Kỳ 3: Loài tùng cổ
Từng là một thầy giáo, ông Lê Quang (Phó Giám đốc BQL di tích danh thắng Yên Tử) không mấy tin vào những chuyện huyễn hoặc, nhưng trong quá trình nhiều năm sống với Yên Tử, ông đã được chứng kiến tận mắt những chuyện khó tin xảy ra.
Lạ nhất là đoạn đường từ chùa Bảo Sái, qua An Kỳ Sinh lên chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, từ xưa đến nay, chưa có vụ chết người do tai nạn nào cả, mặc dù đây là đoạn đường cực kỳ cheo leo, dốc dác, núi đá lô nhô, rất trơn. Nhiều trường hợp ngã rất mạnh, nhưng chỉ xước sát tay chân mà thôi.
Tượng An Kỳ Sinh.
Trong những ngày cao điểm, Yên Tử đón tới cả chục vạn du khách, người hành hương chật kín mọi con đường, toàn dốc dác, trơn trượt, vực sâu mà không xảy ra tai nạn chết người là một chuyện rất lạ.
Thậm chí, hồi thi công chùa Đồng, đột nhiên mây đen kéo đến ngay trên đầu, sét đánh thẳng vào khu vực đang xây chùa khiến mọi thứ cháy đen, tróc hết cả nền chùa, nhưng lạ ở chỗ mấy chục người đứng đó mà không ai hề hấn gì, chỉ bị ù tai một lúc. Đám công nhân đều tin Phật Tổ phù hộ nên tiếp tục làm việc, mà không sợ sấm sét đánh chết.
Đỉnh núi lô nhô, đường đi dốc dác, nhưng các cụ già cứ leo phăm phăm mà chẳng thấy mệt nhọc gì. Nhưng lạ nhất là chuyện hầu như năm nào cũng có một cụ già chết ở đoạn từ chùa Một Mái lên chùa Bảo Sái và cái cách chết của họ cũng vô cùng kỳ lạ.
Chùa Hoa Yên
Mấy năm trước, có một cụ già 77 tuổi, quê ở Hải Phòng, nhất định bắt con cháu cùng đi lên Yên Tử. Bình thường cụ rất yếu, nhưng đến Yên Tử, cụ cứ đi bộ leo núi phăm phăm, mà không cần đi cáp treo. Đi một mạch đến gần chùa Bảo Sái, cụ bảo con cháu giở đồ ra ăn.
Ăn uống xong, cụ đi vào rừng, ngồi dựa vào gốc cây, nhắm mắt rồi “hóa”. Cụ “hóa” một lúc rồi mà con cháu cứ tưởng cụ ngủ, vì khuôn mặt cụ rất thanh thản. Đã có nhiều trường hợp “hóa” kỳ lạ như thế. Các nhà sư ở Yên Tử thì gọi đó là hiện tượng “được về với Phật”.
Các thiền sư tu hành đắc đạo ở Yên Tử đều khẳng định loài tùng cổ ở Yên Tử đã hút được khí thiêng trời đất nên sống trường sinh bất tử.
Mấy năm trước, những người đi rừng đã phát hiện ra một con đường xích tùng cổ 700 năm tuổi trên núi Yên Tử, nơi mà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông thường đi lên núi tu hành. Những cây tùng này cũng là do ông trồng, để vừa lấy bóng mát vừa tỏ rõ cốt cách quân tử.
Hiện ở Yên Tử có 3 loại tùng, gồm: thủy tùng (gỗ trắng), thanh tùng (gỗ xanh) và xích tùng (gỗ đỏ). Xích tùng là loại cực kỳ quý hiếm, vân như hoa mẫu đơn và đường kính thân cây rất lớn. Hiện ở Yên tử còn 274 cây tùng có tuổi thọ vắt qua 7 thế kỷ.
Mộ tháp ở Yên Tử.
