Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển. |
Đây là nội dung trao đổi của Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển với PV Lao Động chiều ngày 6/3.
Theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên toàn quốc, nhưng đến nay vẫn còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cùng vô số lý do chậm trễ. Với thực trạng như vậy, liệu quyết tâm hoàn thành việc cấp sổ trong năm nay của Bộ TNMT theo ông, có thực hiện được không?
- Tôi cho rằng, việc căn bản hoàn thành cấp sổ đỏ lần đầu trong năm 2013 là nhiệm vụ hết sức nặng nề do khối lượng phải cơ bản hoàn thành còn rất lớn (khoảng 6 triệu giấy với diện tích khoảng 3 triệu hécta).
Trong đó, phần nhiều là các trường hợp có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, có tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật đất đai chưa được xử lý.
Trong khi đó, điều kiện ngân sách của các địa phương hiện nay rất khó khăn nên việc đầu tư kinh phí cho đo đạc, lập hồ sơ, cấp sổ đỏ còn hạn chế. Hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nhất là ở cấp huyện còn rất thiếu cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện làm việc...
Tuy nhiên, Bộ TNMT đang tập trung cao, thực hiện nhiều biện pháp để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ lần đầu theo yêu cầu của Quốc hội.
Vừa qua, bộ đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng để giao chỉ tiêu kế hoạch cấp sổ đỏ cụ thể cho từng xã, huyện; ban hành văn bản giải quyết các trường hợp tồn tại, vướng mắc trong cấp sổ đỏ ở địa phương; rà soát cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn hệ thống văn phòng đăng ký; bố trí kinh phí để thực hiện cấp giấy; giải quyết dứt điểm không để tồn đọng hồ sơ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tại các địa phương, đặc biệt là địa phương tỉ lệ cấp sổ đỏ còn thấp, có nhiều bức xúc... để giải quyết tận gốc vấn đề.
UBND TP.Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép được ghi nợ lệ phí trước bạ khi cấp sổ đỏ. Đây có phải là một giải pháp hiệu quả tháo gỡ nút thắt trong việc cấp sổ đỏ hiện nay không, thưa ông? Nhiều ý kiến cho rằng, lệ phí trước bạ quá cao hiện nay cũng là một cản trở khiến người dân thờ ơ với việc nhận sổ đỏ, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Thực tế hiện nay việc ghi nợ lệ phí trước bạ khi cấp sổ đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đã được quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP.
Tuy nhiên, do quy định về đối tượng ghi nợ lệ phí trước bạ được dẫn chiếu theo đối tượng ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định 120/2010/NĐ-CP, dẫn đến phạm vi đối tượng ghi nợ lệ phí trước bạ bị thu hẹp (chỉ áp dụng đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất) nên làm giảm hiệu quả của quy định này trong thực tiễn.
Hơn nữa, với mức thu lệ phí trước bạ theo quy định bằng 0,5% giá trị nhà, đất cũng là khoản tiền khá lớn so với mức thu nhập của nhiều người dân hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn, do đó có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cấp sổ đỏ, là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm trao được sổ đỏ đã ký cho người dân ở nhiều địa phương.
Vì vậy, Bộ TNMT đã có kiến nghị với Chính phủ xem xét miễn thu lệ phí cấp sổ đỏ lần đầu trong 2 năm (2013 và 2014) để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công việc này.
Ông có cho rằng, với đề xuất Chính phủ dành 3.000 tỉ đồng ngân sách 2013 tập trung cao độ cho lực lượng đo, vẽ hồ sơ địa chính thì có thể căn bản hoàn thành cấp 6 triệu sổ đỏ trong năm nay?
- Theo ước tính sơ bộ, để cấp được 6 triệu sổ đỏ trong năm 2013 cần phải có kinh phí trên 5.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước; trong đó, có nhiều tỉnh còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách hằng năm, Bộ TNMT ước tính cần phải có khoản kinh phí khoảng 3.000 tỉ đồng ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các tỉnh để thực hiện cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, kinh phí là điều kiện cần thiết, nhưng không phải là yếu tố duy nhất để có thể hoàn thành cơ bản cấp sổ đỏ trong năm 2013; vì thực tế việc cấp sổ đỏ hiện nay ở các địa phương còn nhiều khó khăn khác (như điều kiện nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp; việc xử lý những tồn tại, vướng mắc, vi phạm pháp luật đất đai liên quan đến cấp sổ đỏ,…); do đó, mấu chốt là các địa phương có quyết tâm cao hay không.
Nếu các địa phương không tập trung cao để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1474/CT-TTg thì vẫn khó có thể hoàn thành trong năm nay. Trong Chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến vấn đề này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Laodong