Bộ trưởng Bộ GDĐT đề nghị Bộ Nội vụ cần nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ sản xuất, tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả. |
Tuyển dụng quá nặng về bằng cấp
Vấn đề “đào tạo gắn với tuyển dụng” đã được các thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực mổ xẻ, khi bàn về dự thảo "Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đây là chủ trương rất quan trọng. Ông quan ngại về thực tế xã hội hiện nay, khi mọi gia đình đều phấn đấu để con mình phải có bằng đại học. Trong lúc đó, nhiều nước đã xã hội hóa giáo dục, đào tạo tín chỉ theo hướng “cần gì học nấy”, chứ không nhất quyết phải vào đại học. Ông cho rằng, để có thể gắn đào tạo với sử dụng nhân lực, ngoài vấn đề hướng nghiệp thì việc tuyển dụng trong các cơ quan không nhất thiết phải yêu cầu bằng cấp đại học.
Theo Thứ trưởng Dĩnh, vấn đề là phải xác định cơ cấu công chức, cơ cấu nghề và bậc học trong mỗi cơ quan để sử dụng nhân lực cho phù hợp. Nếu không, xu hướng người người vào đại học vẫn tiếp tục. “Nhiều cơ quan nhà nước còn phấn đấu đưa ra tiêu chí chỉ nhận bằng cấp trên đại học như thạc sĩ, tiến sĩ. Ta vẫn còn quá nặng về bằng cấp” - ông đề cập.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp thì băn khoăn khi đề án hành động còn “mờ nhạt” về những chủ đề lớn như phân luồng giáo dục hay đào tạo gắn với tuyển dụng. Ông nêu ví dụ, ở một số địa phương, số học sinh theo học nghề chỉ bằng 1/10 so với cao đẳng và đại học. Đơn cử Hà Tĩnh chỉ có 800 em học nghề, so với 9.000 người theo đại học, cao đẳng.
Theo ông Diệp, tại nhiều nước, hằng năm đều tổ chức các vòng điều tra về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong năm tới hay 5 năm tiếp theo. Từ đây, ngành giáo dục đào tạo sẽ căn cứ để phân bổ và phân phối chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuyển dụng đổi mới thì giáo dục cũng phải theo!
Ông Nguyễn Minh Đường - thành viên Hội đồng Quốc gia - nêu thực tiễn của việc đào tạo không gắn sử dụng, khi mỗi năm có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm. Ngay cả các trường dạy nghề cũng vậy, trong lúc các DN cần công nhân lại không tuyển được. “Rõ ràng, ta đang đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo”. Ông đề xuất Nhà nước - mà cụ thể cơ quan quản lý lao động - cần xây dựng được kế hoạch phát triển nhân lực hằng năm. Như vậy đào tạo mới gắn được với tuyển dụng. “Nếu không, sự bất cập về đào tạo này sẽ còn gây lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội, lãng phí lớn cho thế hệ trẻ” - ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2. |
Theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ GDĐT hoàn toàn ý thức được điều này nên đã tổ chức tuyển người để cử đi các nước học để đào tạo cho tương lai. Còn hiện tại chưa có và “lần làm sách này cũng thế thôi” - ông nêu. Theo Bộ trưởng Luận, Bộ GDĐT phải tính toán để học bước đi bài bản của quốc tế, nhưng vẫn làm theo cách của VN. Ông mong các thành viên của hội đồng chia sẻ, vì “đòi hỏi hết điều kiện quốc tế để làm thì không có”.
Theo Lao Động