từ những thứ nhỏ nhất như cái túi bóng, miếng nhựa, sợi dây, lon nước, vỏ chai… rơi trên phố.
Thu nhập bình quân mỗi ngày của chị Phương cũng được hơn 100. 000 đồng. Chắt chiu từ tiền chị thu được cộng với số tiền của chồng đi xe ôm, trừ chi phí sinh hoặt đi 2 vợ chồng anh chị Phương hàng tháng cũng chỉ đủ để gửi tiền về cho ông bà ở quê nuôi các con ăn học.
Muôn nẻo gánh hàng rong trên phố |
Bên cạnh đó còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Những em tuổi đời còn quá nhỏ để gánh vác công việc của gia đình nhưng số tiền em thu được mỗi tháng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình và nuôi các em đi học. Hoàn cảnh của em Nguyễn Thị La,16 tuổi quê ở Thái Bình. Sau khi bố mất, La cố gắng học hết lớp 9 và lên Hà Nội kiếm việc làm.
Làm việc ở một quán cơm ở Cầu Giấy với công việc là bưng bê và rửa bát. Làm từ sáng sớm tới muộn nhưng lương mỗi tháng của em được gần 2 triệu. May mắn là em được chủ quán cho ở tại quán và ăn uống không mất tiền. Hàng tháng em gửi số tiền này về cho mẹ mua thuốc và đóng học cho các em.
Làm ở Hà Nội được hơn 1 năm nay nhưng các ngày nghỉ lễ em cũng không có thời gian để về thăm quê và gia đình. Lần về gần đây nhất của em là dịp nghỉ Tết.
Mỗi cảnh đời, mỗi sự khó khăn… khi cuộc sống, công việc của họ luôn phải dựa vào sự may rủi mỗi ngày. Không có sự chắc chắn, không ổn định, không an toàn… cái mà những người lao động tự do đang phải gánh chịu mỗi ngày.
Chưa được hưởng tinh thần của ngày “ Quốc tế lao động”
Khi phố xá được trang trí cờ hoa, biểu ngữ… thể hiện tinh thần ngày “ Quốc tế lao động”, không hào hứng với thời gian nghỉ dài thì nhiều người lao động lại tỏ ra lo lắng về công việc kiếm sống trong ngày của họ.
Bác Trung – người lái xe ôm ở đường Kim Mã chia sẻ: “Tuy biết hôm nay là ngày Quốc tế lao động nhưng công việc của chúng tôi có ngày nghỉ đâu. Mọi người không đi lại trong ngày này thì chúng tôi biết chở ai”.
Bác Trung đang tranh thủ đọc báo khi không có khách |
Chịu chung nỗi lo, chị Tâm cùng nhóm người lao động tự do ở gầm cầu vượt Dịch Vọng cũng đang đứng ngồi không yên vì không có việc “Chúng tôi thường ngồi đây đợi việc nhưng trong mấy ngày nghỉ có ai thuê là việc gì đâu. Chắc cứ thế này thì chết đói mất”.
Đấy chỉ là vài trường hợp trong số hàng chục vạn lao động tự do làm đủ các nghề khác nhau để kiếm sống trên địa bàn Hà Nội. Hơn bao giờ hết những người lao động tự do họ cần được bảo vệ và cần được sự quan tâm của nhà nước.
Theo GDVN