Trong khi Nhật cam kết hỗ trợ tài chính cho các dự án lớn của Ấn Độ như hành lang công nghiệp Chennai-Bangalore và tuyến đường thứ 3 của hệ thống tàu ngầm Mumbai cũng như tỏ rõ sự sẵn sàng ký kết hợp tác hạt nhân dân sự, thì Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng nhiệm Nhật Shinzo Abe đã đề cập tới việc cộng tác giữa hai nước để chống lại việc dùng vũ lực nhằm thay đổi trật tự tại châu Á.
Ảnh minh họa
New Delhi và Tokyo cũng nhất trí thể chế hóa các cuộc diễn tập chung của hải quân và tăng cường số lần diễn tập thường xuyên. Nhật thậm chí còn đề xuất đưa thủy phi cơ hiện đại Shinmaywa hoặc US-2 tham gia diễn tập, đây là ví dụ đầu tiên cho thấy Tokyo sẵn sàng đưa ra công nghệ có thể dùng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Chiếc thủy phi cơ trên là loại rất tinh vi, bay được quãng đường xa, có thể cất cánh và hạ cánh trên mặt nước.
Cơ quan năng lượng nguyên tử Ấn Độ và Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật cũng ký ghi nhớ về hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm ở Ấn Độ, yếu tố quan trọng trong việc mở rộng hợp tác giữa hai nước vì Nhật hiện đang phải dựa vào Trung Quốc để có vật liệu thô quan trọng này.
Động lượng mới trong quan hệ hai nước được minh chứng rõ trong tuyên bố của cả hai Thủ tướng, trái với lời khuyên của tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc rằng Nhật nên cư xử với Trung Quốc một cách bình tĩnh và không nên bị lay chuyển bởi những kẻ kích động trong nước và quốc tế.
Trong bài bình luận toàn những từ ngữ cứng rắn, nhật báo Trung Quốc đã chỉ trích chính trị gia Nhật, gọi là những tên trộm nhỏ nhen. Báo này nói, Ấn Độ và Trung Quốc có thể giải quyết khúc mắc nhanh chóng.
Tuy nhiên, bình luận trên không tác động gì tới Ấn Độ và Nhật. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Singh nói: "Không chỉ sự đồng điệu về tâm hồn và văn hóa đưa chúng ta lai gần nhau mà chúng ta còn chia xẻ với nhau những cam kết về dân chủ và hòa bình quốc tế. Sự thành công trong quan hệ đối tác của chúng ta là điều sống còn với sự thịnh vượng của người dân và là điều không thể thiếu với tương lai hòa bình, ổn định ở châu Á và Thái Bình Dương".
Tuyên bố dân chủ trên biển là nghĩa vụ bảo đảm an toàn các đại dương, ông Abe nói. "Ấn Độ từ phía tây, Nhật từ phía đông, sự tụ họp của hai nền dân chủ đã là một phần quan trọng của những giá trị quốc tế chung cho thế kỷ 21. Tôi tin rằng Nhật và Ấn Độ nên đảm bảo châu Á phải tiếp tục hòa bình và thịnh vượng".
Tonohika Tanaguchi, cố vấn trong văn phòng nội các đồng thời là thành viên đội truyền thông chiến lược của ông Abe nói, Nhật hoàng và vợ sẽ tới thăm Ấn Độ vào cuối năm nay dù tuổi họ đã cao.
Theo VNN