Nhóm cổ vật nói trên đang được gia đình ông Lê Ngọc Lân, trú tại thôn 7, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lưu giữ.
Nhiều loại đồ cổ có niên đại khác nhau được phát hiện. |
Cổ vật mới phát hiện gồm: Bộ sưu tập bát, đĩa cổ bằng chất liệu gốm sứ thời Trần, Lê bao gồm 7 chiếc, trong đó chiếc đĩa có kích thước lớn nhất với đường kính miệng 20cm, đế 8cm, cái nhỏ nhất có đường kính miệng 15cm, đế 6cm. Những cổ vật này làm bằng chất liệu gốm sứ mang kiểu dáng đĩa bát cổ thời Trần, Lê, được trang trí các họa tiết hoa văn nổi tinh xảo hình cánh sen và hình dây leo cách điệu.
Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn phát hiện chiếc mâm đồng hình tròn, có kích thước đường kính rộng 60cm, trọng lượng 2kg bằng đồng màu đen bóng. Xung quanh vòng mâm được chạm khắc nổi, trang trí các họa tiết hoa văn hình con chim Phượng ngậm bao kinh, hình hoa lá dây leo, hình rồng chầu mặt trời, hình cánh sen.
Chính giữa mâm khắc nổi 5 chữ Hán cổ: Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh được viết theo lối chữ Thảo, chiếc mâm đồng này có từ thời nhà Nguyễn.
Chiếc đĩa men thời Trần và chiếc mâm đồng cổ thời Nguyễn. |
Trong nhóm cổ vật trên còn có một chiếc liễn cổ thời Lê bằng chất liệu gốm sứ, có kích thước cao 15cm đường kính miệng 20cm, đường kính đế 15cm; 1 chiếc bình vôi bằng chất liệu sành và bộ khay đồng thời Nguyễn.
Theo ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng thì việc phát hiện các hiện vật nói trên, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và bảo tàng trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về sự phân bố các loại hình gốm sứ cổ và đồ đồng thời Trần, Lê và thời Nguyễn qua sự trao đổi buôn bán giao lưu trong cả nước với địa bàn Hà Tĩnh những thế kỷ trước dưới các triều đại phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử.
Theo Infonet