Khu “Hoàng thành Yên Bái” toạ lạc trên đỉnh đồi Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh - Lục Yên, cách thành phố Yên Bái 80 km. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định đây là sự xuất hiện hiếm hoi của một tháp Trần sớm, nằm ở vùng biên giới nước Đại Việt xưa.
Tháp có ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Chăm và ảnh hưởng của đạo Lão Trung Quốc trong kiến trúc Phật Giáo Việt Nam… Đây còn là tháp Trần duy nhất được phát hiện từ trước đến nay có dạng mái cong, là ngọn tháp duy nhất có bệ hoa sen trên một số tầng tháp và ở phần chân tháp, bên ngoài phần tường chịu lực là lớp bệ hoa văn đất nung viền quanh chân tháp.
Một đầu phượng còn nguyên vẹn được khai quật tại khu di tích "Hoàng thành Yên Bái". |
Hoa văn trang trí thân tháp khá dày đặc, phong phú về loại hình, kỹ thuật tạo văn hoa trong từng tầng tháp cả bệ thủy ba (bệ hoa văn sóng nước) cũng được cách điệu rất nhiều. Đặc biệt là hoa văn được tạo trên đất nung và cả những khối vật liệu đất nung rất lớn nhưng hoa văn rất tinh xảo. Sự ảnh hưởng của yếu tố Chăm được thể hiện rõ nhất là những lá đề hoa văn hình chim phượng trang trí trên tháp.
Những lá đề này không chỉ khá giống nhau về hình thức, cách chế tác mà nó còn khá tương đồng về cách bài trí lá đề ở các tháp Chăm. Ảnh hưởng của đạo Lão thì cơ bản được thể hiện dạng hoa văn hình sừng bò vắt chéo nhau như chữ “X” hay hoa văn cúc dây thường được đạo Lão dùng rất phổ biến tượng trưng cho sự trường tồn.
Những dấu tích còn lại được các nhà nghiên cứu cho rằng tháp nằm trong vùng Thu vật, là khu vực điền trang thái ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật - người được triều đìnhgiao nhiệm vụ trấn ải vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt, nên tác giả của công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo độc đáo này rất có thể chính là của Trần Nhật Duật.
Sử cũ nói rằng, Trần Nhật Duật là người thạo nhiều ngoại ngữ, quan hệ bang giao rộng rãi và kiệt xuất ở nhiều lĩnh vực. Với người Chăm, khi còn ở trong triều, ông quan hệ rất tốt với các sứ thần Vương quốc Chăm Pa và rất thân thiện với người Chăm trong làng Chăm ở Hà Nội. Trần Nhật Duật là người theo đạo Phật nhưng rất am hiểu đạo Lão, nên ảnh hưởng của đạo Lão ở tháp Hắc Y qua hoa văn trang trí, lực chọn phong thủy… cũng không có gì khó hiểu.
Phục dựng một đỉnh tháp nhỏ nghìn tuổi.
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện thấy tại quần thể di tích này không ít hiện vật có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội như: gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc..., tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng..., cùng đồ thờ, đồ gốm sứ...
Các nhà khoa học lịch sử nhận định, đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, như một Trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ và được ví như là “Hoàng thành” của Yên Bái.
Tháng 3/1997, GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học dẫn đầu đoàn cán bộ của Viện lên khảo cứu di tích đồi Hắc Y và Bến Lăn, có cuộc làm việc với lãnh đạo Huyện Lục Yên, sau đó về làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Trong các buổi làm việc này, GS đều đánh giá cao giá trị phát hiện trên và cho rằng đây là một di tích Phật giáo thời Trần hiếm có, cần được bảo vệ và tổ chức khai quật.
Dưới đây là hình ảnh những cổ vật nghìn tuổi còn lại của “Hoàng thành Yên Bái”:
Hàng nghìn hiện vật được khai quật tại di tích Hắc Y.
Những hiện vật có niên đại và hình dạng giống hiện vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Dấu tích văn hóa Chăm qua qua cách bài trí hình lá đề.
Những hiện vật nghìn tuổi còn nguyên vẹn.
Hoa văn điêu khắc tinh xảo. |