Trẻ bị bỏ rơi: Vẫn cần lắm những cửa chùa

Thứ ba, 05/08/2014, 17:50
Hậu quả đau lòng của việc buông lỏng quản lý, thiếu sự quan tâm đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi có thể đã gián tiếp dẫn đến cái chết của bé Cù Nguyên Công. Thế nhưng, trên khắp đất nước này, vẫn cần lắm những ngôi chùa với tấm lòng từ bi thật sự...

Ảnh minh họa

Những đứa trẻ này vẫn cần lắm cánh cổng chùa rộng mở, với những con người có tấm lòng từ bi thực sự - ảnh: Tuệ Khanh

Chuyện chùa Bồ Đề nhận nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi từ hàng chục năm nay không ai không biết. Thế nhưng, khi vụ việc bảo mẫu của chùa mua bán trẻ em bị bại lộ, hàng loạt câu hỏi mới được đặt ra.

Bắt đầu trụ trì chùa Bồ Đề khi còn là một cô gái trẻ, Ni sư Thích Đàm Lan đã nhận nuôi trẻ mồ côi từ năm 1989, tức là đã 25 năm nay. Trong suốt những năm ấy, việc nhiều trẻ em bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại chùa đã thu hút sự quan tâm của các nhà hảo tâm. Cũng vì thế, nhiều năm qua, chùa Bồ Đề đã trở thành một trong những địa chỉ đầu tiên mà người Hà Nội nghĩ tới khi muốn đi làm từ thiện.

Cảm phục trước sự từ bi của nhà sư và những số phận thiếu may mắn, nhiều cá nhân, tổ chức đã dành thời gian, tiền bạc và cả công sức góp cùng nhà chùa chăm sóc các em, hy vọng những mảnh đời bất hạnh phần nào được an ủi, sẻ chia.

Đã có hàng trăm bài báo viết về hiện tượng cưu mang trẻ bị bỏ rơi của chùa Bồ Đề và Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội bình chọn là 1 trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2011. Lý do để vị trụ trì chùa này được nhận danh hiệu đó là vì bà đã cưu mang, đùm bọc và che chở hàng trăm trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi dưới mái chùa Bồ Đề.

Tuy nhiên, những năm gần đây, không phải không có những thông tin trái chiều về việc nuôi dưỡng trẻ em ở ngôi chùa giờ đã trở nên nổi tiếng này. Đó là chuyện những trẻ em ở đây không được nuôi dưỡng một cách đầy đủ mặc dù số tiền và vật chất mà các nhà hảo tâm mang đến chùa không phải là ít.

Theo nhiều ý kiến thì minh chứng của việc này là nhà chùa đã được xây dựng rất khang trang, thậm chí có thể gọi là hoành tráng, trong khi khu “nhà mở”, nơi nuôi dưỡng các bé thì ẩm thấp, lụp xụp. Trong số những thông tin đó, sư thầy Thích Đàm Lan không phải là không bị chịu nhiều điều tiếng. Tuy nhiên, mọi thông tin từ cơ quan chức năng đều cho biết, không có vấn đề gì trong việc nuôi dưỡng trẻ ở chùa Bồ Đề.

Nhưng khi sự việc buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị phanh phui, các cơ quan chức năng lại bất ngờ khẳng định: Chùa Bồ Đề không được phép nuôi trẻ bị bỏ rơi! Vậy là, Thành phố đã vinh danh một người đang làm sai quy định?

Lúc này, một câu hỏi được đặt ra là: nếu chùa không được phép nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi thì tại sao việc nhận nuôi trẻ lại tồn tại hàng chục năm, và số lượng trẻ được nhận nuôi lên đến cả trăm? Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan lại cho biết, có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa nhà chùa và chính quyền phường trong việc giám sát số lượng và thông tin trẻ bị bỏ rơi được nuôi dưỡng trong chùa, và chính bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang là người phụ trách việc ghi chép sổ sách, báo cáo chính quyền địa phương.

Ngoài ra, còn một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng, đó là trong khi dư luận báo chí và người dân đặt vấn đề nghi ngờ về việc cưu mang trẻ ở chùa Bồ Đề thì các cơ quan chức năng đã thực sự vào cuộc tìm hiểu một cách rốt ráo hay chưa? Câu trả lời cho vấn đề này rất quan trọng, bởi đằng sau nó là cuộc đời, là số phận và thậm chí là sinh mạng của hàng trăm trẻ em, dù là trẻ em bị bỏ rơi.

Với việc hàng trăm trẻ em được nhận nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề và rất nhiều trẻ em đang được nuôi dưỡng ở những ngôi chùa khác trên khắp cả nước, việc quản lý, chăm sóc các em được thực hiện theo quy định nào? Và ai là người phải chịu trách nhiệm về số phận của những em bé vốn đã rất bất hạnh này? Đó là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế, hậu quả đau lòng của việc buông lỏng quản lý, thiếu sự quan tâm đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi đã gián tiếp dẫn đến cái chết đau lòng của bé Cù Nguyên Công. Nhưng cũng không phải vì điều đó mà đến thời điểm này, các cơ quan chức năng lại quay ngược khẳng định nhà chùa không có chức năng nuôi trẻ và có thể vì thế, cơ hội được cưu mang, nuôi dưỡng tại các ngôi chùa đối với những mảnh đời bất hạnh sẽ khép lại.

Trên khắp đất nước này, vẫn cần lắm những ngôi chùa như thế, với những tấm lòng từ bi thực sự.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn