Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM được chính Ban Trị sự Phật giáo Huyện thành lập. Hiệu phó Minh Hạnh cho biết: “Trường nằm trong khuôn viên nhà chùa Pháp Võ nhưng không hẳn thuộc về chùa mà của giáo hội toàn huyện nói chung, mặc dù nhà chùa chịu trách nhiệm chính”.
Thư viện ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa. Ảnh: T.N.A
Trường nữ: Suốt ngày đi học
Theo ông Hạnh, năm 2013, tổ chức liên ngành đã kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi toàn thành phố, trong đó có trường Pháp Võ. “Mấy hôm nay, lình xình việc nuôi dạy trẻ ở chùa Bồ Đề ngoài Hà Nội, Thành hội Phật giáo TP.HCM cũng đã chỉ đạo các cơ sở tăng cường kiểm tra, chỉnh đốn các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi”, ông Hạnh nói. Sau khi kiểm tra các tiêu chí, nhà chùa và trường không thiếu sót gì.
“Tất cả các cháu vào chùa, ra chùa đều có quyết định của nhà trường và được thông qua phòng chuyên trách của Sở LĐ-TB&XH nên các đường dây buôn bán trẻ em khó lọt vào được”, ông Hạnh nói.
Về chuyện học hành của các cháu, đại diện nhà trường cho biết: “100% cháu đang đi học mẫu giáo, phổ thông, đại học. Hiện nhà chùa có 69 cháu, đầu năm học đóng tiền học phí nhiều lắm, cháu ít cũng 500.000 đồng, nhưng nhà chùa đều đã đóng đủ cho các trường”.
Trường trẻ mồ côi Pháp Võ chỉ nuôi dạy trẻ em gái vì đây là chùa nữ. Theo quy định, chùa chỉ nuôi các cháu đến 18 tuổi, nhưng các em mới tốt nghiệp phổ thông, nên hiện nhà chùa vẫn chu cấp cho 10 em học cao đẳng, đại học.
“14 năm hoạt động, chúng tôi đã nuôi dạy được 50 em trưởng thành, hòa nhập với cuộc sống, đa số học cao đẳng, đại học, có em học thạc sĩ, bác sĩ. Các em lập gia đình, cuộc sống thu nhập ổn định”, một vị sư kể.
Nguồn thu nhà chùa đến từ việc bán kinh sách, hương, đèn, mở quán chay ở cổng chùa…, tự túc được 55% kinh phí. Điểm thuận lợi của chùa Pháp Võ là nằm ngay mặt đường lớn, nhưng cũng phải kể tới tinh thần tự lực trước giờ.
Các sư vẫn tự tay làm nhang, làm nến để bán mỗi ngày. Trường chỉ có bốn bảo mẫu, nhưng noi gương các sư, các chị lớn luôn chăm sóc các em nhỏ hơn, dạy dỗ các em học tập. Ban ngày, tất cả đều đi học, chùa vắng tanh, nhưng tối về thì nhộn nhịp, vang tiếng học bài.
Trường nam: huynh đệ một nhà
Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa ở quận 7 có cơ sở vật chất kiên cố. Bên cạnh ngôi chùa cổ Long Hoa được giữ nguyên trạng (còn hầm hoạt động cách mạng nên chùa Long Hoa được công nhận di tích lịch sử), ngôi chùa mới được xây lên khang trang. Khu vực nuôi dạy trẻ mồ côi gồm 4 tòa nhà xây dựng khá kiên cố, một hội trường lớn để sinh hoạt chung và một thư viện hai tầng.
Sư Thích Thiện Hạnh, Chánh văn phòng, năm nay hơn 70 tuổi, sống ngay cạnh khu trẻ mồ côi để coi sóc các cháu. Sư Thiện Hạnh nói: “Diện tích của chùa gần 10.000m2, chủ yếu dành cho các cháu ăn ở, vui chơi. Đội bóng của các bạn mồ côi luyện tập trong sân chùa, thỉnh thoảng đại diện cho phường đi thi đấu”.
Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Long Hoa được thành lập năm 1994, hiện nuôi dạy 90 em, toàn bộ là nam. Ban ngày, tất cả các em đi học, trừ 2 cháu mới 3 tuổi.
Thầy Thích Tâm Tài, người chuyên trông coi các cháu, vui vẻ nói: “Các cháu học giỏi lắm, nhiều cháu đã và đang học đại học. Năm vừa rồi, bốn cháu thi đại học thì hai cháu đậu”.
Sư thầy nói: “Các cháu hoàn cảnh bố mẹ mất, hoặc gia đình khó khăn mới gửi vào chùa để các cháu được đi học hành cho bằng chúng bạn, nên dù khó khăn đến mấy, chùa cũng lo để tất cả các em đều được học hành hết khả năng”. Các em đi học cao đẳng xa, chùa cấp tiền đi xe buýt, tiền ăn, tiền tiêu vặt.
Nhà chùa nuôi dạy trẻ mồ côi gần 20 năm qua, nhưng chỉ có 3 em theo nghiệp tu hành. Nhà chùa không ép các em theo tôn giáo nào. Chùa nuôi dạy cả các em những tôn giáo khác. Các em đều hòa thuận với nhau như người một nhà.
Trung tâm nuôi trẻ mồ côi có một thư viện. Cô thủ thư cho biết: “Thư viện có 5.000 đầu sách, các em thường vào đọc, từ lớp 6 trở lên thì được mượn sách về phòng”. Mỗi phòng ở đều được trang bị ti vi màn hình phẳng cỡ lớn.
Trong Trung tâm Long Hoa có một xưởng sản xuất nước uống tinh khiết cung cấp cho các cháu, đồng thời bán ra ngoài, tăng thêm thu nhập cho trường.
Theo Tiền Phong