Ngày 25/2, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết nhiều khả năng cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đã có một chuyến hành trình dài trong suốt 3 ngày qua để tới những khu vực bên trong Ukraine nơi ông ta có thể tìm thấy bạn bè, trong bối cảnh ông này đang bị truy nã với tội danh “giết hại thường dân hàng loạt”.
Hiện đang có rất nhiều lời đồn đoán về tung tích của ông Yanukovych, tuy nhiên trong khi nơi ẩn náu chính xác của ông này vẫn còn là một ẩn số thì Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakhov đã vạch ra trên trang Facebook của mình về hành trình chạy trốn của ông Yanukovych sau khi rời thủ đô Kiev hôm thứ Sáu tuần trước.
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Hôm thứ Bảy, ông Yanukovych đã xuất hiện ở thành phố miền Đông Kharkiv, chỉ cách biên giới Nga 40km, và được coi là “căn cứ địa” của những người ủng hộ ông. Trong một tuyên bố được ghi băng lại, ông này đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và so sánh những người biểu tình với phong trào phát xít Đức Quốc xã, đồng thời tuyên bố rằng mình vẫn là Tổng thống của Ukraine và sẽ không rời bỏ đất nước. Đó là lần cuối cùng ông này xuất hiện trước công chúng.
Zurab Alasania, một phóng viên ở Kharkiv khẳng định rằng ông Yanukovych đã nghỉ qua đêm thứ Bảy tại một dinh thự nổi tiếng trong rừng ngay bên ngoài thành phố Kharkiv. Phóng viên Alasania cho biết chính ông đã nhìn thấy Yanukovych khi ông này đi cùng Chánh Văn phòng Andriy Klyuev cùng một vài cận vệ. Cựu Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Rybak cũng có mặt ở đó.
Ông Yanukovych lúc còn đương chức.
Theo dự kiến, ông Yanukovych sẽ xuất hiện tại một hội nghị do các chính trị gia thân Nga tổ chức ở Kharkiv, tuy nhiên sau khi ghi hình bài phát biểu, ông này đã nhanh chóng lên trực thăng bay về phía Nam tới Donetsk, nơi ông này được cho là đã tìm cách thuê một chiếc máy bay để sang Nga.
Tuy nhiên, một số cảnh sát biên phòng cho biết họ đã chặn chiếc máy bay này lại vì nó không có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ để bay ra khỏi biên giới, và sau khi nghỉ ngơi vài giờ trong một nhà khách, ông Yanukovych cùng đoàn tùy tùng của mình đã lên xe rời đi lúc 10 giờ đêm và hướng tới vùng Crimea ở phía Nam.
Hình truy nã ông Yanukovych được dán khắp thủ đô Kiev.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Avakhov, sau khi đi xe suốt cả đêm, đến sáng Chủ nhật đoàn người tới được bán đảo Crimea, cách Donetsk khoảng 400km. Đoàn xe này không tới một nhà khách chính phủ trong khu vực này mà dừng lại tại một khu an dưỡng tư nhân. Tại đây, ông Yanukovych biết được rằng Quốc hội đã chỉ định vị tân Chủ tịch Quốc hội làm Tổng thống lâm thời.
Sau đó đoàn người vội vàng lên đường hướng tới một sân bay quân sự ở thành phố Sevastopol, tuy nhiên họ biết được rằng Bộ trưởng Nội vụ Avakhov và chỉ huy lực lượng an ninh quốc gia đã có mặt ở đây nên nhanh chóng quay đầu.
Ông Yanukovych ra lệnh cho đoàn người đi tới một dinh thự tư nhân ở thị trấn duyên hải Balaclava ngay trước lúc nửa đêm. Tại đây, ông Yanukovych đã cho phép đoàn tùy tùng và các cận vệ được tự do lựa chọn đi hay ở. Nhiều người đã quyết định ra đi, và ông Yanukovych viết vội cho họ mấy chữ chứng nhận họ từng là cận vệ của Tổng thống. Sau đó, ông Yanukovych cùng số ít những cận vệ trung thành còn lại lên 3 chiếc xe và đi đâu không rõ.
Ông Yanukovych đã rời khỏi văn phòng một cách vội vã.
Khi được hỏi về tung tích hiện nay của ông Yanukovych, một lãnh đạo biểu tình thân phương Tây ở Kharkiv đã gọi cho một số người ở Balaclava, và nhận được câu trả lời rằng: “Ông ta đã đi tới Yalta. Chiếc du thuyền hạng sang của ông ta ở đây đã biến mất.”
Câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao ông Yanukovych lại muốn ẩn náu ở khu vực bán đảo Crimea? Crimea là một bán đảo gần như tách biệt khỏi đất liền, và bờ biển phía Đông của bán đảo này có một rẻo đất gần như chạm vào lãnh thổ Nga. Đây chính là nơi diễn ra Hội nghị Yalta vào năm 1945, nơi Liên Xô, Mỹ và Anh thống nhất phân chia châu Âu thời hậu chiến.
Một dinh thự xa hoa của cựu Tổng thống Yanukovych.
Crimea trước đây là một phần lãnh thổ của Liên Xô, nhưng sau đó được nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev cắt lại cho Ukraine vào năm 1954. Khi Liên Xô tan vỡ vào năm 1991, Crimea trở thành một phần của quốc gia Ukraine độc lập. Gần 60% dân số ở Crimea tự coi mình là người Nga.
Ở bờ biển Tây Nam Crimea có cảng Sevastopol, cảng nhà của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga và là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ Nga. Năm 2009, người tiền nhiệm của ông Yanukovych đòi Nga rời bỏ cảng này vào năm 2017, tuy nhiên sau đó ông Yanukovych đã đồng ý cho Nga gia hạn thời gian thuê cảng đến năm 2042.
Theo Khám phá