Bài học 9 triệu euro: Giá như Chủ tịch Hà Nội nổi cáu sớm hơn!

Thứ ba, 25/02/2014, 15:49
Giá mà Chủ tịch Hà Nội nổi cáu sớm hơn thì tốt biết mấy… Tiền tỷ chi ra, để đổi lại Thủ đô được thêm một bài học "đau đớn".

Hôm qua, khi họp bàn triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP gần như đã nổi cáu: "Các anh cứ ngồi đấy mà cãi nhau, tiền thì đằng nào cũng phải trả. Dự án không thể để chậm hơn nữa, đã đến lúc đột phá, đẩy nhanh tiến độ. Tại sao thấy TP.HCM làm tàu điện nhanh thế mà mình không học theo".

Ông Thảo nổi cáu cũng là điều dễ hiểu khi mà công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD mà cứ ì ạch mãi vẫn chưa đâu vào đâu. Đã hơn 3 năm trời, các đơn vị liên quan mới chỉ làm được một phần việc khiêm tốn trong tổng thể dự án và vẫn lôi ra một kịch bản "vướng mắc giải phóng mặt bằng".

Hậu quả đã xảy đến khi đơn vị tư vấn Systra (Pháp) đòi thêm 3 triệu euro nếu muốn họ làm tiếp gói thầu số 2 - xây dựng các ga trên cao, hiện đã hết hạn hợp đồng. Nếu tính sang tiền Việt Nam là vào khoảng 87 tỷ đồng.

Còn các cơ quan liên quan phía Việt Nam thì không đồng ý và đưa ra con số phải chi thêm chỉ là 1,3 triệu euro cho gói thầu này. Tính ra tiền Việt Nam thì cũng ngốn mất khoảng 38 tỷ đồng.

Vậy là chỉ cần một sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, Hà Nội ngay lập tức phải trả giá. Nhẹ thì 38 tỷ đồng, nặng thì 87 tỷ đồng. Dù là bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng là sự đã rồi, nhưng số tiền mồ hôi nước mắt của dân sẽ bị đem “nướng” thì ai chịu trách nhiệm?

Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục chậm tiến độ. Ảnh minh họa.

Không chỉ thế, cả chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đều thống nhất, phải tới cuối năm 2018 mới hoàn thành dự án (theo dự kiến ban đầu là cuối 2017). Hậu quả ấy một lần nữa lại được quy ra tiền.

Chính ông Nguyễn Quang Mạnh - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hợp đồng với Systra hết hạn từ ngày 10/11/2013, với giá trị hợp đồng hơn 22 triệu Euro trong thời gian 68 tháng. Chủ đầu tư cũng phải thương thảo với Systra để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng tới giờ hai bên chưa đồng thuận, bởi mức giá Systra đưa ra lên tới hơn 43 triệu Euro, tăng thêm 9 triệu Euro so với mức đã được thành phố phê duyệt trước đây.

Với con số 9 triệu Euro tạm tính, nghĩa là dự án đột ngột tốn thêm khoảng 260 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với chi đầu tư phát triển năm 2013 cho tỉnh Bắc Kạn (235 tỷ), tỉnh Ninh Thuận (179 tỷ), và gần bằng tỉnh Bến Tre (267 tỷ)…

Nhìn vào những con số này, có lẽ nhiều người sẽ giật mình kinh sợ và nghĩ ngay tới năng lực của những người có trách nhiệm chính trong dự án. Câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm? Nói như ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Rất nhiều việc, người ta sẽ đổ tại cơ chế”.

Còn ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì nhận định, ở một số quốc gia phát triển, người đưa ra quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu phạm sai lầm, ngay cả khi quyết định ấy chưa triển khai, nhưng về mặt uy tín chính trị của họ cũng đã suy giảm nghiêm trọng, cho nên quan chức của nhiều nước “từ chức thường xuyên” là vì thế.

Trong khi đấy ở ta, cứ có chuyện xảy ra là đổ lỗi cho nhau, chẳng mấy khi người ta dám đứng ra nhận trách nhiệm. Suy cho cùng là luật của chúng ta không đủ tầm bao quát, không quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với trách nhiệm cá nhân. Điều hành kinh tế, điều hành dự án mà cứ rập khuôn “tập thể chịu trách nhiệm” thì sẽ không bao giờ tìm ra một ai cụ thể phải chịu trách nhiệm.

Quả thực nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì dự án đường sắt đô thị ở Thủ đô sẽ nguy to. Nhưng may mà Chủ tịch TP đã chỉ thẳng ra là các đơn vị đang “làm ăn theo kiểu sờ mó”, và ra “tối hậu thư” cho huyện Từ Liêm chậm nhất đến 30/4 phải hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng. Còn với chủ đầu tư, chậm nhất đến đầu tháng 3 này phải ký được hợp đồng gia hạn với đơn vị tư vấn Systra.

Ông Thảo còn tuyên bố, nếu cứ tình trạng này thì sẽ yêu cầu thanh tra công vụ vào cuộc để xử lý trách nhiệm, không còn cách nào khác.

Nhiều người bảo, giá mà Chủ tịch Hà Nội nổi cáu sớm hơn thì tốt biết mấy… vì thiệt hại bây giờ đã rất rõ ràng: Cả tiền bạc và thời gian! Tiền tỷ chi ra, để đổi lại Thủ đô được thêm một bài học "đau đớn".

Theo GDVN

Các tin cũ hơn