Cuộc diễn tập quân sự rầm rộ mang tên Đại bàng non kết thúc êm ả hôm thứ Ba. Diễn tập thường niên Mỹ - Hàn nhằm nhấn mạnh sự răn đe đối với Triều Tiên thông qua việc biểu dương sức mạnh quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng tuyên bố rằng các hoạt động hai tháng qua là hành động khiêu khích, đe dọa xâm lược. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đáp trả quyết liệt nếu bị tấn công, với những lời đe dọa chết người nhằm vào cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận Đại bàng non
Đây là lúc có thể là mốc đánh dấu chấm hết cho nhiều tuần căng thẳng gay gắt giữa Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng có thể nhân đó tuyên bố với dân chúng rằng nước này đã đập tan nguy cơ đe dọa quân sự và nay có thể trở lại đàm phán. Điều này cho họ cơ hội nâng cao thể diện.
"Giờ đây tập trận đã xong, đây là cơ hội để Triều Tiên phóng tên lửa", Sung-yoon Lee, giáo sư của trường Luật và Ngoại giao, đại học Tufts của Mỹ, nhận định. "Giờ đây khi các đối thủ của họ đang nghỉ ngơi và giảm mức độ cảnh giác xuống, họ có thể tiếp tục bằng một vụ phóng, có thể là vào thời gian từ nay cho đến trước cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với Tổng thống Park Geun-hye, nhằm gây sức ép với bà Park".
Tổng thống Park có kế hoạch gặp đồng nhiệm Mỹ Obama ngày 7/5 tại Washington. Triều Tiên từng nhiều lần có các hành động tạo áp lực đối với các chính phủ mới của Hàn Quốc.
"Tập trận thì đã xong, nhưng quân đội Hàn và Mỹ vẫn tiếp tục cảnh giác trước nguy cơ các hành động khiêu khích của miền Bắc, kể cả khả năng họ phóng tên lửa", Kim Min-seok, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói.
Thời gian hai tháng của cuộc diễn tập cũng là quãng thời gian chứng kiến sự căng thẳng lên cao chưa từng có ở bán đảo Triều Tiên. Mỹ huy động 10.000 binh sĩ tham gia cùng 200.000 quân nhân Hàn Quốc thực hiện các màn diễn tập đường không, bộ và hải chiến.
Mỹ cũng huy động các trang thiết bị chiến tranh tối tân bao gồm pháo đài bay B-52, siêu oanh kích cơ B-2 và tiêm kích thế hệ mới F-22 Raptor tới Hàn Quốc để thị uy. Triều Tiên liên tục tuyên bố biến Seoul thành biển lửa, thành tro bụi, dọa tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương.
Đặc biệt, Triều Tiên dừng hoạt động khu công nghiệp Kaesong - biểu tượng hợp tác cuối cùng còn sót lại giữa hai miền. Công nhân Hàn Quốc không còn được qua biên giới để đi làm, trong khi các công nhân Triều Tiên nghỉ không vào xưởng.
Hôm qua, 43 trong số 50 nhân công Hàn Quốc cuối cùng đã về nước. 7 người còn ở lại do chưa giải quyết xong vấn đề tiền lương. Chính quyền Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán để nối lại hoạt động của Kaesong, nhưng cũng sẽ không đến mức phải chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà Bình Nhưỡng đòi hỏi.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu gây tình trạng căng thẳng của Triều Tiên là để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, và sau cùng là tìm kiếm lợi thế trước khi quay trở lại bàn đàm phán đa phương về giải trừ hạt nhân. "Nguyên tắc chung của họ là gia tăng căng thẳng nhằm kiếm vị thế tốt hơn khi thương lượng", Leonid Petrov, nghiên cứu viên về Hàn Quốc tại Đại học Quốc phòng Australia phát biểu.
Theo VNE