"Quyền lực không nằm trong nắm đấm"

Chủ nhật, 02/02/2014, 16:00
“Dân nuôi cán bộ, nuôi chế độ. Vậy mà có những cán bộ cầm dùi cui, dùng cùi tay... chĩa vào dân thì… Nên nhớ, quyền lực không nằm trong nắm đấm”.

Ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đã phải thốt lên như vậy trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên.

Hành xử mất lòng dân đến thế!

Mới đây, lại có chuyện Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên cầm cây đập vào đầu dân khiến họ phải nhập viện, rồi thì dân phòng ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM đánh một người bán hàng rong đến mức ngất xỉu... Khi đón nhận những thông tin ấy, ông thấy sao?

Ngày ngày đọc báo, xem ti vi, nghe anh em đến chơi báo cáo lại, biết những chuyện như thế khiến tôi đau, xót lắm chứ. Tôi đã từng có 70 năm hoạt động cách mạng nhưng chưa bao giờ thấy cán bộ của mình lại hành xử càng ngày càng mất lòng dân đến thế!

Theo ông thì vì sao mà cán bộ hành xử ngày càng mất lòng dân như thế?

Tôi cho rằng, chẳng gì khác ngoài việc một bộ phận không hề ít cán bộ công chức hiện nay đã mất đi lý tưởng. Thời của chúng tôi lý tưởng cao lắm. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả thứ quý giá nhất là tính mạng của mình cho lý tưởng là phải giành được độc lập, tự do về cho đất nước, đem lại cuộc sống yên bình cho dân; từ đó góp phần mang lại lợi ích chung cho nhân loại. Bây giờ, tôi cảm tưởng lý tưởng đã bị mờ nhạt rất nhiều.

Phải chăng vì thời thế thay đổi khiển lý tưởng của cán bộ bây giờ khác với thời của ông?

Đúng là có vấn đề thời thế thay đổi. Nhưng cái gốc rễ thì thời nào cũng vậy, đã là cán bộ phải biết vì nước, vì dân. Dân có ấm no, có hạnh phúc mới là cái đích của người cán bộ phải hướng tới. Nhưng bây giờ, trong đội ngũ cán bộ, nhiều người có tư tưởng là phải vơ vào cho mình, cho gia đình, nhóm của mình càng nhiều ích lợi càng tốt. Tức là họ đã phản bội lại lý tưởng. Mà cán bộ đã mất đi lý tưởng thì làm sao còn được lòng dân nữa?

Ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.

Chĩa dùi cui vào dân

Nói như ông thì việc cán bộ công chức – cụ thể hơn là những người thực thi công vụ đánh dân là vì họ mất đi lý tưởng?

Đúng thế. Việc đánh dân là sai rồi! Dân nuôi cán bộ, nuôi chế độ. Vậy mà bây giờ, cán bộ đang cầm dùi cui, dùng cùi tay... chĩa vào dân thì làm sao mà mong chế độ trường tồn! Họ làm thế thì không xứng để được gọi là cán bộ nữa rồi. Nên nhớ, quyền lực không nằm trong nắm đấm, họng súng của nhà cầm quyền, của người thực thi công vụ.

Vậy quyền lực phải nằm ở đâu, thưa ông?

Quyền lực trước hết phải nằm ở cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo, quản lý. Từ đó, anh vạch ra được đường hướng đúng đắn, phù hợp cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Đồng thời, anh phải biết dũng cảm, trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật. Chẳng ai khẳng định rằng mọi quyết định của mình đưa ra đều đúng. Phải có sai sót, hạn chế chứ. Nhưng anh có dám nhìn thẳng không? Nhìn được rồi thì có dám sửa đổi không? Tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn thiếu và yếu điểm này.

Đánh dân không phải là bi kịch, mà...

Ông nói nhiều đến việc cán bộ bây giờ mất đi lý tưởng. Thế nhưng, hẳn những người thi hành công vụ, cán bộ đánh dân chỉ là những “con sâu”, thưa ông?

Đúng rồi. Không phải cán bộ bây giờ đã hỏng hết đâu. Vẫn nhiều người giữ được đức độ, có thái độ, trách nhiệm với dân. Có những người quyền lực rất cao nhưng sống cuộc sống rất đơn giản đấy thôi.