Các thiền sư xưa kia thường tu hành trong một chiếc am dưới gốc tùng, sau khi chết đi, thì tro cốt được quàn luôn ở mộ tháp, nằm giữa hai gốc cây tùng. Nhiều năm qua, các nhà khoa học dễ dàng phát hiện thêm được nhiều am, tháp thông qua việc tìm bóng các cây tùng khổng lồ mọc rải rác khắp dãy Yên Tử.
Hiểu được lý do vì sao các thiền sư thường tu hành và khi hóa cũng nằm dưới gốc tùng, mấy năm trước võ sư Bùi Long Thành đã cùng môn sinh lên Yên Tử luyện khí công với… gốc tùng.
Ông Lê Quang kể: “Hôm võ sư Bùi Long Thành và môn sinh luyện công dưới gốc tùng, tôi tận mắt chứng kiến và thấy chuyện xảy ra vô cùng kỳ lạ. Các võ sinh bất động như bị hôn mê, người dính chặt vào thân cây tùng. Nhiều người đã thử kéo họ ra, nhưng không kéo nổi. Chắc chắn có lực hút rất mạnh của thân cây với cơ thể họ”.
Sau 30 phút “thụ khí” của “lão tùng”, võ sư Bùi Long Thành mới kể với ông Quang rằng, vùng đất Yên Tử có rất nhiều khí thiêng và những cây tùng này đã có 700 năm để nạp một lượng khí thiêng rất lớn.
Khi các võ sinh luyện công, họ vừa được nạp khí thiêng của trời đất, lại được nạp “trường điện” mạnh mẽ của “lão tùng” nên mới xảy ra hiện tượng thân thể dính chặt vào thân cây như vậy. Sau khi thụ khí từ gốc tùng, ai cũng cảm thấy thân thể nhẹ bẫng, khỏe khoắn gấp bội lần, bệnh tật như tan biến đâu hết (?!).
Gần khu vực Am Dược, Am Hoa, trong truyền thuyết từng là nơi sản xuất những viên thuốc Hồng Ngọc Sương quý hiếm, lưu danh sử sách, có một đoạn đường được lát bằng đá có tuổi 700 năm. Xưa lâm tặc phát hiện ra con đường này, rồi cứ lần theo con đường này mà tìm ra cả một hệ thống am, tháp. Đến giờ, vẫn chẳng có ai đi con đường này ngoài những người đi hái thuốc.
Con đường này xưa kia có tên là Xích Tùng, bởi hai bên đường rợp bóng tùng. Giờ tùng không còn rợp bóng hai bên đường, nhưng rải rác vẫn có những cây tùng cổ thụ, cao vượt hẳn tán rừng. Tổng cộng còn 10 cây tùng cổ ở dọc con đường này, cây nào cây nấy to 2-3 người ôm.
Dọc con đường Xích Tùng cổ không còn người đi này, thấp thoáng dưới những bóng tùng là những mộ tháp của các vị thiền sư đã viên tịch ở đây. Hầu hết các mộ tháp đã bị bọn trộm cổ vật đào rỗng ruột đổ nghiêng ngả, hoặc bị giật mìn vỡ tung tóe.
Theo khảo sát mới nhất, toàn bộ dãy Yên Tử chỉ còn vỏn vẹn 250 cây tùng. Nhiều cây tùng nằm hai bên đường, rễ trồi lên mặt đất, chịu cả triệu bước chân khách hành hương, nên “sức khỏe” của loài tùng cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rời non thiêng Yên Tử sau mấy ngày cuốc bộ trong rừng, chỉ được chén “đặc sản” vả luộc, chuối rừng dầm muối cùng các nhà tu hành khổ hạnh, tôi tưởng mình phải kiệt sức, nhưng lạ ở chỗ, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ thường, không chút mệt nhọc.
Rất nhiều người chưa từng leo núi cũng thấy ngạc nhiên vì sức khỏe của mình khi hành hương về Yên Tử. Điều này thực sự bí ẩn, nhưng cũng đã lý giải vì sao, mỗi năm, hàng triệu người nườm nượp đổ về non thiêng Yên Tử.
Còn tiếp…
Theo VTCnews