Các loại hình hiện vật gồm tranh, tượng Phật, vật liệu kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, bia ký... được chia nhóm theo lịch đại: nhóm thời Lý - Trần, nhóm thời Lê sơ - Mạc, nhóm thời Lê trung hưng - Tây Sơn và nhóm thời Nguyễn.
Đặc biệt, trong số hiện vật đưa ra trưng bày có chiếc trống đồng Cảnh Thịnh (1800) là một trong 11 bảo vật quốc gia vừa được công nhận. Một số hiện vật khác cũng rất đáng chú ý là đầu tượng Phật Đồng Dương, tượng Phật thuộc văn hóa Óc Eo, trang trí kiến trúc chùa Phật tích.
Tượng Phật cổ ở các chùa tuy vẫn còn, nhưng nhiều phần đã bị sơn lại và làm cho có một sắc màu khác. Chính vì thế, sự bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ cho người xem một cái nhìn chân thực hơn về di sản.Theo TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, triển lãm cho người xem cơ hội tiếp xúc với các hiện vật được giữ gìn tốt, còn nguyên "thần sắc”. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trên các tượng Phật.
Theo ban tổ chức, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối. Nó vừa hợp với không gian tâm linh vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Chính vì thế, ánh sáng của triển lãm cũng được thiết kế giống với cảnh quan của các chùa Việt Nam.
Gần 200 tài liệu, hiện vật được trưng bày trong chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 25 Tông Đản, Hà Nội. |
Các hiện vật được chia thành 5 thời kỳ lịch sử, gồm: Giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lý - Trần, thời Lê sơ - Mạc, thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn và thời Nguyễn. Các hiện vật giúp du khách có những hiểu biết khái quát về nguồn gốc du nhập và lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. |
Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn được làm bằng chất liệu gỗ sơn son thiếp vàng thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18, được lưu giữ tại chùa Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. |
Chuông đồng thời Trần thế kỷ 13-14, được lưu giữ tại chùa Vân Bản, Đồ Sơn, Hải Phòng. |
Mô hình tháp thờ Phật (phải) và gạch trang trí hình tháp được làm bằng đất nung có từ thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ 10-11. |
Trống đồng Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn năm 1800 lưu giữ tại chùa Nành, Ninh Hiệp, Hà Nội - bảo vật quốc gia Việt Nam. |
Khánh được làm bằng đồng thời Nguyễn, thế kỷ 19 lưu giữ tại chùa Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Khánh là một trong những loại nhạc khí. |
Những hình tượng phật giáo này giúp chúng ta nhìn thấy được bản sắc dân tộc, về một nền văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa ấy có sự đối sánh với văn hóa Chămpa, Chân Lạp… qua đó, thấy được nghệ thuật của Việt Nam có tính chất hướng nội. Và sự hướng nội ấy đã nói lên tinh thần của người Việt Nam là đầm ấm, đoàn kết, thương yêu. |
Tượng phật Adiđà được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, có từ thời Nguyễn thế kỷ 19. |
Kéo dài đến hết tháng 8/2013, phòng trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” giúp công chúng tham quan hiểu thêm về những giá trị của văn hóa Phật giáo Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc. |
Đầu tượng Bồ Tát được làm bằng đá cát có từ thời văn hóa Chăm Pa thế kỷ 10, được lưu giữ tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. |
Tượng thiên thần kinnarl được làm bằng đá cát có từ thời Lý năm 1066, được lưu giữ tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. |
Tượng khỉ được làm bằng đá cát, có từ Thời Lý thế kỷ 12, được lưu giữ tại Ý Yên, Nam Định. |
Phù điêu sư tử được làm bằng đá cát, có từ thời Lý năm 1057, được lưu giữ tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. |
Theo Infonet