Cũng phải thừa nhận rằng, việc cán bộ đánh dân chỉ là việc làm sai mang tính “cò con” thôi. Chứ nhiều cán bộ sai phạm lớn hơn, gây hại cho dân nhiều hơn kia mà, như tham nhũng chẳng hạn, mà quyền lực càng cao thì càng có cơ hội tham nhũng. Đây chính là nguy cơ mà nếu không ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự suy thoái của cả chế độ.

Nhưng thưa ông, liệu có vấn đề rằng, cũng như những người phải có quyền lực mới tham nhũng được thì với những công an, dân phòng, phó giám đốc sở nọ... hẳn sẽ không dám đánh dân, nếu như họ không mang trên mình chiếc áo cảnh sát, dân phòng...?

Cái đó hẳn là có đấy. Vì một người dân thường không dễ gì đi đánh người, làm chết người đâu, vì họ sẽ phải đối mặt với tù tội. Nhiều người viện cớ là thi hành công vụ để rồi đánh người vi phạm, thậm chí làm chết người. Nhưng tôi cho đó chỉ là sự lấp liếm mà thôi. Song bi kịch không phải ở bản thân họ đâu.

Vậy bi kịch nằm ở chỗ nào?

Nó nằm ở chính việc được những người thủ trưởng dung túng cho họ. Nhiều khi, người ta không cảm nhận được mình sai lầm; người ta biết sai nhưng người ta dung túng, vì vấn đề lợi ích nên phải bảo vệ nhau. Ngay cái việc đánh dân này, giả dụ ông thủ trưởng thừa nhận thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín, chức vị của ông ấy nên ông phải tìm cách mà lấp liếm đi thôi.

Chưa kể, có khi kẻ đánh dân lại là chỗ thân quen, được gửi gắm, có muốn xử cũng khó vì đụng đến người nọ người kia. Nhưng nói gì thì nói, việc người thực thi công vụ mà đã đánh dân, dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận.

Pháp luật vẫn còn nương tay lắm

Như vậy, không thể công bằng nếu chỉ xử lý những người trực tiếp đánh dân?

Đúng vậy. Anh ta sẽ không thể tự tung tự tác nếu như không được cấp trên bao bọc. Phải xử lý cả thủ trưởng đơn vị nơi những người thừa hành công vụ đánh dân công tác.

Liệu điều đó có khiến cho lòng tin trong dân chúng được cải thiện?

Chưa đâu. Bây giờ, phải làm lại công tác cán bộ. Ta cứ bảo có quy trình này nọ chặt chẽ để tuyển cán bộ nhưng rồi chỉ là hình thức thôi, vẫn có những kẻ cơ hội, yếu năng lực, yếu đạo đức vào làm đấy. Cũng phải nâng cao giáo dục, tuyên truyền cho những người thực thi công vụ hiểu rằng, dân là người nuôi họ, họ phải biết vì dân, phục vụ dân chứ không thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với dân được. Đồng thời, phải xem cả công tác tư pháp của ta như thế nào, đã nghiêm minh, xử đúng luật chưa chứ tôi thấy pháp luật vẫn còn nương tay lắm. Có phải ai đánh dân cũng bị xử cả đâu!

Cảm ơn ông. Kính chúc ông sức khoẻ!

“Bản chất của Đảng ta là của dân, do dân, vì dân. Nhưng cán bộ không phải ai cũng nghĩ được như vậy bởi khi người ta có quyền lực trong tay, vấn đề đáng buồn là xuất hiện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nếu không đấu tranh thì nó sẽ làm chệch định hướng của Đảng. Do đó, phải có sự giám sát và đấu tranh để hướng cán bộ theo bản chất của Đảng, biết vì dân mà phục vụ chứ không phải đánh dân, chỉ chăm chăm lo cho mình. Đảng phải tiếp tục hoàn thiện mình, đổi mới, tiếp nhận những sự phát triển mới của thời đại, có vậy mới giữ được vai trò định hướng cho xã hội”.

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích