Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết trong cuộc trao đổi với báo Lao động.
Bộ trưởng Thăng nói: "Tôi xin thẳng thắn là có tình trạng “bắt tay” nhau. Có chuyện trúng thầu bằng mọi giá, trúng bằng giá thấp, sau đó cố tình kéo dài thời gian để dẫn tới trượt giá để xin điều chỉnh. Anh Vinh (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh - PV) nói chính xác. Thậm chí, có tình trạng người ta không muốn làm đúng tiến độ để vin vào đó xin điều chỉnh cái này, xin điều chỉnh cái kia".
Bộ trưởng Thăng cũng lý giải nguyên nhân khiến giá làm đường Việt Nam cao gấp 3 lần Mỹ là do: giá thành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như vấn đề địa chất thủy văn.
Đường cao tốc Thăng Long - một trong những con đường có giá xây dựng cao nhất Việt Nam. |
Bộ trưởng dẫn chứng: "Nó phức tạp và cần xây nhiều chiếc cầu đến mức chi phí xây dựng cầu chiếm từ 20-25% tổng mức đầu tư. Ngay tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, chiều dài tuyến chỉ chưa tới 40km nhưng đã phải xây dựng 16,28km cầu, chiếm tới 50% tổng mức đầu tư tuyến.
Hay tuyến Bến Lức - Long Thành, dự kiến phải xây dựng 23,7km cầu trong một tuyến đường chỉ dài 57,8km. Điều kiện địa chất thủy văn phức tạp khiến các tuyến đường cao tốc phải chi phí rất lớn cho việc xử lý sụt trượt, mà thậm chí nhiều đoạn phải sử dụng cầu thay cho nền đất. Mà nói đến cầu là nói đến mức đầu tư cao gấp 3-5 lần so với đường rồi.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, giá đường cao tốc bị đội cao là do ảnh hưởng bởi mật độ dân cư và tập quán sinh hoạt sống bám theo đường ở Việt Nam. Khảo sát một số tuyến cao tốc ở cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... thì bình quân từ 100 - 200km mới cần một nút giao.
Bộ trưởng cũng khẳng định, yếu tố làm giá đường cao tốc bị đội cao và cũng là vấn đề nan giải nhất chính là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Khảo sát toàn bộ các tuyến cao tốc tại Việt Nam, chi phí cho GPMB chiếm bình quân từ 8 - 10% tổng mức đầu tư.
GPMB cũng là yếu tố khiến các dự án bị chậm, có dự án chậm đến 5 năm và liên tục bị trượt giá do kéo dài thời gian. Chẳng ở đâu có những dự án đường cao tốc mà chi phí GPMB tăng đến 2 lần so với quyết định đầu tư ban đầu. Chẳng ở đâu GPMB chiếm tới 21% tổng mức đầu tư như ở dự án Láng - Hòa Lạc. Chẳng ở đâu như ở dự án Bến Lức - Long Thành, chi phí GPMB lên tới 53 tỷ đồng/km.
Thêm nữa, giá đường cao tốc Việt Nam cao còn bởi rất nhiều nguyên nhân chủ quan khác, từ việc tổ chức thi công không hợp lý, để thất thoát lãng phí, ăn bớt ăn xén, chuyện nọ chuyện kia A, B... cho đến “bắt tay nhau” để thay đổi biện pháp thi công và cả bệnh thành tích cái gì cũng muốn nhất, cầu dài nhất, trong khi nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân là có hạn.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đang chấn chỉnh lại theo hướng ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, ngay từ Bộ trưởng.
"Gắn trách nhiệm người đứng đầu, người chịu trách nhiệm - yếu tố theo tôi là cực kỳ quan trọng. Nếu anh phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước công việc của anh thì rõ ràng không thể có bê trễ, không thể có chuyện chậm được. Và để giảm suất đầu tư, trách nhiệm của các địa phương cũng không phải là nhỏ đâu. Không chỉ là vấn đề GPMB, mà kể cả ''bệnh oai'' nữa cũng cần được khắc phục", Bộ trưởng nói.
Trước đó, tại Hội nghị thảo luận hoàn thiện các nội dung dự án Luật đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói thẳng, lý do vì sao đầu tư công ở Việt Nam lại cao.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nhiều đơn vị tư vấn không còn giữ được quan điểm độc lập, mà bắt tay với chủ đầu tư, ban quản lý gây thất thoát vốn
Theo đó phản ánh có những công trình chủ đầu tư và công ty tư vấn bắt tay nhau, nâng đơn giá lên gấp 2-3 lần so với giá trị thực tế.
Theo Đất Việt