Mang thai hộ trở thành nghề phổ biến của những phụ nữ nghèo ở Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP |
Mang thai hộ cho những cặp vợ chồng nước ngoài nổi lên như "nghề" hấp dẫn và thu hút nhiều phụ nữ ở làng Pak Ok, cách Bangkok 6 giờ chạy xe, gần hai năm nay. Ít nhất 24 phụ nữ trong làng trở thành người chuyên mang thai hộ. "Nếu tôi không lớn tuổi thì chắc tôi cũng nhận việc này. Làng tôi nghèo lắm, chúng tôi chật vật kiếm tiền mỗi ngày nhưng không đủ", bà Thongchan Inchan, 50 tuổi, trả lời trên báo New York Times.
Đẻ thuê thương mại phổ biến ở Thái Lan ít nhất từ 10 năm qua. Thái Lan là nước thứ hai ở châu Á (bên cạnh Ấn Độ) và một trong số ít các quốc gia trên thế giới cho phép mang thai hộ. Chi phí đẻ thuê ở Thái Lan lại thấp hơn nhiều so với Mỹ. Thái Lan còn cho phép những cặp đôi đồng tính thuê phụ nữ mang thai hộ.
Thống kê cho biết hàng trăm ca đẻ thuê diễn ra ở Thái Lan mỗi năm. Mỗi phụ nữ mang thai hộ nhận thù lao khoảng 10.000 USD sau khi sinh nở thành công. Nếu họ mang song thai thì tiền bồi dưỡng cao hơn, chưa kể khoản trợ cấp 450 USD/tháng và sinh sống miễn phí ở thủ đô Bangkok.
Một số nhà bình luận than phiền Thái Lan đang trở thành "tử cung của châu Á" như lời của một bình luận viên truyền hình nước này. "Đây là biểu hiện của sự xói mòn đạo đức. Người ta chỉ quan tâm tiền bạc hơn tất cả", Kaysorn Vongmanee, trưởng trạm y tế ở Pak Ok nói. Theo bà Kaysorn, "khách hàng" của phụ nữ làng Pak Ok chủ yếu là các gia đình Nhật Bản và một số nước phát triển ở châu Á.
Tuy nhiên, một số người dân trong làng tỏ ra thông cảm với công việc này. "Đẻ thuê không có gì là sai trái cả. Bạn đang giúp những người không thể có con. Tôi hiểu cảm giác của một người mẹ khao khát có con là như thế nào", bà Pakson Thongda, 42 tuổi, nói. Con gái của bà từng hai lần bán trứng cho một phòng khám sản khoa với giá 1.000 USD/lần.
Chuyện mang thai hộ ở Thái Lan trở nên ồn ào trên truyền thông quốc tế từ cuối tháng 7/2014, sau khi báo chí Thái Lan và Australia đưa tin chuyện giữa một cặp vợ chồng Australia và người phụ nữ mang trong mình cặp sinh đôi của họ.
Cô Pattaramon Chanbua trở thành mẹ bất đắc dĩ của đứa bé bị hội chứng Down do một cặp vợ chồng Australia bỏ lại. Ảnh: AFP |
Người mang thai cáo buộc đôi vợ chồng chỉ mang về nước đứa bé khỏe mạnh, bỏ lại đứa bé bị hội chứng Down. Lời cầu xin giúp đỡ của "người mẹ bất đắc dĩ" khiến dư luận hai nước “dậy sóng”. Người cha sinh học của đứa bé, David John Farnell, như tiếp thêm dầu vào lửa khi nói nếu anh biết trước đứa bé mang bệnh tật thì sẽ yêu cầu phá thai. "Không cha mẹ nào muốn con mình khuyết tật", David nói.
Vùng xám trong luật pháp
Ngành đẻ thuê ở Thái Lan đang hoạt động trong vùng xám của pháp luật. Dù nước này không cấm chính thức nhưng vẫn có những điều luật gây khó khăn. Luật pháp Thái Lan quy định "người mẹ" chính là người sinh con. Do vậy, nếu bố mẹ "sinh học" của đứa trẻ muốn quyền nhận con thì người mẹ "hờ" phải từ bỏ quyền làm mẹ của mình. Đây là một sự nhượng bộ có thể nảy sinh tranh chấp pháp lý giữa hai bên.
Chính phủ Thái Lan dự kiến thông qua một luật mới để quản lý việc đẻ thuê thương mại. Theo dự luật, Thái Lan vẫn cho phép mang thai hộ nhưng cấm nhận thù lao, cấm mọi hoạt động môi giới hoặc quảng cáo dịch vụ này. Sriamporn Salikoop, một thẩm phán cấp cao ở Tòa án Tối cao, ủng hộ luật này vì ông cho rằng chính quyền phải ngăn chặn sự bùng nổ của việc mang thai hộ. "Sinh ra một con người không giống như gây giống động vật", ông Sriamporn nói.
Tờ báo Thai Rath cho rằng lệnh cấm chỉ đẩy việc đẻ thuê vào tình trạng hoạt động lén lút. "Người ta sẽ vẫn tiếp tục chuyện này bất chấp bị coi là không đúng luật. Một số vấn đề sẽ phát sinh như tình trạng buôn người hoặc trẻ con bị bắt cóc đem ra khỏi đất nước", báo này nhận định.
Theo Zing