“Hy vọng mở ra cho trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam”

Thứ năm, 07/03/2013, 14:03
Đó là khẳng định của BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, thành viên tiểu ban Nhi – cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, sau thông tin thế giới lần đầu tiên điều trị thành công một ca nhiễm HIV trẻ sơ sinh.
Trẻ nhiễm HIV
“Hy vọng mở ra cho trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam” - Ảnh nguồn: Tienphong

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói: “Ca thành công ở Mỹ đã củng cố một quan niệm mới về điều trị HIV, đó là điều trị càng sớm càng tốt chứ không chờ cơ thể bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như trước đây. Trong nhi khoa, cách đây vài năm có một nghiên cứu rất tình cờ ở Mỹ mở ra hướng điều trị này.

Trong nghiên cứu đó, người ta xem xét việc dùng thuốc kháng vi-rút lâu dài ở trẻ em. Nhưng sau khi tổng kết, người ta thấy rằng trẻ nhiễm HIV nào được dùng thuốc trước một tuổi thì trẻ đó sống rất tốt và gần như trở thành một người bình thường”.

Ca thành công ngoạn mục

Ca bệnh được báo cáo vào ngày 3/3 vừa qua tại hội thảo về Retrovirút và nhiễm trùng cơ hội ở Atlanta (Mỹ).

Đó là một bé gái hai tuổi rưỡi có mẹ bị nhiễm HIV, sống ở bang Mississippi và được sử dụng thuốc điều trị HIV liều cao ngay trong 30 giờ sau sinh mà không chờ kết quả xét nghiệm.

Kết quả sau đó xác nhận em bé này đã bị nhiễm HIV. Một tháng sau điều trị, số virút HIV trong máu em bé xuống thấp đến nỗi các test thông thường không thể phát hiện.

Bé tiếp tục điều trị thuốc, nhưng đến 18 tháng tuổi thì không đến khám bác sĩ nữa cho đến gần hai tuổi.

Tính ra, bé đã ngưng dùng thuốc trong ít nhất năm tháng. Khi tiếp nhận em bé, bác sĩ cho xét nghiệm máu lại và kết quả không thấy bất kỳ virút HIV nào. Đây là ca trẻ em đầu tiên trên thế giới, nhưng là ca thứ hai được ghi nhận điều trị khỏi HIV.

Ca trước đây là ông Timothy Ray Brown (người Mỹ), khỏi bệnh vào năm 2007. Nhưng để khỏi bệnh, ông đã được ghép tuỷ xương, một phương pháp nguy hiểm và tốn kém.

Là người chuyên điều trị trẻ nhiễm HIV, ông đã từng gặp những trường hợp thành công chứng minh cho quan niệm điều trị mới này chưa?

Ở nước ta, chúng ta điều trị trẻ sơ sinh nhiễm HIV khi trẻ được 1,5 – 2 tháng, không sớm như ca bệnh vừa được báo cáo ở Mỹ là chỉ trong vòng 30 giờ.

Với cách điều trị sớm như ở nước ta hiện nay, nhiều trẻ bây giờ khi được xét nghiệm HIV gần như không thấy. Có vài ca còn đặc biệt hơn, cơ thể trẻ không sản xuất cả kháng thể kháng vi-rút luôn.

Nghĩa là nếu bằng một xét nghiệm sàng lọc thông thường, ta không thể biết được trẻ đó có bị nhiễm HIV mà chỉ biết thông qua tiền sử. Khi nghiên cứu các ca này, thú thật tôi rất nhức đầu để tìm câu trả lời.

Nếu không tìm thấy HIV trong máu nữa, các bác sĩ có ngưng điều trị không?

Ở miền Bắc từng có một ca trẻ em được bác sĩ cho ngưng thuốc vì khi xét nghiệm không tìm thấy HIV và kháng thể kháng virút trong cơ thể em bé đó. Tuy nhiên, sau khi ngưng thuốc, HIV đã bùng phát trở lại.

Ở miền Nam có ba ca như thế, nhưng chúng tôi chưa dám ngưng thuốc và tiếp tục theo dõi.

Tình hình nhiễm HIV trẻ em ở nước ta hiện nay như thế nào thưa ông?

Ở Việt Nam, bất chấp nỗ lực tuyên truyền của ngành y tế, nhận thức của người dân về HIV/AIDS vẫn còn khá hạn chế.

Nhiều bà mẹ khi mang thai chủ quan, không đi xét nghiệm và chỉ được phát hiện nhiễm HIV/AIDS khi gần sanh hoặc lên bàn sanh, lúc đó trở tay thì quá muộn.

Vì thế, trẻ sinh ra bị nhiễm HIV khá nhiều. Hiện cả nước có 4.000 – 5.000 trẻ nhiễm HIV được quản lý. Đó là con số chính thức, con số thật có thể trên 10.000.

Thưa ông, dựa trên ca điều trị thành công đầu tiên này, các bác sĩ trong nước có quyền nghĩ tới việc điều trị rất sớm cho trẻ, trong vài chục giờ đầu đời của chúng hay không?

Điều trị sớm hoàn toàn không khó vì ba loại thuốc dùng cho em bé ở Mỹ cũng là ba loại thuốc đang sử dụng cho trẻ em Việt Nam. Chúng dễ xài, dễ tìm và tương đối rẻ tiền.

Cái khó duy nhất ở đây chỉ là chẩn đoán sớm. Để thực hiện, chúng ta cần nhân sự và thay đổi quy trình xét nghiệm phù hợp. Vì để điều trị sớm cho trẻ nhiễm HIV, chúng ta cần phải nhận được kết quả xét nghiệm rất sớm.

Khi biết trẻ đã nhiễm HIV, chúng ta sẽ tập trung toàn lực để điều trị. Còn như hiện nay, trẻ chỉ được xét nghiệm khi bốn tuần tuổi.

Tóm lại, ca điều trị thành công ở Mỹ có thể mở ra nhiều hy vọng mới cho trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam?

Đúng vậy. Nếu mọi chuyện được xác nhận chắc chắn, từ đây mọi trẻ em Việt Nam sinh ra sẽ không còn lo sợ về HIV/AIDS nữa. Bởi nếu trẻ bị nhiễm, chúng sẽ được chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn trong thời gian ngắn, không phải uống thuốc suốt đời như hiện nay. Số phận của chúng sẽ thay đổi, không còn bị kỳ thị và có một tương lai tốt đẹp như mọi người bình thường.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn