Thông tin trên được Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước, ngày 17/3.
Ưu đãi đặc thù
Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết, CSCĐ gồm 4 lực lượng chính là: lực lượng đặc nhiệm; lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ và được tổ chức theo mô hình: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
CSCĐ diễn tập chống đua xe. |
Theo Pháp lệnh quy định 16 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như: thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật…
Ngoài chế độ chính sách chung đối với công an nhân dân, CSCĐ còn được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù theo tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động. Sĩ quan CSCĐ công tác ổn định lâu dài ở địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ.
Theo Thứ trưởng Nam, ngoài việc trang bị tàu bay, tàu thủy cho CSCĐ được quy định tại điều 13 của pháp lệnh, lực lượng này còn được trang bị các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng, chuyên dụng, hiện đại.
Chưa ổn
Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được lần đầu lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/8/2013.
Theo Thứ trưởng Công an Đặng Văn Hiếu, Cảnh sát cơ động là tên gọi của pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên Chính phủ đề nghị thay bằng Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng cảnh sát vũ trang.
Theo ông Hiếu, việc trang bị tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát vũ trang là cần thiết. Chính phủ cũng đã cho phép Bộ Công an lập đề án mua máy bay trực thăng phục vụ chiến đấu.
Trong tình huống điều động lực lượng quy mô lớn hơn hoặc điều động các đơn vị Cảnh sát vũ trang được trang bị, sử dụng tàu bay, tàu thủy phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc vì quy định này đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn.
Về đổi tên dự thảo, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn: "Cứ giữ tên cũ, phần vì việc sửa tên thuộc thẩm quyền Quốc hội. Hơn nữa, tên cảnh sát cơ động hay lắm rồi, hay hơn nhiều tên cảnh sát vũ trang".
Trước các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho hay, cơ quan soạn thảo nhất trí với việc giữ tên dự thảo là Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Còn máy bay, tàu thủy là những phương tiện sử dụng chung cho nhiều lực lượng chứ không trang bị riêng cho cảnh sát cơ động. Đối với các vấn đề khác, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu hoàn thiện trong lần trình tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận, ngay cả tên dự thảo mà vẫn còn tranh cãi nghĩa là dự thảo chưa ổn.
Theo Đất Việt