Sơ đồ Chính quyền đô thị TP.HCM - Nguồn: Thư viện Pháp luật
Mặc dù nội dung có điều chỉnh, bổ sung và cập nhật theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ, nhân sĩ, trí thức…, nhưng dự thảo đề án lần này cơ bản không có nhiều thay đổi so với dự thảo trước đây.
Theo đó, TP.HCM vẫn đề nghị phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên một số lĩnh vực: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính công (nguyên tắc khuyến khích TP tăng thu để tăng chi, đáp ứng yêu cầu phát triển)…; triển khai thí điểm CQĐT trên phạm vi toàn TP (vì thí điểm ở quy mô nhỏ cấp quận, huyện sẽ không phát huy được hiệu quả của đề án); 13 quận nội thành chỉ có cơ quan hành chính đại diện (có UBND nhưng không có HĐND); thành lập 4 TP trực thuộc (TP.Đông, TP.Tây, TP.Nam, TP.Bắc) để đảm bảo công tác bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021…
Chỉ có một số điểm khác trong dự thảo mới, điển hình nhất là thống nhất tên gọi UBND theo góp ý của Bộ Nội vụ (thay vì nơi nào có HĐND thì gọi là UBND, nơi nào không có HĐND thì gọi là Ủy ban Hành chính như trong dự thảo trước đây).
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết việc xây dựng CQĐT là vấn đề mới lần đầu được đặt ra ở nước ta. Một số nội dung trong mô hình tổ chức CQĐT không phù hợp với một số điều khoản của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và một số văn bản pháp luật hiện hành khác. Do đó, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số luật theo Hiến pháp sửa đổi 2013, xây dựng luật Chính quyền địa phương và để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án, TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành nghị quyết vào kỳ họp thứ 7 khóa 13 (trong tháng 5 và tháng 6/2014).
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự kiến ngày 13/3 tới đây, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị đề án CQĐT TP.HCM, trước khi trình ra Quốc hội. Phó thủ tướng giao các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP.HCM tiến hành rà soát cụ thể các kiến nghị của TP liên quan đến việc thí điểm đề án.
Theo Thanh Niên