Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa ông, trước đây, Bộ Y tế đưa ra Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Luật này đã có hiệu lực thi hành nhưng tính khả thi còn hạn chế, nay Bộ Y tế lại đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm. Là người làm trong cơ quan lập pháp, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
- Đây là chủ trương đúng nhưng Bộ Y tế cần xem lại. Trước đó, Bộ Y tế cũng đưa ra Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật này có hiệu lực thi hành nhưng tính khả thi còn hạn chế, vẫn còn nhiều người hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang được nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của quốc tế nhưng Bộ Y tế cần xem xét lại.
Theo tôi, tính khả thi của luật không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bộ Y tế nên xem xét Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để nghiên cứu Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ vì thuốc lá, rượu bia đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây là thói quen của người Việt nên cấm sẽ rất khó.
Bộ Y tế giải thích: Đề xuất cấm bán rượu sau 10h đêm để tránh mất an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông? Ông đánh giá thế nào về lý do Bộ Y tế đưa ra?
- Cả hai lý do Bộ Y tế đưa ra đều không thuyết phục. Mất an ninh trật tự phải đúng trong từng trường hợp, từng địa điểm, từng đối tượng. Cấm bán rượu sau 10h đêm không hạn chế tai nạn giao thông, chỉ nên cấm uống rượu trong khi điều khiển phương tiện giao thông và trong giờ làm việc. Trong thời gian nghỉ ngơi, không ai có quyền cấm uống rượu bia.
Lâu nay tai nạn giao thông, rối loạn trật tự xã hội, bạo lực gia đình có ảnh hưởng từ rượu bia nhưng phải xem xét.
Do vậy, luật đưa ra phải phù hợp với hệ thống pháp luật, phải có tính thực tiễn, đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng và khả năng thực hiện của người dân.
Quy định cấm uống rượu bia sau 10h đêm đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn? (Ảnh minh họa)
Có ý kiến cho rằng, cấm bán rượu bia sau 10h đêm, xử phạt người uống rượu sau khung giờ này không có căn cứ. Ông nghĩ sao?
- Nếu quy định người uống rượu bia sau 10h đêm sẽ bị phạt là vô lý. Cơ quan chức năng dựa vào đâu để phạt? Khó có thể dựa vào mùi bia rượu hay dựa vào nồng độ cồn để phạt. Do đó, Bộ Y tế phải cân nhắc kỹ.
Trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia chỉ cấm người uống rượu bia trong giờ làm việc, đang điều khiển phương tiện giao thông. Nếu sau 10h đêm cấm thì gần như cả ngày không được uống. Rõ ràng, cơ quan chức năng cấm uống rượu bia sau 10h đêm đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn.
Có ý kiến cho rằng, ở những điểm du lịch lớn cũng cần những dịch vụ về đêm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ông có nghĩ rằng, có quá nhiều quy định cấm về ban đêm có ảnh hưởng đến phát triển du lịch?
- Theo tôi, cấm bán hàng về đêm sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Nếu cấm bán rượu bia sau 10h đêm, các cơ quan chức năng nên khoanh vùng. Bình thường chỉ nên cấm uống rượu về đêm ở những nơi công cộng, còn nơi du lịch nên khoanh vùng lại. Nơi du lịch, nơi ăn chơi phải cho phép người ta uống rượu sau 10h đêm.
Muốn phát triển du lịch, muốn người ta đến mà cấm bán rượu sau 10h đêm khác nào cấm 12h đêm không được ngủ.
Trên thực tế đã từng có chuyện uống rượu ở vũ trường sau đó gây rối trật tự công cộng. Vì vậy có ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ giúp giảm các hiện tượng trên, thưa ông?
- Bộ Y tế không được lấy lý do quán bar, vũ trường gây rối loạn trật tự để đề xuất cấm bán rượu bia trên cả nước. Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu mua rượu, uống rượu lúc đêm nên tính khả thi trong đề xuất này không cao. Nếu cấm nhà hàng, quán bar, vũ trường bán rượu thì có tính khả thi cao hơn. Bộ Y tế không được lấy nhóm (vũ trường, quán bar) để làm luật chung cho cả nước.
Vậy theo ông, Bộ Y tế cần quy định cấm uống rượu bia như thế nào để sát với thực tiễn hơn?
- Muốn đi vào cuộc sống trước hết phải cấm những gì người dân thấy bức xúc như: xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu gây hại cho người khác và cho bản thân. Cấm ngay người uống rượu bia khi đang làm việc, khiến năng suất lao động giảm, ảnh hưởng đến người khác, không tốt cho sức khỏe.
Theo tôi, Bộ Y tế cần quy định cấm uống rượu bia đúng đối tượng, đúng mục tiêu, sát thực với thực tiễn cuộc sống. Nên thăm dò ý kiến, giải thích, tạo sự đồng thuận cho nhân dân.
Trong dự thảo nên quy định nhóm nào cấm hoàn toàn và chế tài xử lý phải mạnh, còn nhóm khác khuyến khích để người ta thấy được việc uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Đây là quy định đúng nhưng thể hiện tinh thần khuyến khích vận động để chính người dân họ tự chuyển biến.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha